menu search
Đóng menu
Đóng

Quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

16:47 02/01/2009

1. Thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh.

Phân bón là một trong 14 mặt hàng quan trọng thuộc danh mục nhà nước bình ổn giá cũng và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, kết quả thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng trên toàn quốc trong thời gian vừa qua cho kết quả 40 – 50% số mẫu giám định có chất lượng thấp hơn mức đã công bố và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có sản phẩm vi phạm, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn, đã có uy tín nhiều năm trên thị trường.

Từ đầu năm 2008, giá nguyên liệu, phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng cao khiến giá trong nước cũng nhảy vọt và xuất hiện thực trạng đáng báo động là giá càng cao thì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều.

Việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trong thời gian vừa qua ngoài nguyên nhân cơ bản vì mục đích tối đa hoá lợi nhuận dẫn đến vi phạm, còn có nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi người tiêu dùng chưa chấp nhận mặt bằng giá mới, doanh nghiệp sản xuất đã giảm nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành sản phẩm.

Những diễn biến phức tạp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đã tác động trực tiếp và tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của nước ta. Người nông dân cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng không những phải gánh chịu áp lực về giá cả mà còn chịu thiệt hại nặng nề do phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương, tổng diện tích gieo trồng năm 2008 là 166.813 ha, trong đó diện tích lúa là 126.875 ha, còn lại là các cây thực phẩm, khoai, đậu, cây công nghiệp khác. Diện tích cây lâu năm là 22.337 ha. Tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh cần phải bón phân chăm sóc là 189.150 ha, do đó nhu cầu về phân bón là rất lớn. Tổng lượng phân bón sử dụng toàn tỉnh năm 2008 là 157.122 tấn. Trong đó Urê là 46.406 tấn, Supe lân là 85.128 tấn, Kali là 25.588 tấn.

Năm 2008 ghi nhận những biến động bất thường và khắc nghiệt của thời tiết cũng như những biến động về giá nguyên liệu đầu vào, giá phân bón thế giới tăng mạnh. Do đó, giá của tất cả các loại phân bón trên thị trường đều tăng trên 200% so với cùng kỳ năm 2007 làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể (chi phí phân bón chiếm 30% tổng chi phi sản xuất nông nghiệp).        

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 đơn vị sản xuất các loại phân bón (trước đây từng có 9 đơn vị, thời gian qua 2 đơn vị đã ngừng hoạt động):

1. Công ty CP Phân bón Việt Mỹ (Kinh Môn): Sản xuất phân NPK, KN hỗn hợp. Hiện đang sản xuất thử nghiệm theo đơn đặt hàng.

2. Công ty TNHH Hải Hà (Kim Thành): Sản xuất phân NPK, KN hỗn hợp. Hiện đang sản xuất thử nghiệm theo đơn đặt hàng.

3. Công ty TNHH Việt Nhật (Kinh Môn): Sản xuất phân NPK hỗn hợp, phân hữu cơ vi sinh, công suất 3.000 tấn/năm.

4. Công ty Phân bón Nam Điền (Nam Sách): Phân NPK hỗn hợp, phân hữu cơ khoáng, công suất 1.000 tấn/năm.

5. Công ty CP phân bón Sơn Trang (Nam Sách): Sản xuất phân NPK hỗn hợp, công suất 1.000 tấn/năm.

6. Công ty Phân bón Việt Tiên Sơn (Cẩm Giàng): Sản xuất Phân hữu cơ vi sinh, hiện đang sản xuất thử nghiệm theo đơn đặt hàng.

7. Công ty Phân bón và Hoá Chất Lâm Thao Chi nhánh Hải Dương: Sản xuất phân NPK hỗn hợp, công suất 150.000 tấn/năm.

Trong số 7 Công ty có 03 Công ty: Việt Mỹ, Hải Hà, Việt Tiên Sơn đang sản xuất thử theo đơn đặt hàng. Các Công ty Nam Điền và Công ty Sơn Trang sản xuất với quy mô nhỏ trên dây truyền công nghệ đơn giản. Riêng Công ty Phân bón và Hoá Chất Lâm Thao Chi nhánh Hải Dương sản xuất với quy mô lớn, dây chuyền hiện đại.

Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 100 cơ sở kinh doanh phân bón có quy mô trung bình trở lên kinh doanh bán lẻ và đại lý phân bón. Nguồn phân bón chủ yếu là phân NPK của Công ty Phân bón và Hoá Chất Lâm Thao, Công ty Hà Anh, Công ty Bình Điền, Công ty Phân lân Ninh Bình, Công ty phân bón Con cò và nguồn đạm urê nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo thống kê sơ bộ, trên thị trường tỉnh Hải Dương hiện nay có khoảng trên 30 loại phân bón các loại đang lưu hành bao gồm cả sản phẩm trong nước sản xuất và được nhập khẩu. Trong đó, mặt hàng đạm urê chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy chất lượng nhìn chung đảm bảo; hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hoá nhập khẩu không có nhãn phụ theo quy định.

2. Công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng phân bón 9 tháng đầu năm 2008.

Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp, trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong khi phân bón là mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất nông nghiệp. Do đó, các cơ quan chức năng luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này.

9 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 01 đợt kiểm tra chất lượng phân bón, kết quả 7/21 mẫu không đạt chỉ tiêu công bố trên bao bì của 6 doanh nghiệp; đã xử lý 5 đơn vị, tổng thu phạt 40 triệu đồng.

Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ đã kiểm tra 05 cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh, xử lý 03 đơn vị, thu phạt 8 triệu đồng.

Công an tỉnh đã phối hợp C15 Bộ Công an tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần sản xuất Tân Trường Sinh Chi nhánh tại thị trấn Phả Lại - Chí Linh - Hải Dương. Qua quá trình kiểm tra xác định có dấu hiệu vi phạm hình sự, Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố vụ án và tạm giữ 85 tấn phân NPK hỗn hợp kém chất lượng.

Chi cục QLTT tỉnh đã tổ chức kiểm tra và xử lý 8 vụ việc vi phạm trong hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón. Trong đó điển hình là 2 vụ vi phạm về sản xuất phân bón vi phạm các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá, kém chất lượng, giả về chất lượng, phân bón có chất lượng thực tế thấp hơn chỉ tiêu chất lượng đã công bố, ghi trên nhãn hàng hoá. Xử phạt vi phạm hành chính 72 triệu đồng, đình chỉ lưu thông, xử lý trên 100 tấn phân bón các loại.

Việc tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát đã góp phần lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và kinh doanh chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và răn đe đối tượng vi phạm.

3. Một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Những tháng cuối năm 2008, theo biến động của thị trường thế giới cũng như do kết quả của việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhóm các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và tăng giá tiêu dùng, chỉ số giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu đã giảm, một số mặt hàng giảm khá mạnh trong đó có phân bón.

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế nói riêng và người nông dân nói riêng. Dự báo tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm hơn những tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên để đảm bảo bình ổn được thị trường phân bón trong nước cũng như trong tỉnh đòi hỏi các cơ quan chức năng phải luôn theo sát diễn biến tình hình thị trường, kịp thời có những biện pháp quản lý phù hợp trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

- Tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Trước mắt cần tập trung kiểm tra phân bón kém chất lượng, phân bón giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh phân bón và ghi nhãn hàng hoá.

- Tổ chức đánh giá lại thực trạng các cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn về công nghệ, dây truyền sản xuất, trang thiết bị kỹ thuật… Xây dựng cơ chế thẩm định trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các đơn vị sản xuất phân bón, không cho phép thành lập các đơn vị sản xuất phân bón có dây truyền công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật không đảm bảo, năng lực sản xuất yếu.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với các mục tiêu:

+ Tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ về các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón. Từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia sản xuất, kinh doanh.

+ Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, kém chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn; trang bị kiến thức để nâng cao kỹ năng mua sắm cho người tiêu dùng. Nâng cao ý thức trách nhiệm trước pháp luật cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, có biện pháp tự bảo vệ đối với hàng hoá của doanh nghiệp mình.

+ Thông qua công tác thông tin tuyên truyền góp phần răn đe các đối tượng vi phạm.

- Từng bước tổ chức ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng… đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón./.

 (TTXTTM Hai Duong)

 

Nguồn:Vinanet