menu search
Đóng menu
Đóng

Suy thoái kinh tế Mỹ và ứng phó của Việt Nam

09:38 14/03/2008
Trước nguy cơ suy thoái và lạm phát của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng rõ nét, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần chủ động chuẩn bị để có thể ứng phó kịp thời.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế và giới truyền thông Mỹ đang nói rất nhiều về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ. Họ cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói là đã bắt đầu.

Chu kỳ tăng trưởng của kinh tế tư bản trong thời đại chu kỳ thay đổi thiết bị, kỹ thuật - công nghệ ngày nay cứ khoảng 5-6 năm lại bước vào suy thoái. Cuộc suy thoái lần trước của kinh tế Mỹ rơi vào năm 2001 và thời kỳ tăng trưởng cũng đã kéo dài được 5-6 năm. Để chống suy thoái và kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái năm 2001, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 11 lần liên tục giảm lãi suất từ 6,75% xuống 1%.

Chính lãi suất sau khi được cắt giảm xuống mức rất thấp như vậy đã làm cho người tiêu dùng Mỹ thoải mái vay tiền để tiêu dùng, mua nhà cửa thế chấp; các ngân hàng đã thoải mái cho vay đầu tư xây dựng nhà cửa để bán và cho vay mua nhà dưới chuẩn.

Khi nền kinh tế đã phục hồi và nguy cơ lạm phát xuất hiện, FED đã liên tục tăng lãi suất từ 1% lên 5,25%. Khi lãi suất cao lên, người mua nhà thế chấp có nguy cơ không trả được nợ, thậm chí phải bán nhà (hoặc bị tịch thu nhà); các công ty xây dựng nhà cũng giảm xây dựng vì xây xong không bán được đã làm cho thị trường nhà cửa, tín dụng cho vay thế chấp dưới chuẩn bị khủng hoảng, tác động mạnh đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán không chỉ của nước Mỹ mà của hầu hết các nước trên thế giới.

Để ứng cứu, ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển đã tung ra mấy trăm tỷ USD; FED đã liên tục cắt giảm lãi suất; Chính phủ Mỹ đã đưa ra biện pháp kích thích tài chính trị giá khoảng 150 tỷ USD, gồm chương trình giảm thuế cá nhân (600 USD/người, 1.200 USD cho hai vợ chồng cùng đóng thuế, 300 USD cho trẻ em) và giảm thuế cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, vẫn có những thông tin xấu hơn xuất hiện.

Chỉ số sản xuất của Mỹ tháng 2/2008 ở mức thấp hơn nhiều so với dự báo. Trong 6 tháng qua, chỉ số này đã giảm 2% (6 tháng trước cuộc suy thoái năm 2001, chỉ số sản xuất đã giảm 2,2% và mức giảm trung bình trong 6 tháng trước của hầu hết các cuộc suy thoái là 2,5%).

Tăng trưởng kinh tế của quý 4/2007 chỉ đạt 0,6%, thấp hơn nhiều so với quý 3 trước đó, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2007 xuống còn 2,2%, mức thấp nhất tính từ năm 2002 là năm kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục liên tục đi xuống từ năm 2005 đến nay và sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2008 này.

Tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 5% vào tháng 12/2007 và khả năng sẽ cao hơn nữa vào năm 2008. Từ tháng 12/2007 đến tháng 2/2008, hoạt động xây dựng giảm 16,9%, chỉ số Dow Jones giảm 13%, vượt quá mức 10% - một mức đã được xem là ảm đạm.

Cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất tiếp tục bộc lộ, khi số nhà mới xây giảm tới 40% so với mức đỉnh điểm trong năm 2006; giá nhà trung bình đã giảm 7% trong năm 2007 và có triển vọng giảm 15-20% trong thời gian tới. Số nhà bị tịch thu gán nợ tiếp tục gia tăng, trong khi theo ước tính ban đầu, các ngân hàng Mỹ có thể mất khoảng 70 tỷ USD.

Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, FED đã liên tục 4 lần cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống còn 3%. Theo dự đoán, trong kỳ họp vào ngày 18/3 này, FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống còn 2,5%, thậm chí còn 2,25%. Nhưng trong khi Mỹ cắt giảm lãi suất thì lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ ở mức 4%. Tình hình đó sẽ dẫn đến hai hiện tượng.

Một, lạm phát của Mỹ sẽ gia tăng. Tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2006 chỉ có 1,9%, năm 2007 đã tăng lên 3,4% và có thể cao hơn nhiều trong năm 2008 - điều mà các năm trước đây FED thường ưu tiên mỗi khi tăng/giảm lãi suất do tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Mỹ thuộc loại cao nhất thế giới và người tiêu dùng rất “ngán sợ" lạm phát.

 

Nguồn:Thời báo kinh tế Việt nam