menu search
Đóng menu
Đóng

Thế giới "đói’’, Nhật thừa gạo mà không bán được

11:28 07/05/2008
Khi cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra, nông dân Nhật Bản vẫn sống trong một thế giới khác biệt và xa lạ.
Tiêu dùng gạo giảm sút trong gần nửa thế kỷ, bất chấp việc các cánh đồng lúa vẫn chiếm chừng 60% tổng diện tích đất trồng. Những điền trang ở đây khá nhỏ hẹp và kém hiệu quả, so với Australia nhỏ hơn gần 4.000 lần. Nhưng, thu hoạch vẫn đạt sản lượng vượt xa nhu cầu nội địa.
Điều đặc biệt khi nói tới gạo của Nhật Bản chính là ở giá cả - nhất là vào đúng thời điểm châu Á đang trong cơn đói lương thực, bạo động biểu tình vì lương thực và đói kém.
Giá gạo trên thị trường quốc tế đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 1, vào khoảng 1.000 USD/tấn. Nhưng mức giá này vẫn còn kém xa so với giá gạo được trồng ở Nhật, thường là hơn 2.300 USD/tấn.
Hiroto Endo, gia đình 10 đời trồng lúa gạo, đang vật lộn để sinh sống trong một thị trường hết sức đặc biệt này. Trang trại của ông cách Tokyo về phía đông bắc gần 200km, ông và con trai Ryoshi vừa mới tháo nước vào đồng chuẩn bị cho vụ gieo trồng.
1/4 sản lượng thu hoạch năm ngoái, vẫn còn đang tồn trong kho, không thể bán được cho dù gạo của ông đã nhận giải thưởng quốc gia về chất lượng và mùi vị. "Những gì chúng tôi cần làm là thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng’’, Endo nói.
Giọng nói của ông có chút gì đó thất vọng, vì người Nhật ngày càng dùng ít gạo hơn qua mỗi năm trong khi các nhà tiêu thụ quốc tế tiếp tục chứng kiến giá gạo trồng tại Nhật đắt ở mức không tưởng.
Là một phần chính sách xã hội dài hạn, chính phủ Nhật có sự bảo hộ rộng rãi với người nông dân trồng lúa gạo khỏi các sản phẩm nhập khẩu, và giữ chân họ ở lại với những cánh đồng lúa nhỏ bằng cách tăng cường trợ cấp. Với sự trỗi dậy của các thành phố Nhật sau Thế chiến 2, giá gạo cao đã giúp cho vài thế hệ thịnh vượng tại khu vực nông thôn.
Nhật Bản sản xuất 2,2 triệu tấn gạo trong năm ngoái, nhưng chỉ xuất khẩu có 1.000 tấn. Trong khi đó, Thái Lan đã xuất khẩu 9,4 triệu tấn năm 2007.
Ngay cả những nước giàu cũng ’’tránh xa’’ gạo Nhật vì giá cả. Mỹ chỉ nhập khẩu có 128 tấn năm ngoái, gần nửa trong số này là nhằm phục vụ các nhà hàng Nhật Bản (thống kê của Bộ Nông nghiệp Nhật).
Masaaki Edamoto, Giám đốc phụ trách chính sách gạo của Bộ Nông nghiệp Nhật nhấn mạnh rằng, gạo trồng ở Nhật Bản rất được ưa chuộng do sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ và hầu hết đều trồng ở những trang trại gia đình - nơi sử dụng ít thuốc trừ sâu và phân bón hóa học hơn mọi nông trang khác trên thế giới.
"Tuy nhiên, thật không may mắn, khi chúng ta không đứng ở mức giá mà thị trường nước ngoài chấp nhận được’’, ông nói.
Những lý do là: nông trang nhỏ, chi phí lao động và máy móc đắt đỏ, vấn đề gạo của Nhật Bản chính là giá cả có rất ít cải tiến.
Như rất nhiều nơi ở châu Á, gạo có giá trị nhiều hơn là một loại lương thực tại Nhật Bản, và không hề thực sự mang ý nghĩa xuất khẩu. Nó là một biểu tượng truyền thống cho sự phồn thịnh, là một chuẩn văn hóa.
Khi Nhật Bản tăng trưởng mạnh vào nửa sau thế kỷ 20, giá gạo nội địa (so với chuẩn thế giới) không hề gây khó khăn cho hầu hết người dân Nhật. ’’Tôi chưa từng nghe thấy người tiêu dùng nào than phiền về giá gạo trong nước’’, Edamoto nói.
Thói quen thay đổi
Trên thực tế, giá gạo Nhật đã thấp hơn nhiều so với trước, vì sản lượng tăng vọt trên các cánh đồng, nhưng vấn đề không nằm ở giá cả.
Năm 1965, 45% lượng calo trong thực đơn thường ngày của người Nhật đến từ gạo (thống kê của Bộ Nông nghiệp Nhật). Năm 2006, con số này chỉ là 23%. Cùng thời điểm này, tiêu dùng gạo bình quân đầu người hàng năm giảm từ 118kg xuống còn hơn 60kg. Người Nhật vẫn ăn gạo nhiều hơn người Mỹ, nhưng thấp hơn người Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Người Mỹ bị đổ lỗi một phần cho sự Tây hóa trong chế độ ăn của người Nhật, theo Yoshio Yaguchi, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo. "Khi Nhật Bản thất bại sau chiến tranh, người Mỹ cung cấp quá nhiều lương thực - bánh mỳ và sữa - cho  rất nhiều thanh niên Nhật’’, Yaguchi nói. "Bấy giờ có tin đồn ăn gạo sẽ khiến bạn ngu dốt. Các bữa ăn trưa trong trường học toàn gồm bánh mỳ, chế độ và thói quen ăn uống đã sản sinh ra loại lương thực mới’’.
Nhưng quan trọng hơn, Yaguchi nói, sau hàng thập niên thu nhập gia tăng và sự đa dạng hóa trong văn hóa ẩm thực của đất nước, giờ đây, Nhật Bản nhập khẩu phần lớn lương thực cung cấp - 61% - nhiều hơn mọi nền kinh tế phát triển khác của thế giới.
Sự yêu thích bánh mỳ của người Nhật đã dẫn đến kết quả là Nhật trở thành nhà nhập khẩu bột mỳ lớn thứ tư thế giới.
Giá bột mỳ leo thang - gấp đôi trong năm ngoái - đã trở thành tâm điểm cho mọi cuộc trò chuyện của người Nhật hiện nay và khiến người tiêu dùng lo lắng.
Để giải quyết tình hình, đồng thời tìm đường ra cho lượng gạo thặng dư của Nhật, Bộ Nông nghiệp đang xem xét sử dụng gạo như biện pháp thay thế bột mỳ. Đề xuất kêu gọi thay thế 20% lúa mỳ nhập khẩu bằng gạo nội địa.
Tuy nhiên, theo Edamoto, kế hoạch đã gặp nhiều cản trở. Khi giá lúa mỳ toàn cầu tăng, thì việc làm bột từ gạo Nhật Bản vẫn còn quá cao do ảnh hưởng từ trợ cấp giá.
Trên nông trại của Endo, kế hoạch thay bột mỳ thành bột gạo của chính phủ mang lại rất ít hy vọng. Loại gạo của Endo có giá cao hơn gấp đôi giá gạo bình thường của Nhật, nên dường như nó quá xa vời với việc thay thế lúa mỳ.
Và phần lớn sản lượng gạo từ vụ thu hoạch năm ngoái vẫn nằm trong nhà kho của Endo, chờ đợi người thu mua. "Đây sẽ là một năm rất khó khăn với chúng tôi’’, ông nói.
 

Nguồn:Internet