menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường chứng khoán trong nước tuần đến ngày 31/7/2009: Tính thanh khoản trở lại, thử thách niềm tin thị trường

08:53 03/08/2009
Tuần giao dịch cuối cùng trong tháng Bảy nhìn chung đã mang lại cho nhà đầu tư trên cả 2 sàn nhiều niềm vui và hy vọng hơn, bất chấp kết quả chung cuộc của HNX-Index là không quá tích cực khi giảm nhẹ 0.71 điểm, tương đương mất 0.46%.

Sự tương đồng lớn về diễn biến của thị trường so với chứng khoán Mỹ trong từng phiên cũng như việc khối lượng tăng mạnh là các điểm nhấn đáng chú ý hơn cả sau 5 phiên giao dịch.

Tại HoSE, mặc dù số phiên giảm điểm là nhiều hơn và diễn ra liên tục nhưng số điểm cộng thêm của 2 phiên tăng điểm đầu và cuối tuần lại lớn hơn và chính điều này đã giúp VN-Index có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp.

Trước đó, chuỗi tăng điểm đầy mạnh mẽ và nằm ngoài dự đoán của nhiều tổ chức, công ty chứng khoán, cũng như giới đầu từ tuần trước dường như đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư quay trở lại thị trường, trong đó có thể bao gồm cả những người có quan điểm bảo thủ.

Thực tế cũng cho thấy, 60.8 triệu đơn vị trong phiên đầu tuần cũng chính là khối lượng giao dịch lớn nhất trong vòng hơn 1 tháng rưỡi qua. Quan trọng hơn, thị trường đã kéo dài số phiên tăng điểm lên 5 phiên liên tục bằng việc có thêm 15 điểm (3.3%). Tuy vậy, niềm tin về một đợt tăng mạnh theo lý thuyết của phân tích kỹ thuật (sóng 5) lại đột ngột bị chặn đứng khi VN-Index tiếp cận ngưỡng tâm lý 480 điểm. Khá trùng hợp, thị trường có liền 3 phiên mất điểm với khối lượng giao dịch giảm dần trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng có khoảng thời gian giữa tuần đầy thách thức.

Một lần nữa, khi tâm lý bi quan có xu hướng quay trở lại thì thuộc tính quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán là tính khó đoán trước lại nói lên tiếng nói. Phản ứng tích cực với phiên đảo chiều của chứng khoán thế giới chiều và đêm 30/09, VN-Index quay đầu tăng khá mạnh gần 3.3%, khép lại tuần giao dịch sôi động và đầy kịch tính.

Thống kê cho thấy, khối lượng trong suốt 5 phiên giao dịch tăng đến 81.6% so với tuần trước đó, đạt tổng cộng gần 226.5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 8,461 tỷ đồng. Vẫn còn quá sớm để khẳng định dòng tiền đã quay trở lại thị trường, nhưng việc khối lượng cũng như giá trị giao dịch tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 6 tuần sụt giảm liên tục cũng ít nhiều đem lại tâm lý tích cực đối với nhà đầu tư.

Cũng trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trong cả 5 phiên với khối lượng đạt 10.16 triệu đơn vị. Đây đã là tuần thứ 5 liên tiếp khối này mua nhiều hơn bán với tổng chênh lệch trong hơn 1 tháng giao dịch lên đến trên 39.56 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 2,055 tỷ đồng. Nếu như vẫn cần thêm thời gian dài hơn nữa đủ để đánh giá độ “ổn định” của dòng tiền “nội” trên thị trường thì số liệu giao dịch của nhà đầu tư ngoại kể trên lại có thể đưa đến một cái nhìn chắc chắn và tích cực hơn rất nhiều.

Theo đó, có thể nhận định một cách có cơ sở rằng mặt bằng giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam hiện tại đang khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Mặt khác, trong một báo cáo mới đây của Bloomberg, tổ chức này đã nhận định P/E tại thị trường Việt nam chỉ vào khoảng 13.5, xấp xỉ với thị trường Singapore, và thấp hơn khá nhiều so với hầu hết các nước khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Như vậy, nếu khối ngoại tiếp tục duy trì vị thế này, có khả năng thị trường sẽ có thêm sự hỗ trợ đáng kể, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuần qua cũng là tuần giao dịch thành công đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2009. Phần lớn những cái tên trong danh sách tăng mạnh nhất đều hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, tài chính và bất động sản, …Nổi bật nhất là VIS của Thép Việt Ý với việc tăng kịch trần trong suốt cả tuần với hình ảnh quen thuộc là không còn dư bán ở cuối mỗi phiên giao dịch. Đây là phần thưởng xứng đáng cho VIS khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này thực sự vô cùng ấn tượng, đạt 511.5% kế hoạch của cả năm 2009. Cùng với nguyên nhân trên, HTV của Vận tải Hà Tiên và HAX của Dịch vụ Ôtô Hàng Xanh là 2 mã nổi bật khác khi đạt mức tăng trên 20% và bỏ xa các cổ phiếu xếp ở vị trí tiếp theo trong danh sách.

Ở bảng xếp hạng ngược lại, BBT, DHC và VNA là 3 mã dẫn đầu về việc giảm giá với mức độ  “thiệt hại” vượt 2 con số. Trong danh sách giảm giá còn lại, đáng ngạc nhiên khi có nhiều cổ phiếu cũng  thuộc các lĩnh vực đang “nóng” như thép (HMC), xây dựng (PTC), … tuy nhiên mức độ sụt giảm cũng không quá đáng kể.

Cũng có diễn biến tương tự trong suốt tuần nhưng chung cuộc, HNX-Index lại không may mắn như VN-Index khi giảm nhẹ gần 0.5% giá trị.

Tuần qua cũng đánh dấu tuần hiếm hoi mà sự chú ý cũng như vai trò dẫn dắt của cổ phiếu lớn nhất sàn ACB là tương đối mờ nhạt. Trong 5 phiên, cổ phiếu này đã có đến 3 lần bị mất vị trí quán quân về khối lượng giao dịch vào tay KLS của Chứng khoán Kim Long và VCG của Vinaconex. Trong các lần thị trường xuất hiện bước ngoặt, đảo chiều hoặc có dấu hiệu đảo chiều, phản ứng của ACB cũng thường khá chậm và đi sau các cổ phiếu vừa nêu.

Theo quan sát, cùng với sự trỗi dậy của các cổ phiếu mới lên sàn như BVH, CTG và VCB tại HoSE và nhóm cổ phiếu chứng khoán tại HNX, dường như vai trò “đầu tàu” của 2 tên tuổi STB và ACB thời gian gần đây đang bị cạnh tranh với mức độ ngày càng quyết liệt.

Trong tuần rồi, sự xuất hiện của 2 mã chứng khoán KLS, HPC, nông sản CAP là khá ít ỏi trước sự đông đảo của các cổ phiếu xây dựng, bất động sản và vật liệu trong top tăng giá. Trong khi đó, ở nhóm giảm giá các cổ phiếu thực phẩm và than, khoáng sản lại chiếm số lượng áp đảo.

Như vậy, sự cải thiện về tính thanh khoản trong suốt tuần cũng như sự tăng điểm khá mạnh trong phiên gần nhất phần nào đem lại nhiều hy vọng về việc VN-Index sẽ vượt được mốc 480 và tiến lên các mức cao hơn ngay trong tuần sau. Tất nhiên, cần phải chú ý rằng diễn biến của chứng khoán thế giới vẫn luôn có tác động đến các chỉ số trong nước. Lúc này, việc lựa chọn cổ phiếu phù hợp cho danh mục sẽ có tính chất quyết định vì phần lớn báo cáo tài chính 6 tháng đã được công bố, nên khả năng thị trường sẽ đồng loạt tăng hoặc giảm điểm là khó xảy ra, thay vào đó sự phân hóa sẽ là diễn biến chủ đạo trong các phiên giao dịch. Các cổ phiếu có liên quan đến lĩnh vực xây dựng, vận tải, tài chính sẽ tiếp tục thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả.

(vietstock)

 

Nguồn:Vinanet