menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường chứng khoán trong nước tuần từ 08-12/6/2009 : Khối lượng giao dịch kỷ lục, thị trường tăng tuần thứ 6 liên tiếp

10:24 16/06/2009
Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm xen kẽ, tuần giao dịch thứ 2 của tháng 6 kết thúc với sự tăng điểm khá ở cả hai sàn giao dịch. Một tuần giao dịch rất sôi động, nhiều bất ngờ và cũng có nhiều kỷ lục được thiết lập.

Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm xen kẽ, tuần giao dịch thứ 2 của tháng Sáu kết thúc với sự tăng điểm khá ở cả hai sàn giao dịch. Một tuần giao dịch rất sôi động, nhiều bất ngờ và cũng có nhiều kỷ lục được thiết lập.

Tại HoSE, tiếp nối đà tăng mạnh cuối tuần trước, VN-Index có sự bứt phá mạnh mẽ ngay từ đầu tuần và mốc 500 điểm bị vượt qua tương đối dễ dàng. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất tuần (4.76%) nhưng đồng thời khối lượng giao dịch lại đạt mức thấp nhất (27.98 triệu đơn vị). Niềm tin về sự hồi phục của nền kinh tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục được phản ánh qua phiên giao dịch tiếp theo khi VN-Index tăng khá 2.19%, vươn lên mức 512.46 điểm, khối lượng tăng đột biến gần 3 lần so với phiên giao dịch trước.

Những tưởng HoSE sẽ có tuần giao dịch thuận lợi sau khi có sự khởi đầu không thể tốt hơn thì bất ngờ đã xuất hiện. Các dấu hiệu bán ra cuối phiên thứ Ba cộng với thông tin Dow Jones giảm điểm với thanh khoản bị co lại khá mạnh trong đêm trước đã góp phần chặn đứng chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tục của VN-Index. Tuy vậy, việc chỉ số này giảm 14.95 điểm (2.92%) không gây ấn tượng mạnh bằng con số hơn 100 triệu chứng khoán được chuyển nhượng ở phiên giao dịch đáng nhớ này.

Trong diễn biến đó, hàng loạt cổ phiếu cũng “tranh thủ” lập cho riêng mình các kỷ lục mới. Chứng chỉ quỹ VF1 có gần 7.84 triệu đơn vị được mua bán, SAM bùng nổ với hơn 7.48 triệu cổ phần, PVF, VF4, SBT cũng đều có được các con số ấn tượng nhất kể từ khi chào sàn. Đặc biệt, tăng kịch trần với con số khớp lệnh tương đương khối lượng giao dịch ở mức trung bình của toàn sàn (gần 23 triệu đơn vị) STB thực sự tạo nên một cú sốc về tính thanh khoản và xứng đáng là hình ảnh tiêu biểu để minh họa cho “cơn say” của toàn thị trường vào thời điểm này.

Bên bán gần như ngả mũ trước lực cầu “vô tận” và đã nhường hẳn thế trận trong phiên tiếp theo, VN-Index lấy lại gần hết số điểm đã mất khi tăng 2.77% tương đương 13.76 điểm.

Dường như chưa hết “choáng” sau diễn biến trái chiều đột ngột của 2 phiên trước, cộng với áp lực chốt lãi và tâm lý “cuối tuần”, đã khiến nhà đầu tư mạnh tay bán ra ở cuối phiên 12/06 khiến VN-Index một lần nữa rơi xuống dưới mốc 510 điểm.

Trong tuần này, dưới sự dẫn dắt của STB, các cổ phiếu tài chính như PVF, SAM, HCM và 4 chứng chỉ quỹ đều có sự tăng mạnh về thị giá khi đều đạt trên 20% sau khi phiên cuối tuần đóng cửa. Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản như HDC, DCC, HBC, BTC, UIC, CNT, … cũng có tên trong nhóm tăng giá mạnh nhất. Ngoài ra, các cổ phiếu hiện đang được “săn lùng” nhiều nhất trên sàn HoSE còn phải kể đến SVC, TS4, TCT, DMC, …

 

Sau 1 tuần mua ròng ngắn ngủi, khối nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại với vị thế bán nhiều hơn mua với khối lượng chênh lệch đạt gần 9.5 triệu đơn vị. DPM, FPT, REE, PPC, SSI, … là các cổ phiếu tiêu biểu bị khối này bán ra trong tuần.

Có kết cấu diễn biến tăng/giảm tương tự, tuy nhiên phiên giao dịch sôi động nhất của sàn Hà Nội lại rơi vào ngày 09/06, tức là trước một ngày so với phiên kỷ lục của sàn Tp.HCM. Điều này tương đối khác so với trước đây, thông thường các biểu hiện ở HaSTC luôn lặp lại diễn biến của HoSE nhất là về khối lượng giao dịch.

Đóng cửa với 13.4 điểm cộng thêm, tương đương tăng 7.9% so với tuần trước, HaSTC-Index duy trì tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp và hiện đứng tại 182.92 điểm, mức cao nhất kể từ hơn 7 tháng trở lại đây.

Trong tuần, HaSTC cũng chào đón 12 cổ phiếu chuyển từ HoSE sang, đây cũng là nhóm có sự tăng điểm ấn tượng nhất trên sàn. Hầu hết đều tăng mạnh với sự áp đảo của lực cầu ngay từ ngày giao dịch đầu tiên trên sàn mới, đây có lẽ là sự “đền bù” thiệt thòi cho các cổ phiếu này do đã bỏ lỡ giai đoạn tăng mạnh trước đó vì bị hủy niêm yết. Hiện vẫn còn 34 công ty chưa đáp ứng đủ điều kiện để “trụ” lại HoSE, trong đó, không ít công ty đã xác định chuyển sàn trong thời gian sắp tới. Nếu theo logic “chuyển sàn tăng giá” trong thời gian gần đây thì việc lựa chọn và mua vào các mã này có thể đem lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Ngoài các mã trên, trong nhóm cổ phiếu tăng giá cũng có sự góp mặt của các cổ phiếu như GHA, HUT, THB, VGS, CAP và đặc biệt là nhóm vận tải như TJC, SDP, VTV, HCT, … Ngược lại, các cổ phiếu thuộc nhóm vật liệu cơ bản như phân phối điện (LTC), hóa chất (HVT), xi măng (CCM), than (NBC, TC6), nông sản (DBC, CAP), … lại là các mã không được thị trường ưa chuộng trong tuần qua.

Như vậy, với việc duy trì được đà tăng điểm trong 6 tuần liên tiếp, cả 2 sàn đã có mức tăng hơn 100% so với “đáy” 24/02/2009. Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với khó khăn thì dòng tiền rất mạnh đổ vào thị trường chứng khoán hơn 2 tháng qua đã cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư. Đây cũng là một liều thuốc giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng trở lại. Điều này càng có ý nghĩa khi trên sàn chứng khoán, không ít các doanh nghiệp niêm yết có dành một phần nguồn lực vào việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, khả năng hồi phục nói trên vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa mới có thể có câu trả lời chính xác nhất. Trong quan điểm ngắn hạn, việc tham gia tranh mua cổ phiếu bằng mọi giá trong giai đoạn này là tương đối nguy hiểm vì cơ hội sơ hữu cổ phiếu với “giá tốt” có lẽ đã hẹp đi rất nhiều. Hơn nữa, giữa tuần tới sẽ là bài thuốc thử thật sự cho sức mạnh của lực cầu khi khối lượng cổ phiếu khổng lồ của tuần này về đến tài khoản. Ngoài ra, khả năng vượt qua 520 điểm (đã 2 lần thất bại trong tuần) của VN-Index trong tuần sau cũng là một dấu hỏi cần có lời đáp. 

Nguồn:Vinanet