menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường chứng khoán trong nước tuần từ 29/6 đến 3/7/2009: Đà giảm chững lại, KLGD vẫn chưa cải thiện

08:56 06/07/2009
Khi phiên giao dịch cuối tuần (03/07) kết thúc, thị trường đã lập nên một chuỗi 3 tuần giảm điểm liên tiếp và càng làm rõ một thực tế rằng thị trường đang ở trong phạm vi ảnh hưởng của xu hướng giảm giá ngắn hạn.

Sau một chuỗi tăng điểm ấn tượng, việc các chỉ số có một giai đoạn chùng xuống là hoàn toàn phù hợp và dễ hiểu. Vấn đề đáng quan tâm hơn là độ dài của sự đi xuống này và các tác động của nó đến tâm lý nhà đầu tư trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào?

Diễn biến trong 3 tuần “thụt lùi” vừa qua cho thấy, số phiên giảm mạnh và mức độ giảm đang có sự cải thiện theo thời gian tại cả 2 sàn giao dịch. Ở tuần đầu, thị trường có 2 phiên đầu tiên giảm rất mạnh, 3 phiên còn lại giằng co trong biên độ hẹp. Trong 5 phiên tiếp theo, gây “thiệt hại” nặng nhất nhất vẫn là 2 phiên đầu tiên trong tuần, nhưng đã xuất hiện một phiên tăng điểm rất mạnh ngay sau đó (24/06) với khối lượng giao dịch tăng đột biến. Ở tuần giao dịch vừa kết thúc, phiên giảm mạnh đã chỉ xuất hiện 1 lần ở giữa tuần, thậm chí, trong 2 phiên cuối đã có dấu hiệu chững lại của hoạt động bán ra đồng thời việc mua vào dò “đáy” cũng được thực hiện ở nhiều cổ phiếu chủ chốt.

Trở lại với diễn biến chính của tuần giao dịch vừa qua, số phiên giảm vẫn chiếm đa số tại cả 2 sàn giao dịch.

Tại HSX, số điểm có được trong 2 phiên tăng điểm gần nhất là khá nhỏ so với mức độ sụt giảm của 3 phiên trước, đây là nguyên nhân khiến VN-Index chỉ còn đứng tại 435.44 điểm, giảm 5.62% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Như đã đề cập ở trên, mặc dù không cộng thêm quá nhiều điểm cho VN-Index nhưng tác động về tâm lý và niềm tin mà các phiên tăng điểm này mang lại cho nhà đầu tư là khá tích cực, đặc biệt ở phiên giao dịch cuối tuần. Trong khi thị trường chứng khoán thế giới có ngày giao dịch thảm hại do lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thì VN-Index lại có sự phục hồi  ngoạn mục vào cuối phiên với nỗ lực đáng ghi nhận của Bluechips và nhóm cổ phiếu bất động sản.

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa chính là việc thay đổi lớn trong động thái giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài. Sau 3 tuần gián đoạn, khối này đã quay trở lại mua ròng với khối lượng khá lớn. Ấn tượng hơn, khối lượng chênh lệch mua/bán xấp xỉ 14 triệu đơn vị được thực hiện trong cả 5 phiên chính là con số lớn nhất trong vòng 8 tuần trở lại đây. Các cổ phiếu được khối này ưa thích bao gồm các mã tài chính như BVH, SSI, STB hay HPG, FPT, DPM, …

5 phiên gần nhất lượng mà mua ròng của khối này vượt 14 triệu đơn vị rơi vào khoảng thời gian từ 04/05 – 08/05 khi chênh lệch mua/bán đạt 15.21 triệu đơn vị, đây cũng là tuần thứ 2 trong chuỗi 7 tuần liên tiếp tăng điểm gần đây của VN-Index.

Sau 5 phiên giao dịch, toàn sàn có tổng cộng 150 mã giảm giá, 5 mã đứng giá và vỏn ven 11 cổ phiếu tăng giá. Chiếm đa số trong nhóm tăng giá ít ỏi là các cổ phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất, vận tải, thiết bị bưu điện, … nhưng tỷ lệ tăng cũng rất khiêm tốn, cao nhất thuộc về cổ phiếu RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng chỉ đạt 4.3% (không tính VCB tăng 12% do chỉ giao dịch 4 phiên). Trong danh sách ngược lại, nếu không tính 3 cổ phiếu có thực hiện quyền chia tách, thưởng và trả cổ tức là HAX, MCP và VIC thì GMC của Sản xuất thương mại May Sài Gòn dẫn đầu về mức độ sụt giảm với tỷ lệ lên đến 21.5%.

Tại Hà Nội, các cổ phiếu nhỏ thuộc lĩnh vực giáo dục, xây dựng, thực phẩm, … là nhóm tăng giá mạnh nhất trong khi xây dựng, vật liệu xây dựng và khoán sản lại đóng góp nhiều nhất các cổ phiếu trong thống kê giảm giá.

Cũng có sự trỗi dậy từ phía các cổ phiếu lớn ở cuối phiên như BTS, KBC, NTP, PVS, … nhưng dường như đó là chưa đủ để giúp HNX-Index có được màu xanh phiên cuối tuần như tại sàn giao dịch Tp.HCM mặc dù đã có lúc chỉ số này tiến rất gần mức tham chiếu.

Chung cuộc, sau 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất, HNX-Index mất 9.98 điểm, tương đương 6.41% so với tuần trước hiện chốt tại 145.76 điểm, khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục giảm lần lượt là 17.67% và 19.41%.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 7.25 triệu đơn vị, tập trung nhiều ở các mã ACB, PVS, SHS, SHB, BCC, NTP, BVS, KBC, … bán ra số lượng lớn tại ACB, VCG, PVS, KBC, PVC, BCC, SHB, NTP, … tổng cộng gần 6.25 triệu cổ phần.

 (vietstock)

 

Nguồn:Vinanet