menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường giày dép Nam Phi: nhập khẩu tăng mạnh

14:21 23/03/2009
Nam Phi là một trong những quốc gia nhập khẩu mặt hàng giày dép nhiều nhất của châu Phi, và được đánh giá là một trong những thị trường mở cửa.

Sản xuất:

Hoạt động sản xuất giày dép của Nam Phi tập trung vào bốn vùng chính là Western Cape, Southern Cape, KwaZulu Natal và Gauteng, đặc biệt là tỉnh KwaZulu Natal chiếm đến 63% tổng sản xuất của cả nước. Đây là những nơi tập trung nhiều vật nuôi và có các cơ sở thuộc da vốn đã có từ lâu. Hoạt động sản xất cũng chỉ tập trung vào một số lượng công ty, trong đó 15% tổng số các cơ sở sản xuất giày dép đã chiếm 70% tổng sản xuất cả nước.

Ngành da giày là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất từ quá trình tự do hoá thương mại của Nam Phi. Kể từ sau khi gia nhập WTO năm 1994, chính phủ giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, ngành da giày phải đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Chỉ cách đây vài thập kỷ, thành phố Pietermaritzburg thuộc tỉnh KwaZulu Natal được mệnh danh là “thành phố giày” với số lượng công nhân làm việc lên tới hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội ngành da giày Nam Phi, số lượng lao động mất việc làm ở thành phố này sau khi Nam Phi mở cửa thị trường là không nhỏ, vào khoảng mười nghìn người. Trong giai đoạn chỉ ba năm từ 1993 đến 1996, khoảng 100 nhà máy đã phải đóng cửa.

Mậu dịch:

Mặc dù sản xuất giày dép, đặc biệt là các sản phẩm từ da, đã phát triển từ lâu ở Nam Phi, kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng đều qua các năm. Ngược lại, xuất khẩu giày dép không tăng nhiều.

Trung Quốc hiện vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Nam Phi với kim ngạch năm 2006 đạt 423 triệu USD, tương đương 73% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là các nước châu Á khác như Việt Nam, Indonexia, Ấn Độ, Hồng Kông... Các nhà cung cấp châu Âu và Mỹ cũng góp mặt một số sản phẩm thương hiệu lớn thuộc về phân đoạn thị trường dành cho người có thu nhập cao như giày thể thao Nike, Adidas, giày da hiệu Baker và Jordan..v.v.

Giày dép nhập khẩu bao gồm các chủng loại từ cao cấp đến các loại giày phẩm chất trung bình và được làm từ mọi chất liệu như da, giả da, vải... Các sản phẩm thuộc thương hiệu nổi tiếng xuất hiện trên thị trường dưới hai hình thức: thông qua hệ thống phân phối độc quyền (Puma, Nike, Hush Puppies,  Rhomba Wallace) và thông qua các nhà máy sản xuất được đặt ngay tại địa phương (Futura, Beier, United Fram, Wayne Plastics).

Cũng giống như ngành dệt may, là ngành sản xuất mang lại việc làm cho một lượng lớn lao động, ngành sản xuất giày dép vẫn được bảo hộ cao. Mức thuế hiện tại đối với giày dép nhập khẩu ở mức từ 6% đến 67% tùy thuộc vào giá trị của loại hàng nhập khẩu.

Ngoài thuế, hiện nay các nhà nhập khẩu sản phẩm giày dép còn phải xin giấy phép nhập khẩu đối với một số chủng loại giày. Giấy phép này do Phòng quản lý xuất nhập khẩu Nam Phi cấp và có giá trị trong vòng 12 tháng. 

 

Nguồn:Vinanet