menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hoá thế giới tuần 29/3 – 5/4/2010: giá tăng

17:07 05/04/2010
Giá hầu hết các loại hàng hoá trên thị trường thế giới tuần qua đều tăng, do những thông tin khả quan về tình hình sản xuất, nhất là ở Trung Quốc và khu vực eurozone, cũng như tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu

Giá hầu hết các loại hàng hoá trên thị trường thế giới tuần qua đều tăng, do những thông tin khả quan về tình hình sản xuất, nhất là ở Trung Quốc và khu vực eurozone, cũng như tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Nhìn chung, các thị trường hàng hóa hiện đang rất thận trọng và đang theo dõi sát từng biến động về kinh tế.

Theo các nhà phân tích, những số liệu tích cực hỗ trợ cho thị trường hàng hóa trong tuần này còn là sự suy yếu của đồng USD, nhân tố làm thúc đẩy nhu cầu đối với những hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh.

Dầu thô tiếp tục tăng giá vượt 85 USD/thùng vào ngày giao dịch đầu tiên trong tuần, 5/4/2010, do những số liẹu khả quan về tỷ lệ việc làm ở Mỹ trong tháng 3.

Ngày giao dịch đầu tuần, giá dầu kỳ hạn tháng 5 tại New York tăng 77 US cent đạt 85,64 USD/thùng, sau 3 ngày ngừng giao dịch (cuối tuần và nghỉ lễ).

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tư, ngày 1/5, giá dầu trên thị trường New York lần đầu tiên lập kỷ lục cao của 17 tháng trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục chắc chắn, nhân tố đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đóng cửa phiên 1/4 trên sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ kỳ hạn tháng 5/2010 tăng hơn 1 USD lên 84,87 USD/thùng, sau khi được giao dịch với mức đỉnh trên 85 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 9/10/2008, trong gần như suốt cả phiên. Giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn đã có lúc trong phiên cũng đạt mức cao kỷ lục 84,04 USD/thùng, trước khi chốt ở mức giá đóng cửa là 83,96 USD/thùng, tăng 1,26 USD/thùng so với phiên hôm trước.

Theo các nhà phân tích, các số liệu kinh tế mới nhất được công bố trên toàn cầu cho thấy triển vọng khá sáng sủa của kinh tế thế giới, tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư và thổi một luồng không khí tích cực lên các thị trường hàng hóa, trong đó có thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, trước đó, trong cùng phiên 1/4 trên các thị trường châu Á, giá dầu đã có lúc tụt khỏi mức giá đóng cửa cao nhất trong gần 18 tháng qua do các nhà đầu tư ồ ạt bán ra vào ngay trước dịp nghỉ lễ Phục sinh. Trên sàn giao dịch điện tử Singapore phiên 1/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ kỳ hạn tháng 5/2010 đã có lúc giảm 30 xu xuống 83,46 USD/thùng, sau khi đã đạt tới mức giá 83,76 USD/thùng vào lúc đóng của phiên ngày 31/3 hôm trước - mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2008 đến nay. Giá dầu Brent Biển Bắc cũng có lúc bị giảm 26 xu xuống 82,44 USD/thùng. Giám đốc nghiên cứu thị trường Keichi Sano tại Công ty chứng khoán SCM Securities ở Tokyo cho rằng sự giảm giá trong phiên này tại châu Á chủ yếu là do việc các quỹ đầu cơ tranh thủ bán ra vì dịp nghỉ lễ Phục sinh năm nay nối tiếp luôn với hai ngày nghỉ cuối tuần.

Sau hai năm biến động cực kỳ thất thường, giá dầu hiện đã tương đối ổn định ở mức mà các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tương đối hài lòng là 70-80 USD/thùng. Riêng trong quý 1/2009 vừa qua, giá dầu được giao dịch từ mức đỉnh 83,95 USD/thùng trong tháng Một, xuống đến mức thấp nhất 69,50 USD/thùng trong tháng Hai, với biên độ dao động chưa tới 15 USD/thùng.

Theo ông Sano, giá dầu chỉ giảm nhẹ do thị trường vẫn kỳ vọng tăng giá. Hơn nữa, kinh tế toàn cầu cũng đang tốt dần lên và nhu cầu thực tế cũng đang mạnh hơn dự báo.

Tại Tokyo, giá cao su kỳ hạn cũng tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 19 tháng do triển vọng sáng sủa về nhu cầu trước bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi vững chắc.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo vào phiên sáng ngày 5/4, giá cao su hợp đồng giao tháng 9/2010 đã tăng 5 yen, tức 1,6%, lên 318,3 yen/kg, mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 9/2008 đến nay. Theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành và công bố hôm 1/4, dự kiến, giá cao su trong tháng Tư này sẽ tiếp tục tăng do kinh tế toàn cầu hồi phục trong khi nguồn cung lại hạn hẹp.

Trong tháng Ba vừa qua, các thị trường ôtô Pháp và Italy đã có bước tăng vọt về doanh số bán xe.

Các thị trường đang nổi tại châu Á cũng như vậy, bất chấp việc các chính phủ đang loại bỏ dần những chương trình kích thích tiêu dùng.

Tại Mỹ, doanh số bán xe ôtô trong tháng Ba cũng tăng tới 24,3%, mức tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua, phần nhiều nhờ vào sự phục hồi trong doanh số bán của hãng Toyota Motor Corp, với mức tăng lên đến 41%, sau hai tháng sụt giảm mạnh trước đó.

Tuần qua, giá cà phê và cacao cũng tăng. Giá cacao giao tháng 5/2010 tại sở giao dịch kỳ hạn London (LIFFE) trong phiên ngày 1/4 đã tăng từ 2.210 bảng Anh/tấn tuần trước đó lên 2.261 bảng Anh/tấn. Trong khi đó trên sàn giao dịch New York (NYBOT), giá cacao cùng kỳ hạn cũng tăng từ 2.869 USD/tấn lên 2.984 USD/tấn.

Giá càphê đã tiếp tục xu hướng đi lên trong tuần qua sau khi cách đây hai tuần đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. Tại LIFFE trong phiên ngày 1/4, giá càphê robusta giao tháng 5/2010 đã tăng lên 1.394 USD/tấn so với 1.344 USD/tấn phiên tuần trước đó. Còn trên sàn giao dịch NYBOT, giá càphê arabica cùng kỳ hạn tăng nhẹ lên 137,70 xu Mỹ/pound so với 137,155 xu Mỹ/pound.

Tuy nhiên, một số nông sản khác không theo xu hướng tăng. Giá đường đã đi xuống trong tuần qua khi các nhà phân tích của Barclays Capital nhận định rằng, nguồn cung đường tại Brazil sẽ dồi dào hơn do thời tiết thuận lợi. Sản lượng đường của Ấn Độ có khả năng cũng tăng lên nhờ thời tiết tốt. Trên sàn NYBOT, giá đường thô giao tháng Năm giảm xuống còn 15,53 US cent/lb so với mức 17,15 cent/lb của phiên tuần trước. Còn tại thị trường LIFFE, giá một tấn đường trắng giao tháng 5/2010 đã giảm từ 481 bảng Anh xuống còn 469,40 bảng.

Giá ngũ cốc và đậu tương đều giảm nhẹ trong tuần, trong đó trong phiên ngày 1/4 trên sàn giao dịch nông sản Chicago, giá ngô giao tháng 5/2010 giảm xuống còn 3,45 USD/bushel so với 3,56 USD/bushel hôm thứ sáu tuần trước.

Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm từ 4,64 USD/bushel xuống 4,54 USD/bushel.

Theo số liệu công bố ngày 1/4 của nhóm nghiên cứu thị trường Markit, sản xuất công nghiệp tại khu vực eurozone trong tháng 3/2010 đã tăng mạnh ngoài dự kiến, lên mức cao nhất trong vòng 40 tháng qua, khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khối 16 quốc gia này đã tăng 2,4 điểm so với tháng Hai lên 56,6 điểm trong tháng Ba.

Đây là tháng thứ sáu liên tiếp, chỉ số này đứng ở mức trên 50 điểm. Điều đó cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự tăng trưởng trong các hoạt động công nghiệp.

Còn tại Trung Quốc, các cuộc khảo sát của chính phủ nước này và ngân hàng HSBC công bố ngày 1/4 cho thấy, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh trong tháng 3/2010.

Ngân hàng HSBC cho rằng điều này sẽ thúc đẩy kinh tế tăng tốc đồng thời làm tăng các cơ hội nâng lãi suất lên.

(Vinanet)