menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 11/5/2015

14:24 11/05/2015

Cam sành đầu vụ tại Tiền Giang tăng giá mạnh; giá lúa tại Hậu Giang tăng trở lại; sản lượng rau Đà Lạt giảm do mưa kéo dài; giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh;…

Cam sành đầu vụ tại Tiền Giang tăng giá mạnh; giá lúa tại Hậu Giang tăng trở lại; sản lượng rau Đà Lạt giảm do mưa kéo dài; giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh;…

Cam sành đầu vụ tại Tiền Giang tăng giá mạnh

Các nhà vườn tại Tiền Giang đang rất phấn khởi bởi cam sành đầu vụ được mùa, được giá. Hiện, giá cam sành loại I thương lái đang thu mua tại vườn từ 47.000 - 50.000 đồng/kg, giá cam sành loại từ II 30.000 – 33.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tiền Giang hiện có trên 5.000 ha trồng cam; trong đó cam sành chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích, tập trung tại các địa phương vùng ngập lũ phía tây là Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành…. Vụ cam sành thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 7, tháng 8 hàng năm. Vào đầu vụ thu hoạch năm nay, giá cam sành tăng mạnh, lợi nhuận cao. Đây là tiên đề để bà con mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo mô hình lập vườn chuyên canh cam sành phù hợp chủ trương “chung sống với lũ”, giúp ổn định và nâng cao mức sống cho nhân dân địa phương.

Giá lúa tại Hậu Giang tăng trở lại

Những ngày qua, giá lúa thương phẩm tại Hậu Giang có chiều hướng tăng trở lại sau thời gian giảm. Cụ thể, giống lúa OM 4900 loại đã qua phơi khô được thương lái mua với giá 6.000 đồng/kg, các giống khác cũng có giá dao động từ 5.500 đến 5.800 đồng/kg tùy loại, tăng trung bình khoảng 500 đến 700 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ Đông Xuân.

Nhiều nhà nông cho biết, giá lúa gần đây tăng trở lại do thời điểm này Hậu Giang vào cuối vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên diện tích, sản lượng lúa giảm mạnh. Hiện trên địa bàn không còn lúa tươi, phần lớn trong dân chỉ còn lúa đã qua phơi khô, được nông dân trữ lại chờ giá. Tuy sản lượng lúa trong dân còn không nhiều, lúa thương phẩm giảm mạnh, nhưng thương lái không vẫn thích mua lúa khô, vì lợi nhuận thấp. Trong khi đó, nhiều thương lái tìm đến các trà lúa Hè Thu sắp cho thu hoạch tranh nhau đặt cọc mua lúa tươi, với giá trung bình từ 4.100 - 4.200 đồng/kg và mua hết sản lượng lúa đối với diện tích thu hoạch trong tháng 5 này.

Trước giá lúa có chiều hướng tăng trở lại, ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân, đặc biệt là đối với hộ dân trữ lúa chờ giá nên bán hết sản lượng lúa vào thời điểm này. Vì qua theo dõi ở những vụ trước, khi diện tích lúa Hè Thu cho thu hoạch rộ, giá lúa sẽ chựng hoặc giảm lại. Hơn nữa, lúa sản xuất hiện nay là giống ngắn ngày, nếu tạm trữ lâu, chậm bán sẽ làm giảm chất lượng gạo, bán giá thấp.

Vụ lúa Đông Xuân 2014- 2015, tỉnh Hậu Giang gieo cấy đạt gần 80.000 ha. Tính đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong, với năng suất hơn 7,6 tấn/ha. Ước tổng sản lượng cả vụ đạt khoảng 568.000 tấn, trong đó lúa hàng hóa chiếm khoảng 80%. Tuy ngay từ đầu vụ, nông dân được hưởng lợi từ chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng giá lúa trên thị trường tăng không cao, hơn nữa chỉ tiêu thu mua tạm trữ chưa được 10% sản lượng lúa thương phẩm trên địa bàn nên nhiều hộ quyết định tạm trữ chờ giá.

Sản lượng rau Đà Lạt giảm do mưa kéo dài

Nhiều tuần qua, trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương (Lâm Đồng) có mưa lớn kéo dài, một số nơi còn hứng chịu các trận mưa đá kèm lốc xoáy đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương, khiến sản lượng nhiều loại rau giảm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến nay có gần 200 ha rau củ các loại bị hư hại hoàn toàn khiến sản lượng rau sụt giảm gần 1.000 tấn.

Mưa đá kèm lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng cho nhà vườn ở các vùng trồng rau chủ lực của Đà Lạt như khu vực Thánh Mẫu, Đất Mới (phường 7), phường 8 và khu vực Thái Phiên (phường 12), làm hàng loạt diện tích rau xà lách, cải thảo mới xuống giống và rau chuẩn bị thu hoạch bị dập lá, úng rễ, thiệt hại hoàn toàn. Tại huyện Đơn Dương – vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng, mưa đá và mưa kéo dài cũng khiến 300 ha rau màu bị hư hại.

Theo nhiều chủ vựa rau, củ ở Đà Lạt và Đơn Dương, do mưa kéo dài trong nhiều ngày, diện tích rau bị ngập úng trên diện rộng trong khi nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu tăng mạnh nên một số loại rau tăng giá. Giá các loại rau (chủ yếu là rau ăn lá được trồng ngoài trời) như cải cúc, xà lách, cải thảo, bó xôi, tăng giá 10 – 30% so với thời điểm đầu tháng 4.

Theo đó, các loại rau đều tăng giá 1.500 - 2.000 đồng/kg so với một tháng trước đó. Chẳng hạn, bắp cải (bắp sú) tăng từ 3.000 đồng/bắp tăng lên 4.500 đồng/bắp; rau cải cúc, bó xôi tăng từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng/kg; xà lách, súplơ (bông cải) dao động 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Mặc dù sản lượng rau giảm nhưng một số doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên cung cấp rau cho các siêu thị tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho biết, nguồn cung vẫn được duy trì, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Ông Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến (phường 12, Đà Lạt), đơn vị cung cấp hàng chục tấn rau/ngày cho thị trường cho biết, mưa lớn kèm mưa đá gần đây đã làm các loại rau trồng ngoài trời bị hư hại từ 60 - 100%. Tuy sản lượng các loại rau giảm đáng kể nhưng đơn vị vẫn tìm nguồn cung khác để đáp ứng hợp đồng với các siêu thị và bình ổn thị trường.

Giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh

Giá tôm sú nguyên liệu tại tỉnh Kiên Giang trong những ngày này đang giảm mạnh khiến người nuôi tôm lo ngại bị thua lỗ. Hiện tôm sú loại 30 con/kg ở mức 175.000 - 180.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg so với đầu tháng 4 và giảm khoảng 60.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; loại 40 con/kg giá dao động 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá tôm nguyên liệu giảm mạnh do sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan… đã phục hồi, nguồn cung cho thị trường thế giới tăng. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Kiên Giang trong 4 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chưa có thêm thị trường mới, không ký được hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với đối tác, trong khi lại bị giảm đơn đặt hàng nhập khẩu từ những khách hàng truyền thống. Một số doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất chế biến, chất lượng sản phẩm hàng thủy sản chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ngoài tỉnh giảm mua tôm nguyên liệu ở Kiên Giang và thu mua với giá thấp.
Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của tỉnh Kiên Giang chỉ đạt hơn 41 triệu USD, giảm gần 4% so với cùng kỳ. Đến nay, tỉnh đã thả tôm nuôi trên diện tích 94.190 ha, vượt 4,6% kế hoạch, với các loại hình nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, quảng canh cải tiến và tôm - lúa; sản lượng thu hoạch khoảng 7.511 tấn tôm, đạt 13,4% kế hoạch.

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu thủy sản; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, nguồn nguyên liệu, công nhân lao động, tăng giá trị hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh hàng thủy sản, nhằm tăng giá tôm nguyên liệu, giúp nông dân nuôi tôm hiệu quả.

Bên cạnh đó theo dõi diễn biến của thời tiết, môi trường nguồn nước, dịch bệnh tôm để kịp thời ứng phó, hạn chế rủi ro thiệt hại. Đồng thời tăng cường công tác quản lý tôm giống nhập tỉnh, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống bảo đảm chất lượng tốt để thả nuôi gắn với hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn tôm, nuôi tôm đạt hiệu quả, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Nông dân An Giang lãi lớn nhờ trồng ớt

Tuy thời tiết khắc nghiệt, nhưng vụ ớt đầu tiên của tỉnh An Giang năm 2015 (xuống giống từ tháng 1 năm 2015 đến nay), đạt doanh thu 300 - 400 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha. Vụ ớt này giúp giải quyết được nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thù lao 100.000 - 150.000 đồng/lao động/ngày công hái ớt.

So với nhiều vụ trồng ớt trước đây, năng suất và giá bán của vụ ớt đầu năm đạt khá. Hiện, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, giá bán 21.000 - 40.000 đồng/kg tùy thời điểm thu hoạch, cao hơn 5.000 đồng/kg so vụ ớt năm 2014. Cây ớt được trồng 2 vụ/năm, sau khi trồng 1 tháng cho thu hoạch kéo dài đến 4 tháng sau đó.

Hiện cây ớt ở An Giang đã khẳng định là loại cây màu có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, giúp giải quyết lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Vụ ớt đầu tiên năm 2015, nông dân tỉnh An Giang trồng gần 2.000 ha ớt, chiếm 10% tổng diện tích cây rau màu, nhiều nhất là huyện Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, Tân Châu, thành phố Long Xuyên.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn:Vinanet