menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 20/3/2015

10:59 20/03/2015

Hoa cúc Đà Lạt tăng giá; Cà Mau nuôi tôm càng xanh hiệu quả; nông dân cù lao trồng chôm chôm VietGAP cho hiệu quả cao; …
Hoa cúc Đà Lạt tăng giá; Cà Mau nuôi tôm càng xanh hiệu quả; nông dân cù lao trồng chôm chôm VietGAP cho hiệu quả cao; …
Hoa cúc Đà Lạt tăng giá đột biến

Sau một thời gian xuống thấp, giá một số loại hoa cúc của Đà Lạt bất ngờ tăng cao, bằng với giá bán trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua.

Mấy ngày nay, người dân tại một số vùng trồng hoa cúc trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Lạt như làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Xuân Thọ… hết sức phấn khởi vì giá hoa đang tăng cao. Hiện, một số loại hoa cúc như kim cương, tua xanh, cúc chùm, đại đoá… đang được thương lái thu mua tại vườn với mức dao động từ 2.000 – 2.400 đồng/cành.

Trong đó, cúc kim cương được ưa chuộng và có giá cao nhất (2.400 đồng/cành), bằng với giá bán trong dịp Tết. Trước đó, thời điểm ngay sau Tết và rằm tháng Giêng, hoa cúc Đà Lạt chỉ ở mức giá 1.000 – 2.000 đồng/cành.

Theo một số thương lái, nguyên nhân khiến hoa cúc tăng giá trong thời điểm này là do các thị trường tiêu thụ lớn ở miền Bắc, miền Trung đang có nhu cầu “ăn” hàng nhiều. Đặc biệt, hoa cúc kim cương đang được thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định rất ưa chuộng nên đã đẩy giá loại hoa này lên cao.

Một nguyên nhân khác khiến giá hoa cúc tăng là do dịp này, khí hậu Đà Lạt nắng nóng liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa, khiến sản lượng hoa đạt tiêu chuẩn bị sụt giảm. Anh Trần Văn Luyện, người chuyên trồng hoa cúc tại làng hoa Hà Đông cho hay, thời điểm này do thời tiết nắng nóng kéo dài, nước tưới hoa bị thiếu nên làm hoa cúc bị xù, cánh ngắn và xỉa ra chứ không suôn đẹp giống như các thời điểm khác trong năm.

Thanh long được giá

Giá thanh long ruột đỏ hiện nay ở tỉnh Long An đã tăng lên 60.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng loại I từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, giúp nông dân lãi từ 250 - 500 triệu đồng/ha, cá biệt lãi hơn 600 triệu đồng/ha. Tuy vậy, nông dân vẫn còn lo ngại bởi đầu ra của mặt hàng này không ổn định.

Giá thanh long tăng cao nhờ thương lái ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến thu mua, vận chuyển ra miền Bắc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó, địa phương chưa tìm được thị trường xuất khẩu cho thanh long khiến giá cả tăng giảm bất thường. Điển hình như đầu năm 2014, thanh long có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, giảm xuống còn 20.000 - 25.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, còn thành long ruột trắng chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng không ai mua, nhiều hộ dân phải cắt bông bỏ để chờ vụ sau.

Hiện nay, tỉnh Long An có hơn 7.500 ha thanh long, tập trung ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, thành phố Tân An. Để giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, năm 2015 UBND tỉnh trích ngân sách hàng trăm triệu đồng xúc tiến quảng bá sản phẩm thanh long ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga để tìm thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, điện lực Long An cũng đảm bảo cung cấp 100% nguồn điện phục vụ bà con xông đèn cho thanh long ra trái vụ nhằm để rải vụ thuận lợi cho việc tiêu thụ, được giá. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để phục vụ xuất khẩu mặt hàng này.

Cà Mau nuôi tôm càng xanh hiệu quả

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, sau thời gian thử nghiệm nuôi tôm càng xanh cho thấy kết quả vượt hơn mong đợi. Cụ thể, từ khi thả con giống đến khi thu hoạch chỉ 6 tháng và tôm có trọng lượng 4 con/kg. Với giá từ 200.000 - 250.00 đồng/kg, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có gần 500 hộ dân có thu nhập trên 100 triệu đồng nhờ nuôi tôm càng xanh.

Nơi xuất phát nuôi tôm càng xanh là bà con nông dân huyện Cái Nước với mô hình thả tôm càng xanh trên đất trồng lúa cho hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi so với nuôi tôm sú. Hiện nay không chỉ bà con nông dân huyện Cái Nước mà người dân các huyện khác trong tỉnh như Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh… cũng bắt đầu nuôi tôm càng xanh với tổng hộ nuôi trong toàn tỉnh Cà Mau gần 600 hộ. Tuy nhiên, địa phương nuôi nhiều nhất vẫn là huyện Cái Nước với gần 400 hộ nuôi.

Nuôi tôm càng xanh đơn giản hơn nuôi các loại tôm khác. Ngoài đầu tư mua con giống, người nuôi không phải tốn bất cứ chi phí nào khác, không cần đất ruộng riêng để thả nuôi mà nuôi chung trên đất trồng lúa, hoặc thả nuôi trong ao vườn tạp và không cần thức ăn cho tôm. Đặc biệt, tôm càng xanh thích nghi với nước lợ nhưng vẫn phát triển với môi trường nước ngọt và chưa thấy dịch bệnh như các loại tôm khác.

Làm cá khô bổi cho thu nhập cao

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau cho biết, trong hai, ba năm trở lại đây, trên 300 hộ dân trong huyện đã làm giàu nhờ làm nghề cá khô bổi, một trong những loại cá đồng có giá trị kinh tế cao. Hiện, huyện này cũng đang khuyến khích người dân tại địa phương mở rộng phát triển.

Mùa làm khô bổi bắt đầu từ tháng 11 của năm trước kéo dài tới cuối tháng 4 năm sau. Mỗi mùa như vậy, nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng. Hiện, không chỉ huyện Trần Văn Thời mà nhiều địa phương khác cũng đang phát triển nghề này để tăng thu nhập, nâng tổng số hộ làm nghề cá khô bổi lên gần 700 hộ.

Cá bổi có hình hài như con cá sặc rằn nhưng to hơn, 8 con cá bổi có trọng lượng bằng 1 kg. Đây là loại cá được bà con nông dân vùng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau thả nuôi chung với đất trồng lúa. Thời điểm thả nuôi là đầu mùa mưa, cuối mùa mưa cho thu hoạch. Nếu cá bổi tươi trên thị trường có giá 40.000 đồng/kg thì cá bổi khô giá 400.000 đồng/kg, trung bình 3 kg cá tươi được 1 kg cá khô. Cá khô bổi Cà Mau là đặc sản quý, trở thành thương hiệu trên thị trường.

Nông dân cù lao trồng chôm chôm VietGAP cho hiệu quả cao

Mô hình trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGap đang là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho nông dân xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), Tiền Giang. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ thực hiện mô hình này.

Cách thâm canh theo tiêu chí VietGAP rất khoa học, hiệu quả vừa bảo vệ sức khỏe, môi trường vừa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm – Đây là việc làm tất yếu trong tiến trình hội nhập để nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản chủ lực của địa phương.

Để thành công, nhà vườn nói chung và nhà vườn chuyên canh chôm chôm nói riêng cần xoa bỏ tập quán canh tác cũ, chú trọng áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật để mang lại hiệu quả canh tác cao. Với giá bán 20.000 đồng/kg

Đánh giá mô hình trồng chôm chôm VietGap, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cai Lậy cho biết, ông Trường là điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương. Mô hình trồng này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp – nông thôn miệt cồn bãi cù lao và cần được nhân rộng thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Phong, 100% diện tích vườn tại Tân Phong đã chuyển từ cây tạp sang chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Trong đó, nhãn 273 ha, chôm chôm 550 ha, sầu riêng 284 ha, 245 ha cây trồng khác hàng năm cho sản lượng thu hoạch trên 20.000 tấn quả. Cách làm đầy sáng tạo như mô hình trồng chôm chôm VietGAP của ông Võ Quang Trường góp phần đưa ngành trồng cây ăn quả của xã cù lao vươn xa.

Hoa quả giải nhiệt tăng giá do thời tiết chuyển nắng nóng tại Hà Nội

Thời tiết chuyển nắng nóng, các loại hoa quả giải nhiệt như cam, dưa hấu, thanh long, bưởi… có xu hướng tăng giá từ 10-30%. Đặc biệt, thời điểm này gần ngày mùng 1/2 Âm lịch nên giá các loại hoa quả cũng đang có xu hướng tăng nhẹ.

Giá thị trường hoa quả nội đã tăng khoảng từ 5.000-10.000 đồng/kg, trong khí đó, giá nhiều loại hoa quả ngoại nhập lại có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và sau Tết người tiêu dùng chuộng hoa quả nội hơn.

Tại các chợ ngày 19/3, các loại hoa quả đã tăng giá nhẹ so với mấy ngày trước, chôm chôm có giá 60.000-70.000 đồng/kg, xoài từ 40.000-60.000 đồng/kg, vú sữa 60.000-75.000 đồng/kg, nhãn 55.000-65.000 đồng/kg, na 70.000-85.000 đồng/kg, nho đen từ 200.000-230.000 đồng/kg.

Đặc biệt, giá một số loại hoa quả giải nhiệt tăng tới 30% do thời tiết nắng nóng, người tiêu dùng có nhu cầu mua các loại hoa quả này tăng mạnh.
“Hiện nay, cam vàng Yên Bái có giá rẻ chỉ từ 20.000-30.000 đồng/kg được rất nhiều khách chọn mua. Tuy nhiên, đây đang là cuối mùa của loại cam này nên khi hết mùa, cam sành sẽ bán chạy hơn, hiện giá bán khoảng 55.000-75.000 đồng/kg nhưng có thể sẽ tăng lên tới 70.000-85.000 đồng/kg.

Dưa hấu giá khoảng 15.000-25.000 đồng/kg tăng 5.000 đồng/kg so với trước đó. Bưởi da xanh đang vào cuối mùa nên giá vẫn cao, khoảng 120.000-150.000 đồng/quả. Thanh long là loại quả được mua nhiều để thắp hương ngày mùng Một nên giá cũng tăng 5.000-10.000 đồng/kg, giá hiện nay khoảng 50.000-65.000 đồng/kg.
Trái với xu hướng tăng giá bán vào dịp trước Tết, thị trường hoa quả nhập khẩu cũng đang dần “hạ nhiệt” so với Tết và ổn định về giá cả.

Ngày 19/3, hệ thống cửa hàng Klever Fruits đang thực hiện giảm giá từ 50.000-100.000 đồng/kg một số loại hoa quả: Táo Envy Mỹ giảm từ 349.000 đồng xuống còn 299.000 đồng/kg, táo Ambrosia Mỹ giảm từ 299.000 đồng xuống còn 249.000 đồng/kg, táo Fuji Mỹ giảm còn 199.000 đồng/kg, mận đường Australia giảm từ 549.000 đồng xuống chỉ còn 449.000 đồng/kg, cherry đỏ được bán với giá 599.000 đồng/kg giảm 100.000 đồng/kg và đang có khuyến mãi mua 2 kg tặng 1 kg…

Theo các tiểu thương kinh doanh hoa quả, hiện tại, nhiều loại hoa quả nội vẫn chưa vào mùa, nhu cầu mua hoa quả đầu năm để đi lễ lại lớn nên giá hoa quả vẫn tương đối cao. Trong thời gian tới, khi chôm chôm, dưa hấu, xoài, nhãn… vào mùa thì giá hoa quả có thể sẽ “hạ nhiệt”.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

 
 
 

Nguồn:Vinanet