menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 23/6/2015

11:54 23/06/2015

Khoai môn ở Đồng Tháp giá giảm; tôm nguyên liệu giá đang ở mức thấp; giá hành tây giảm, nông dân gặp khó; ..

Khoai môn ở Đồng Tháp giá giảm; tôm nguyên liệu giá đang ở mức thấp; giá hành tây giảm, nông dân gặp khó; ..

Giá tôm nguyên liệu đang ở mức thấp

Người nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau hiện gặp khó khăn trước tình trạng giá tôm nguyên liệu đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, trong ngày 22/6, giá tôm sú loại 20 con/kg giá 250.000 đồng; loại 30 con/kg giá 170.000 đồng; loại 40 con/kg giá 150.000 đồng. Cùng chung số phận với tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng đang có mức giá rất thấp. Hiện tôm thẻ chân trắng loại 80 con/kg giá 97.000 đồng; loại 90 con/kg giá 92.000 đồng; loại 100 con/kg giá 80.000 đồng. Như vậy, tất cả các loại tôm nguyên liệu đều giảm giá 20% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của tình trạng tôm nguyên liệu giảm sâu, theo các nhà quản lý xuất khẩu, trong quí I/2015 do các doanh nghiệp ồ ạt nhập nguyên liệu dẫn tới dư thừa làm cho tôm nguyên liệu tại chỗ không bán được và phải giảm giá. Trong quí II, địa phương đã chấn chỉnh theo hướng giảm nhập nguyên liệu nước ngoài, ưu tiên mua nguyên liệu trong nước thì các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong thị trường xuất khẩu. Một số doanh nghiệp hàng tồn kho với số lượng lớn nên hạn chế chế biến hàng xuất khẩu.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, xuất khẩu thủy sản nói chung, giá tôm nguyên liệu nói riêng phụ thuộc vào 2 yếu tố là thị trường thế giới, và mức độ cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá tôm nguyên liệu trong tháng 6 tăng bình quân 10.000 đồng/kg so với tháng 5 nhưng chưa nói lên được điều gì. Vào thời điểm hiện tại, thị trường xuất khẩu tôm chưa ổn định, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp khó khăn nên người nuôi tôm bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà quản lý, tình hình 6 tháng cuối năm giá cả sẽ khả quan hơn do thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng vì Việt Nam vừa mới ký kết một số hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu. Khi thị trường xuất khẩu được mở rộng, doanh nghiệp sẽ tăng cường năng lực chế biến, lúc đó nhu cầu mua nguyên liệu sẽ tăng, giá cả theo đó sẽ được cải thiện.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên tập trung cho vụ mùa nuôi tôm chính vụ. Theo đó, người dân tập trung thả tôm giống xuống ao đầm vào thời điểm thích hợp nhất là những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

Giá khoai môn ở Đồng Tháp giảm

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp, toàn huyện có gần 300 ha diện tích khoai môn vụ Xuân Hè 2015, tập trung ở các xã Tân Mỹ, Hội An Đông, Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B. Khoai môn đang vào vụ thu hoạch rộ, giá bán bình quân 3.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2014.

Hiện người trồng khoai môn ở Lấp Vò chỉ thu hoạch củ to còn củ giáo, nhỏ bằng ngón chân cái bỏ tại ruộng. Nếu như trước đây bà con thu hoạch loại củ nhỏ bán được với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Những năm trước, bà con trồng khoai môn bình quân lãi hơn 200 triệu đồng/ha nhưng nay chịu lỗ gần 100 triệu đồng/ha. Chị Lệ Hồng xã Mỹ An Hưng B chỉ trồng có hơn 2.000 m2 khoai môn cũng phải chịu thua lỗ trên 20 triệu đồng.

Vụ khoai môn Xuân Hè ở Lấp Vò được trồng từ tháng 1, tháng 2 dương lịch và thu hoạch tháng 5, tháng 6 dương lịch. Năng suất bình quân đạt 30 - 40 tấn/ha. Hiện giá khoai môn giảm nhanh, cuối tháng 5 khoai bán 5.000 đồng/kg và đến thời điểm hiện tại chỉ còn 3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò cho biết, mọi năm đến cuối vụ thường khoai môn càng được giá nhưng năm nay, nhiều hộ trồng khoai môn khốn đốn vì giá giảm mạnh. Một số hộ thậm chí đã giữ khoai lại gần 6 tháng và nếu kéo dài thêm vài tuần không bán khoai sẽ hỏng, tốn công chăm sóc.

Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khoai môn Mỹ An Hưng” ở huyện Lấp Vò. Tuy nhiên, k hoai môn ở Lấp Vò chủ yếu tiêu thụ nội địa và khi không có doanh nghiệp bao tiêu, lại rơi vào tình trạng "bí" đầu ra./.

Giá hành tây giảm, nông dân gặp khó

Sau hai tháng lưu giữ, bảo quản trong kho để chờ giá lên nhưng giá hành tây Đà Lạt hiện vẫn thấp chỉ từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, tăng không đáng kể so với mức giá 2.000 - 2.300 đồng/kg trước đó. Trong khi đó, củ hành tây đã xuất hiện tình trạng nảy mầm, mọc rễ, hư hại khiến nông dân phải đổ bỏ hàng chục tấn, chấp nhận thua lỗ nặng. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình cảnh nông dân Đà Lạt đổ bỏ hành tây, cũng như đổ bỏ nhiều loại nông sản khác do không tiêu thụ được.

Theo tính toán của người trồng hành, mỗi 1.000 m2 hành trung bình đạt năng suất từ 8 - 10 tấn, với giá bán cao nhất hiện nay là 3.000 đồng/kg thì nhà vườn mới chỉ hòa vốn. Những gia đình có hành không bị thối thì mức giá dưới 3.000 đồng/kg khiến họ bị thua lỗ.

Năm nay giá hành từ đầu vụ xuống rất thấp nên phần lớn người dân thu hoạch cho vào kho trữ chờ giá lên mới bán. Nhưng chờ mãi giá không lên, hành bị hư đành phải đổ bỏ.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều nông dân trồng hành tại Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Tại huyện Đơn Dương, nơi trồng hành tây lớn nhất Lâm Đồng, nhiều gia đình xây kho, trữ hàng trăm tấn hành tây chờ tăng giá nhưng trong khi giá chưa tăng hành đã mọc rễ, lên mầm, bị thối củ nên nhiều gia đình đã phải chở hành đi đổ dọc theo Quốc lộ 27. Huyện Đơn Dương có khoảng 500 ha hành tây với sản lượng đạt 35.000 tấn/vụ (chiếm khoảng 50% sản lượng hành tây của toàn tỉnh). Hiện tại, thương lái mua hành tại ruộng với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg hành loại I, hành xấu hơn chưa tới 1.000 đồng/kg.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đông cho rằng, nguyên nhân khiến giá hành tây xuống thấp trong hai năm qua là do người dân trồng tự phát và chưa nắm được nhu cầu thị trường. Cung vượt quá cầu đã khiến người nông dân phải gánh thiệt hại lớn. Để hạn chế tình trạng trên, thời gian tới Hội sẽ cùng cơ quan chức năng tăng cường hợp tác tiêu thụ nông sản với các tỉnh khác; trong đó có Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã có quy hoạch phát triển các loại cây trồng nhưng không thể quy hoạch chi tiết từng loại cây được. Điều quan trọng là nông dân cần nắm bắt thị trường, khi thấy các địa phương khác cũng trồng được loại cây mà mình đang trồng thì nên giảm bớt diện tích.

Cũng theo ông Minh, hiện địa phương đã có dự án dự báo thị trường để nông dân có thể theo dõi, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp phải chú trọng trong thời gian tới.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

 

Nguồn:Vinanet