menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 25/6/2015

23:23 25/06/2015

Giá ớt đầu vụ tăng; Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa lúa Hè Thu; trái cây giảm giá mạnh

Giá ớt đầu vụ tăng; Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa lúa Hè Thu; trái cây giảm giá mạnh

Giá ớt đầu vụ tăng, nông dân thu lãi cao

Hiện giá ớt đầu vụ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tăng mạnh và khan hiếm hàng, nhiều hộ nông dân trồng ớt rất phấn khởi do thu được lãi cao.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (địa phương có vùng chuyên canh ớt lớn nhất tỉnh Tiền Giang), hiện nông dân trồng ớt ở địa phương đang bước vào vụ thu hoạch đầu vụ với niềm vui trúng giá. Hiện thương lái thu mua ớt với giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm này năm trước.

Tại Tiền Giang, từ mô hình trồng ớt ở xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo), hiện cây ớt đang phát triển mạnh tại các xã lân cận trên địa bàn huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây... với diện tích gần 1.000 ha. Diện tích này tập trung ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò và một số hộ trồng xen canh rải rác tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè. Nhờ vào cây ớt mà nhiều hộ nông dân trong tỉnh thu nhập khá.

Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa lúa Hè Thu

Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện toàn vùng đã thu hoạch trên 300.000 ha lúa Hè Thu sớm, chiếm trên 18% tổng diện tích gieo sạ (1,659 triệu ha); năng suất bình quân 5,45 tấn/ha. Riêng tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, năng suất đạt từ 6,3 – 6,5 tấn/ha. Diện tích các trà lúa còn lại phát triển tốt tương đương các trà lúa vừa thu hoạch. Ước tổng sản lượng cả vụ đạt trên 9 triệu tấn, tăng 120 nghìn tấn so vụ Hè Thu 2014 do năng suất tăng, mặc dù diện tích gieo sạ giảm trên 8.300 ha.

Hiện giá lúa khô bán tại kho (loại thường) từ 5.000 – 5.100 đồng/kg, lúa dài từ 5.300 – 5.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất là 3.917 đồng/kg, tính ra, nông dân thu lãi từ 27% - 38%.

Đạt được kết quả trên là nhờ các tỉnh thực hiện nghiêm túc lịch xuống giống nhằm né rầy, né hạn, úng; chia làm 3 đợt cho phù hợp với tình hình thủy văn từng khu vực. Cụ thể: Đợt 1 gieo sạ trong tháng 4 thu hoạch trong tháng 7 (800.000 ha); đợt 2 gieo sạ trong tháng 5 thu hoạch trong tháng 8 (600.000 ha); đợt 3 gieo sạ trong tháng 6 thu hoạch trong tháng 9 (259.000 ha).

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác theo phương pháp mới như gieo sạ đồng loạt né rầy, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón phân cân đối được các tỉnh phổ biến rộng rãi đến nông dân. Việc phòng trừ sâu bệnh được thực hiện tốt nên không bùng phát dịch bệnh. Mỗi tỉnh bố trí cơ cấu giống hợp lý ( từ 4 – 5 giống chủ lực) , tỷ lệ giống lúa chất lượng thấp không vượt quá 15% diện tích, lúa thơm cũng không vượt quá 15% diện tích. Diện tích còn lại được trồng các giống lúa chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu. Các tỉnh thuộc khu vực bị ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập kịp thời thực hiện phương án phòng, chống hạn, vận hành tốt hệ thống thủy lợi, thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước, sử dụng hợp lý nguồn nước đồng thời tăng khả năng cấp nước, bảo đảm canh tác hết diện tích. Các tỉnh còn kịp thời hỗ trợ nông dân bơm tưới, cho bà con vay vốn mua vật tư nông nghiệp chăm sóc lúa. Nhờ đó, dù xuống giống vụ lúa Hè Thu trong thời điểm nước mặn xâm nhập sâu, khô hạn gây hại khó khăn cho 600.000 ha nhưng lúa Hè Thu vẫn phát triển tốt.

ĐBSCL: Trái cây giảm giá mạnh

Thường từ tháng 4 đến tháng 7, ở miền Tây trái cây vào mùa thu hoạch. Cùng thời gian này, trái cây miền Đông cũng chín, “đụng độ” với trái cây miền Tây. Rồi vải thiều miền Bắc rục rịch Nam tiến. Tất cả khiến trái cây đồng loạt rớt giá.

Trái cây dội chợ

Những ngày qua trái cây ở các tỉnh ĐBSCL cùng lúc thu hoạch nhiều nên giá bán giảm mạnh. Hơn một tháng trước, sầu riêng đầu mùa loại trái ngon cơm vàng, hạt lép có giá trên 70.000đ/kg, nay ngoài chợ giảm xuống 30.000-35.000đ/kg. Còn thương lái về tận vườn thu mua hạ xuống dưới 25.000đ/kg.

Chôm chôm giống Thái rớt giá còn 17.000-22.000đ/kg, trong khi cách đây nửa tháng có giá 30.000đ/kg; mãng cầu ta (quả na) từ 60.000đ/kg giảm còn 40.000đ/kg.

Rớt giá mạnh nhất là thanh long, hàng nhiều bày bán khắp nẻo đường miền Tây. Trên quốc lộ 91 Cần Thơ về Ô Môn, nhà vườn bán thanh long bên lề đường 3kg giá chỉ có 10.000đ.

Loại xoài ngon giống Hòa Lộc nổi tiếng của Cao Lãnh thương lái mua loại 1 giá 25.000-30.0000đ/kg; xoài cát Chu Cao Lãnh 14.000đ/kg. Các giống xoài ghép lai như xoài Đài Loan 5.000-7.000đ/kg, xoài thanh ca, xoài hòn...giá 3.000- 4000đ/kg"...

Ở Kế Sách (Sóc Trăng) và Phong Điền (Cần Thơ) nhà vườn bán măng cụt hiện còn 35.000đ/kg, giảm 20.000-25.000đ/kg so đầu vụ cách đây hơn một tháng. Cách Cao Lãnh (Đồng Tháp) hai con sông Tiền, sông Hậu, nhưng ở Cần Thơ thương lái về vườn mua xoài Hòa Lộc, lựa trái đẹp mua 17.000đ/kg, rẻ hơn 8.000 đ/kg.
Hơn hai năm qua, các nhà vườn miền Tây bắt đầu XK chôm chôm, nhãn, nhưng số lượng chưa nhiều, vì trái cây đạt tiêu chuẩn an toàn còn ít, trồng không tập trung.

Theo Trung tâm khuyến nông các tỉnh trong vùng, mô hình vườn chuyên canh cây đặc sản sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP được nông dân thực hành thành công. Song khi khuyến khích nhân rộng mô hình lại gặp trở ngại.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn:Vinanet