menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hạt tiêu thế giới tuần 10 - 17/7: cung và cầu đều thấp

08:31 21/07/2009

Những báo cáo khác nhau về kết quả kinh doanh của mấy quý vừa qua công bố trong tuần qua đã khiến cho thị trường hạt tiêu thế giới bối rối. Kết thúc tuần, giá một số loại giảm, trong khi một số loại khác lại tăng lên.

Khách hàng đang hy vọng giá sẽ giảmmạnh hơn nữa khi có hạt tiêu vụ mới từ Indonexia và Brazil trước khi họ mua vào. Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, giá liên tiếp tăng lên.

Hiện giá hạt tiêu Ấn Độ vẫn cao hơn so với hạt tiêu Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Indonexia nên nhu cầu mua hạt tiêu Ấn Độ chưa cao. Khách hàng Mỹ vẫn đang mua hạt tiêu Brazil và Việt Nam chứ chưa mua hàng của Ấn Độ. Dự trữ tại Ấn Độ lúc này không còn nhiều.

Theo báo cáo, sản lượng hạt tiêu Indonexia niên vụ này sẽ giảm do thời tiết bất lợi, song có những báo cáo rằng giá hạt tiêu  Lampong Asta đã giảm trong thời gian gần đây.

Cũng theo báo cáo, nguồn cung hạt tiêu ở Việt Nam hiện không còn nhiều. Brazil đang thu hoạch hạt tiêu, với tiến độ chậm hơn mọi năm, và có nhiều khả năng sản lượng sẽ giảm do mưa lớn gần đây. Theo các báo cáo này, nguồn cung trên thị trường thế giới đang trong tình trạng khan hiếm.

Tại Ấn Độ, sản lượng hạt tiêu vụ tới có thể sẽ vẫn ở mức 50.000 tấn như vụ trước đó, do thời tiết không thuận lợi.

Trên thị trường Ấn Độ, giá hạt tiêu giao ngay hiện koảng 12.000 Rupi(loại xô) và 12.500 Rupi (MG 1)/100 kg.

Trên thị trường quốc tế, hạt tiêu Ấn Độ vẫn duy trì ở mức giá 2.625-2.650 USD/tấn (c&f). Giá các xuất xứ khác cũng duy trì ở mức của mấy ngày hôm trước.

Theo Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC), xuất khẩu hạt tiêu Indonexia năm 2009 ước tính giảm so với năm 2008. Trong 3 tháng đầu năm, Indonexia chỉ xuất khẩu được 2.719 tấn hạt tiêu trắng, giảm khoảng 55% so với 6.050 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Lượng hạt tiêu bán ra từ Việt nam đang giảm vì dự trữ không còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu từ Ấn Độ và các nước phương Tây sắp tăng lên trong những tháng lễ hội.

Theo nguồn tin Reuters, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2009 đạt 2.515 tấn. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 65.992 tấn. Tiêu thụ nội địa trong cùng kỳ đạt 3.000 tấn. Sản lượng hạt tiêu Việt Nam năm 2009 dự báo đạt 110.000 tấn.

Nguồn cung hạt tiêu trên thị trường thế giới đang thiếu hụt, trong khi tại một số nước nhập khẩu lớn nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, số liệu thống kê tại các nước này cho thấy tình hình nhập khẩu rất ảm đạm. Hạt tiêu đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong thực phẩm của thế giới, do đó nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu sẽ không sụt giảm mạnh dù kinh tế suy thoái, nguồn cung hạt tiêu vẫn bị giới hạn và thiếu hụt về cung rất dễ xảy ra cũng sẽ thúc đẩy giá tiêu tăng lên theo đúng quy luật cung-cầu.

Năm 2009, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, những thị trường quan trọng có xu hướng giảm nhập khẩu thì việc khai thác các thị trường mới rất có ý nghĩa đối với ngành hồ tiêu của Việt Nam.

Theo báo cáo thường niên ngành hàng hồ tiêu Việt Nam năm 2008 và triển vọng năm 2009 của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn (AGROINFO), hầu hết các nước nằm trong nhóm 15 thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam đều là những bạn hàng truyền thống trong những năm trước đây. Năm 2008, kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam của 15 thị trường lớn nhất đạt 226,04 triệu USD, chiếm 72,91% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Mỹ đã trở thành thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất từ Việt Nam, kim ngạch đạt 46.75 triệu USD trong năm 2008, tăng 130,3% so với năm 2007, nhanh chóng vươn từ vị trí thứ ba lên vị trí thứ nhất hiện nay và chiếm 15,08% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Xuất khẩu hồ tiêu sang Anh, Tây Ban Nha và Hàn Quốc cũng tăng trưởng khá tốt, trên 45% trong năm vừa qua. Trong khi đó, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2008 sang một số thị trường như Đức, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Pakistan, Ấn Độ và Ukraine lại giảm.

Ngoài ba thị trường chính là Mỹ, Đức, Nhật Bản, theo AGROINFO thì còn rất nhiều thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu hồ tiêu nước ta. Năm vừa qua, Hà Lan nhập khẩu gần 5.000 tấn hồ tiêu từ Việt Nam với kim ngạch lên tới 18,37 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2007. Năm nay, Hà Lan sẽ tiếp tục là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Bulgaria là thị trường có mức tăng nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất từ Việt Nam năm 2008 với mức 509,8%. Nước này đã nhập khẩu 1.176 tấn hồ tiêu của Việt Nam, đạt kim ngạch 4 triệu USD. Tăng trưởng kinh tế của Bulgaria trong năm nay được dự báo 4,2%, và có thể sẽ tiếp tục trở thành một trong những thị trường có tăng trưởng nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất từ Việt Nam. Các thị trường Hàn Quốc, Ba Lan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ... đều có tăng trưởng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam vượt trên 100%. Bởi vậy, những thị trường tuy mới mẻ này đang được kỳ vọng sẽ là những thị trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam có thể nhắm tới thay cho những thị trường truyền thống.

Theo số liệu thống kê mới nhất, nhập khẩu hạt tiêu vào Mỹ trong tháng 5 vừa qua tăng mạnh, đạt 4.364 tấn, tăng 484 tấn so với 3.880 tấn cùng tháng năm ngoái. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vào Mỹ lại giảm 2.300 tấn, từ mức 20.878 tấn xuống 18.578 tấn. Xu hướng của tháng 5 cho thấy nhu cầu đang hồi phục ở Mỹ. Nếu các nguồn cung khác khan hiếm, trong những tháng tới Ấn Độ sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Giá hạt tiêu thế giới tuần qua:

Loại

17/7

10/7

Việt Nam, ASTA, FOB HCM

2.400 USD/tấn

2.400 USD/tấn

Brazil,FoB-Belem

2.350 USD/tấn

2.425 – 2.450 USD/tấn

Ấn Độ

2.650 USD/tấn

2.625 – 2.650 USD/tấn

Indonexia

 

2.375 USD/tấn

L Asta c&f New York

2.380 USD/tấn

 

Nguồn:Vinanet