menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường nấm: nội địa hút hàng

15:34 03/07/2014
Trong khi người trồng nấm ở tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm thì tại thị trường TP HCM, Hà Nội, các mặt hàng nấm lại bán chạy; một số nơi còn ngập hàng nhập từ Trung Quốc.

Trong khi người trồng nấm ở tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm thì tại thị trường TP HCM, Hà Nội, các mặt hàng nấm lại bán chạy; một số nơi còn ngập hàng nhập từ Trung Quốc.

Cung không đủ cầu

Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền (TP HCM), cho biết nấm đang là mặt hàng bán rất chạy, nhất là ngày chay (rằm, mùng 1). Mỗi ngày có khoảng 10 tấn nấm từ các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh... về chợ và thường xuyên trong tình trạng cung không đủ cầu. Ngoài nấm nội địa còn có nấm Trung Quốc với số lượng từ 3-4 tấn/ngày và ngay từ đầu, ban quản lý chợ đã yêu cầu các vựa kinh doanh nấm Trung Quốc phải cung cấp đủ hồ sơ chất lượng thì mới được kinh doanh.

Tại TP HCM, hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất nấm, chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ với gần 10 mặt hàng như: nấm bào ngư trắng, nấm mỡ, nấm rơm, nấm mèo, linh chi... bán tươi là chính và tình hình tiêu thụ khá tốt. Một nông dân chuyên làm nấm rơm ở huyện Củ Chi, cho biết mỗi ngày hái được khoảng 70 kg nấm bán ra các chợ lân cận với giá sỉ 50.000 đồng/kg ngày thường và 70.000 đồng ngày chay.

Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Nấm Việt, cho biết tiêu thụ nội địa đang tăng lên do người tiêu dùng ngày càng chuộng nấm trồng trong nước vì ngon hơn và an toàn. Trước đây, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nhưng khoảng 10 năm nay, trong nước đã trồng được nhiều và từng bước giành lại thị trường.

Ngoài tiêu thụ nội địa, nấm linh chi còn được bán cho các nước Lào, Campuchia, Thái Lan; riêng nấm mèo đi xa hơn tới các nước Ba Lan, Úc, Mỹ do xuất khẩu cùng với bánh tráng để cuốn chả giò phục vụ người Việt ở nước ngoài.

Hàng không rõ nguồn gốc ngập chợ

Ghi nhận tại thị trường Hà Nội, mặt hàng nấm được bán lẻ ở các chợ dân sinh với chủng loại khá phong phú. Trong đó, nấm thường được sản xuất ngay tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tiểu thương cho biết hoàn toàn không có nấm từ miền Nam do đây là mặt hàng không bảo quản được lâu, chi phí vận chuyển lớn nên không thuận tiện.

Ngoài ra, có rất nhiều loại nấm không rõ nguồn gốc tràn ngập chợ dân sinh Hà Nội với hình thức đóng theo túi/bịch, không có nhãn mác. Tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa), nấm kim châm, nấm sò, nấm hương, nấm rơm… có giá từ 15.000 - 40.000 đồng/túi tùy loại.

Chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) bày bán cả loại nấm có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất ở Việt Nam lẫn nấm không có nhãn mác. Theo một tiểu thương tại chợ, hiện người dân khi mua nấm cũng bắt đầu hỏi nhiều hơn về nguồn gốc, nhãn mác nên hàng không có nhãn bán thường chậm dù giá rẻ hơn từ 5.000 - 15.000 đồng/túi, tùy loại.

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội, hầu hết sản phẩm nấm đều có nhãn mác ghi tên cơ sở sản xuất, đơn vị nhập khẩu, các thông số chất lượng, hạn sử dụng…

Đại diện một siêu thị lớn tại Hà Nội cho biết đầu năm đã rộ lên nấm không rõ nguồn gốc bán tại siêu thị nên hiện nay, hầu hết các hệ thống siêu thị đều cẩn trọng hơn trong việc kiểm tra, kiểm định sản phẩm và chỉ ký hợp đồng với các đơn vị có uy tín. Cũng theo vị này, hiện thị trường nấm tại miền Bắc còn khá dồi dào nhưng sản lượng trồng cấy lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nấm tại các siêu thị phần lớn nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, thời hạn sử dụng từ 7 ngày đến 1 tháng ở môi trường 5 độ C.

Nguồn: Tin tức Nông nghiệp, Báo Người lao động

Nguồn:Vinanet