Giá lúa gạo các tỉnh ĐBSCL vẫn tiếp tục giảm
Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL vẫn tiếp tục giảm mạnh những ngày qua do vụ lúa đông xuân đang bước vào thu hoạch rộ trong khi đầu ra tiếp tục khó khăn. Trước tình hình ứ đọng lúa gạo trong dân và trong bối cảnh cả thế giới thừa gạo, VFA đề nghị triển khai tạm trữ dài hơi hơn thay vì làm ngắn hạn như trước.
Từ đầu tháng 3/2014, việc xuất nhập khẩu mặt hàng gạo tại các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã tấp nập trở lại sau đợt nghỉ tết dài ngày của các thương gia phía đối tác. Tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng, giao dịch xuất khẩu mặt hàng gạo theo hệ tiểu ngạch được phía trung Quốc đẩy mạnh và mở rộng hơn so vowisi quý 4/2013. Phía Trung Quốc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa việc nhập khẩu lương thực vả hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó trong năm nay, việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam chủ yếu do tư thương đảm nhiệm và giao lưu tại cửa khẩu hệ tiểu ngạch. Đồng thời việc sản lượng gạo nhập khẩu theo phương thức này không xác định trước con số chuẩn, do nhu cầu thị trường điều khiển. Vì vậy, trên thực tế tại cửa khẩu Móng Cái hiện nay, giao dịch xuất nhập khẩu mặt hàng gạo 5%; 15%; 25% tấm tỏ ra không ổn định, có tuần lễ tăng đột ngột lên 5000 tấn, có tuần lễ giảm đột ngột xuống 600 tấn. Riêng về giá cả mặt hàng gạo thì tương đối ổn định mặc dù sản lượng tăng hay giảm đột ngột.
Cao su xuất khẩu tại cửa khẩu Móng Cái ngưng trệ
Trong tuần, tại cửa khẩu Móng Cái, cao su xuất khẩu ngưng trệ. Nhu cầu khá yếu của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng nguyên liệu cao su thiên nhiên đã gây lên trạng thái ngưng trệ giao dịch giữa các doanh nghiệp và thương gia Việt Nam và Trung Quốc, các văn phòng giao dịch thường trực ký hợp đồng mua cao su của Việt Nam đã tạm thời đóng cửa tới hơn 30% so với tháng 2/2014. Thông tin về phía đối tác cho biết, cao su thiên nhiên dự trữ tồn kho của Trung Quốc tương đối lớn, chiếm khoảng 25% so với nhu cầu thực tế. Các nhà máy sản xuất săm lốp của Trung Quốc giảm đáng kể công suất vận hành đã tác động mạnh đến việc nhập khẩu cao su tại khu vực biên giới.
Trong tuần chỉ có 18 hợp đồng nhỏ và vừa, với tổng số 1630 tấn cao su thiên nhiên được thực hiện giữa các đối tác hai bên. So với tuần trước, giá giao dịch các mặt hàng này vẫn giữ nguyên. Loại sơ chế mã hiệu SRV3L chất lượng I của các công ty đơn vị khối quốc doanh, giá là 12.700 NDT/tấn. Sản phẩm cùng loại của hợp tác xã và tư thương, xếp chất lượng II giá là 12.600 NDT/tấn.
Giá cà phê tăng cao nhất trong vòng 10 tháng qua
Trong tuần qua, giá cà phê mua tại nhà máy đã lên mức 42.000 đồng/kg và là mức giá cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Theo Volcafe, nông dân trồng cà phê ở Việt Nam đã bán 55% sản lượng vụ mùa 2013-2014.
Dự báo với thời tiết bất lợi như rét kéo dài, sương muối, hạn hán …, sản lượng càphê Việt Nam niên vụ 2014-2015 có thể giảm đáng kể so với niên vụ 2013-2014.
Giá điều tăng 3.000 – 5.000đ/kg so với cùng kỳ năm 2013
Nông dân trồng điều ở các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất... đang bước vào vụ thu hoạch với giá điều đầu vụ được thu mua ở mức cao hơn vụ trước. Tại huyện Định Quán, giá điều tươi thu mua ở mức 26.500 đ/kg, tăng từ 3.000 đến 5.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, mặc dù được giá cao nhưng năm nay hầu hết các vườn điều ở Đồng Nai đều bị mất mùa, năng suất giảm.
Khối lượng điều hạt điều xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị 57 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2014 đạt 28 nghìn tấn với 169 triệu USD, giảm 0,1% về khối lượng nhưng tang 2,4% vê giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tháng 1/2014 đạt 6.058 USD/tấn, tăng 0,82% so với tháng 1/2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 26,17%, 20,2% và 9,84% tổng giá trị xuất khẩu.
Sản lượng hồ tiêu 2014 dự kiến đạt khoảng 125.000 tấn
Theo tính toán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2014, sản lượng hồ tiêu của cả nước sẽ đạt khoảng 120.000-125.000 tấn, tương đương vụ năm 2013.
Tỉnh Đồng Nai ước đạt khoảng 2.500 tấn, tăng 20%; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt khoảng 3.500 tấn, ước tăng 30%; Bình Phước đạt 5.000 tấn, giảm 20%; Đắk Nông đạt 3.500 tấn, tăng 25%; Đắk Lắk đạt 800 tấn, tăng 5%; Gia Lai đạt 8.000 tấn, giảm 30% với so vụ 2013.
Đến nay, tỉnh Bình Phước đã thu hoạch được 3/4 diện tích, các tỉnh Tây Nguyên cũng thu hoạch 1/3 diện tích, phần lớn các hộ trồng tiêu có sản lượng ít thì thu tới đâu bán tới đó để thanh toán tiền thuê công và nợ vay ngân hàng.
Theo VPA, tiến độ thu hoạch, tiêu thụ và giá mua bán trong nước diễn biến từ đầu vụ tới nay tương đương cùng kỳ năm 2013 và giá đang có xu hướng tăng.
Nguồn: Vinanet/thitruong.vtic.vn
Nguồn:Vinanet