menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường nông sản tuần đến ngày 18/5/2015

14:55 18/05/2015
Tại các tỉnh phía Bắc giá lương thực ổn định, phía Nam tăng/giảm tùy theo từng chủng loại. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng nhẹ 100 đồng, lên ở mức 37.200 – 37.700 đồng/kg.

Tại các tỉnh phía Bắc giá lương thực ổn định, Miền Nam tăng/giảm tùy theo từng chủng loại. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng nhẹ 100 đồng, lên ở mức 37.200 – 37.700 đồng/kg.
Lúa gạo: Miền Bắc ổn định, Miền Nam tăng/giảm tùy chủng loại

Tại các tỉnh phía Bắc giá lương thực ổn định, lúa tẻ thường phổ biến ở mức 7.000 – 9.000 đ/kg, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đ/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, cụ thể như ở Đồng Tháp giá lúa thường giảm 100 đ còn 4.200 đ/kg, lúa xuất khẩu tăng 200 đ lên 4.700 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 tăng 350 đ lên 6.850 đ/kg trong khi loại 2 giảm 50 đ còn 6.050 đ/kg, gạo tẻ thường giảm 500 đ còn 10.500 đ/kg. Tại Tiền Giang giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm 100-200 đ/kg, 5% còn 7.300 đ/kg, 10% còn 7.200 đ/kg, 15% còn 7.000 đ/kg, riêng loại 20% đứng 6.900 đ/kg.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 1,555 triệu tấn gạo, giảm 11% so với 1,758 triệu tấn cùng kỳ năm 2014. Giá xuất khẩu trung bình đạt 419 USD/tấn giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam niên vụ 2014-2015 đạt 6,7 triệu tấn, tăng 5,5% so với 6,35 triệu tấn năm trước và không đổi so với 6,7 triệu tấn ước tính chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2015 đạt 436,9 USD/tấn, giảm 5,14% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2015 với 27,3%. Thị phần của Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 40,32% về khối lượng và giảm 45,11% về giá trị). Đáng chú ý nhất là thị trường Bờ Biển Ngà có sự tăng trưởng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2015, vươn lên vị trí thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 4,68% thị phần.

Cà phê:  giá tăng nhẹ

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng nhẹ 100 đồng, lên ở mức 37.200 – 37.700 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.810 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 50 – 60 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 15 USD/tấn, tương đương giảm 0,84 %, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 100 đồng, tương đương giảm 0,27 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 4,25 cent/lb, tức tăng 3,16 %, mức tăng khá mạnh.

Trong 4 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 466 nghìn tấn, trị giá 970 triệu USD, giảm 41% về khối lượng và 39,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2015 đạt 2.091 USD/tấn, tăng 6,64% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thịt trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 18,16% và 12,54%.

Tin thị trường:

301 triệu USD để tổ chức lại sản xuất lúa gạo và cà phê

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc tăng cường năng lực thể chế của ngành và tổ chức lại sản xuất cho 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê ở 2 vùng sản xuất hàng hóa quan trọng của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Dự án được thực hiện trên địa bàn của 13 tỉnh gồm: 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang. 7 tỉnh thí điểm tái cơ cấu (hợp phần A) là: Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng. Dự án được thực hiện từ 2015-2020 với tổng kinh phí 301 triệu USD.

Lãi suất cho vay tái canh cà phê không quá 7%/năm

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, việc cho vay tái canh cà phê được thực hiện tại địa bàn 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên bao gồm: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum, theo 2 phương pháp trồng tái canh cà phê và ghép cải tạo cà phê do Agribank thực hiện.

Chính sách cho vay tái canh cà phê chỉ áp dụng đối với các hợp đồng vay vốn tái canh cà phê được ký trước thời điểm ngày 31/12/2020 và đối tượng vay vốn là các tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh cà phê tại địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Mức cho vay do khách hàng và Agribank thỏa thuận nhưng tối đa là 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh cà phê và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê.

Lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm trên cơ sở mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của Agribank nhưng không quá 7%/năm.

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/Agromonitor, Thị trường giá cả,  Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:Vinanet