menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường phân bón trong nước và nhập khẩu tuần từ 6-10/10/2008

11:10 15/10/2008
Giá urea tại Yuzhny tuần qua (từ 6-10/10/2008) tiếp tục giảm 20 USD/T, xuống còn 600 USD/T, FOB. Gía DAP cũng giảm xuống còn 840 USD/T, FOB.
Giá phân bón trên thị trường thế giới giảm nhanh do nhu cầu tiêu thụ giảm và do chưa đến vụ đã khiến giá phân bón trong nước liên tục giảm. Cụ thể, giá urea giảm khoảng 500-1.000 đ/kg, xuống 8.500-9.000 đ/kg, phân kali, NPK, lân giảm từ 100-500 đ/kg. Riêng phân DAP giảm mạnh, từ 26.000 đ/kg, nay chỉ còn 16.000-18.000 đ/kg. Đặc biệt, tại Tiền Giang giá DAP giảm xuống còn 14.500 đ/kg.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự báo, nhu cầu phân bón phục vụ nông nghiệp năm 2008 là 8,3 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước khoảng 5,4 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 2,9 triệu tấn. Đến cuối tháng 9/2008, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được 3,7 triệu tấn và nhập khẩu ước khoảng 2,6 triệu tấn. Lượng phân bón nhập khẩu tăng đã giúp hạ cơn sốt phân bón trong nước.
Trong tháng 10/2008, Đạm Phú Mỹ sẽ đẩy mạnh việc cung cấp urea cho thị trường thông qua 4 công ty trực thuộc tại: miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam bộ để đáp ứng nhu cầu vụ mùa Đông Xuân sắp tới. Tổng Công ty Phân đạm và hoá chất dầu khí cũng công bố chính thức giá bán lẻ phân Đạm Phú Mỹ giảm từ 9.500 đ/kg xuống còn 9.200 đ/kg áp dụng từ 1/10/2008 đến 30/10/2008.
Hiện nay, Vinachem đang triển khai đầu tư xây dựng mới và mở rộng nhiều dự án sản xuất phân bón các loại. Với những dự án này, ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất phân bón Việt Nam còn kỳ vọng ở mục tiêu xuất khẩu kể từ 2012 trở đi. Cụ thể:
Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân DAP Hải Phòng sẽ cho ra những tấn sản phẩm đầu tiên vào cuối tháng 11 tới đây. Với sự hoàn thành và đi vào hoạt động của nhà máy này, Vinachem dự kiến sẽ sản xuất trên 200 nghìn tấn DAP trong năm 2009.
Cùng với nhà máy tại Hải Phòng, một nhà máy sản xuất DAP tại Lào Cai với công suất dự kiến 330.000 tấn/năm cũng đang được Vinachem gấp rút triển khai xây dựng.
Như vậy, nếu triển khai hết công suất, sản lượng DAP do Vinachem sản xuất sau năm 2012 sẽ đạt khoảng 700-800 ngàn tấn/năm, không chỉ đảm bảo nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu từ 100-200 ngàn tấn/năm.
Các dự án đầu tư sản xuất phân urea cũng đang được triển khai ở nhiều giai đoạn khác nhau. Dự án sản xuất urea Ninh Bình công suất 560 nghìn tấn đã được khởi công xây dựng từ hồi tháng 5/2008.
Dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc từ 180 nghìn tấn len 500 nghìn tấn/năm theo kế hoạch cũng sẽ được khởi công vào đầu năm 2009. Cả hai dự án đều dự kiến sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công. Như vậy, tính đến sau năm 2012, năng lực sản xuất urea của Vinachem sẽ tăng lênt rên 1 triệu tấn/năm.
Nếu tính cả lượng urea do Petro Vietnam sản xuất, vào thời điểm kể trên, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phân bón Việt Nam sẽ có trong tay 2,5 triệu tấn urea/năm và khi đó mỗi năm sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn.
Đối với phân lân nung chảy, năng lực sản xuất hiện tại của hai nhà máy trực thuộc (Văn Điển và Ninh Bình) là 600 nghìn tấn/năm. Do nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào, trong khi nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước với loại phân bón này ngày càng cao nên theo kế hoạch, từ nay đến 2010, bên cạnh việc đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có, Vinachem sẽ đầu tư thêm nhà máy công suất 300 nghìn tấn/năm tại Lâm Thao (Phú Thọ). Dự kiến trong năm 2009 dây chuyền số 1 công suất 100 nghìn tấn/năm sẽ đi vào hoạt động.
Như vậy, sau năm 2012 sản lượng phân lân nung chảy của Vinachem sẽ đạt 1 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất kahảu từ 150-250 nghìn tấn/năm.
Ngoài ra, Vinachem cũng đang triển khai một dự án sản xuất phân bón khác là sản xuất sulfat Amoni (SA) công suất 300 nghìn tấn/năm tại Hải Phòng. Nhu cầu SA của thị trường trong nước  hiện tại khoảng 600-700 nghìn tấn/năm, và phần lớn phải nhập khẩu, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.

Nguồn:Vinanet