menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường thủy sản tuần đến 8/3/2015

15:41 10/03/2015

Thị trường thủy hải sản những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 có dấu hiệu tăng giá ở cả hai miền Bắc Nam.

(VINANET)

Giá thủy sản tăng

Thị trường thủy hải sản những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 có dấu hiệu tăng giá ở cả hai miền Bắc Nam. Tại Hà Nội, giá tôm sú tăng lên 470.000 đ/kg loại cỡ vừa (tăng 50.000 đ/kg so với những ngày sau Tết). tôm sú loại nhỏ (35-40 con/kg) giá khoảng 400.000 đ/kg; tôm thẻ chân trắng 270.000 đ/kg; mực lá cũng 250.000 đ/kg… Các loại cá cũng nhỉnh giá hơn, cụ thể cá trắm 75.000 - 90.000 đ/kg; cá chép 70.000 đ/kg, cá rô phi 55.000-60.000 đ/kg…

Tại TP HCM, giá cá lóc 100.000 đ/kg (tăng 30.000 đ/kg), cá hú 90.000 đ/kg (tăng 20.000 đ/kg), cá thác lác 280.000 đ/kg (tăng 50.000 đ/kg), cá điêu hồng 60.000 đ/kg (tăng 5.000 đ/kg), một số loại mực cũng tăng 20.000-30.000 đ/kg. Ếch tăng 20.000 đ/kg lên 90.000 đ/kg.

Giá tăng cao ngay từ chợ đầu mối: Cá thu 200.000 đ/kg (tăng 40.000đ/kg), mực ống 200.000 đ/kg (tăng 70.000 đ/kg). Nhu cầu ốc tăng cao, khiến giá tăng, nhất là khi nguồn cung không mấy dồi dào, mức tăng 40.000-130.000 đ/kg.

Nguyên nhân khiến thủy hải sản tăng giá là do lượng cung khan hiếm, một số tàu bè ở các vùng ven biển chưa đi đánh bắt lại trong khi đó nhu cầu sau Tết lại tăng cao nên khiến lượng hàng thiếu hụt.

Thông thường ra Tết, lượng thủy hải sản nhập về rất ít, lượng cung ra thị trường không đủ. Mặt khác, Tết nhiều hộ gia đình đã ngán với thịt gia súc gia cầm nên chuyển sang lực chọn thủy hải sản nhiều hơn cho nên nhu cầu tăng cao khiến giá tăng,

Hiện nay lượng thủy hải sản về chợ chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8-TPHCM) cũng giảm mạnh so với thời điểm trước Tết, đặc biệt là các loại cá biển như cá nục, cá thu, mực, ốc… nên giá tăng so với thời điểm trước đó 10-15%, riêng đối với mặt hàng ốc tăng mạnh có loại tăng thêm tới 130.000 đồng.Thông thường lượng hàng về chợ khoảng 2.500 tấn nhưng thời điểm sau Tết chỉ chiếm khoảng 1/2, thậm chí là 1/3 so với ngày thường. Có hôm, lượng hàng về chỉ gần 1.000 tấn.

Tôm, cua tăng giá: Thông thường vào dịp lễ, tết giá cua đều tăng nhưng dịp tết năm nay tăng rất mạnh và kéo dài rồi mới giảm nhẹ. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, nông dân nuôi tôm sú xen canh với cua biển theo hình thức quảng canh (nuôi trên nền đất lúa) ở ĐBSCL rất phấn khởi do giá cua tăng mạnh, còn giá tôm cũng ở mức cao. Cụ thể giá cua gạch son dịp tết cao nhất lên đến 450.000đ/kg, cua y (cua thịt) 300 - 320.000đ/kg. Hiện giá cua đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, cua gạch son từ 400 - 420.000đ/kg, cua y 280 - 300.000đ/kg. Giá tôm sú cũng đang rất tốt, tôm loại 40 con/kg, giá 175 - 180.000đ/kg, loại 30 con giá 215- 220.000đ/kg, loại 20 con 280.000đ/kg. Riêng loại 10 - 15 con/kg (người dân thường gọi tôm cù) giá 320– 350.000đ/kg.

Sản lượng thủy sản tăng:

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng sản lượng thuỷ sản tháng 2 ước đạt 790.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 461.000 tấn, tăng 3,8%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 329.000 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại vùng biển miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên đến các vùng biển Nam Bộ như Kiên Giang, Cà Mau… ngư dân phấn khởi khi trúng đậm mùa tôm, cá biển. Thêm vào đó, một số loại hải sản tăng giá như cá cơm, cá nục, cá thu, cá ngừ, tôm, nhuyễn thể…

Đặc biệt với nghề khai thác cá ngừ, tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, hiện nay nghề này đã phát triển, trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu chính ở khu vực miền Trung và cả nước. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến liên hệ và đặt vấn đề liên kết để khai thác, chế biến cá ngừ xuất khẩu với quy mô lớn.

Theo báo cáo của các địa phương, hai tháng đầu năm sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước khoảng 2.320 tấn, trong đó Bình Định ước đạt 1.300 tấn, Phú Yên ước đạt 550 tấn, Khánh Hòa ước đạt 470 tấn.

Còn đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tháng 2 của cả nước ước đạt 143.000 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích và sản lượng cá tra của một số tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái như: Vĩnh Long có diện tích nuôi cá tra 441ha (tăng 4%), sản lượng 13.984 tấn (tăng 2%), Cần Thơ có diện tích nuôi 498ha (tăng 3,7%), sản lượng 12.497 tấn (tăng 65,7%).

Bên cạnh đó, giá cá tra nguyên liệu tại Vĩnh Long trong tháng 2 dao động từ 24.000-25.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 22.000-23.000 đồng/kg, như vậy người nuôi có lãi từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Xuất khẩu thủy sản giảm hơn 9%

Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị XK thủy sản tháng 2 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị XK 2 tháng đầu năm đạt 907 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 17,74% tổng giá trị XK. Trong tháng 1, XK thủy sản sang thị trường này đạt 89,9 triệu USD, giảm 36,77% so với cùng kỳ năm 2014.

XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm tương ứng 9,86% và 0,76%. Trong khi đó, XK tăng trưởng ở các thị trường như Trung Quốc (gấp 2,28 lần), Thái Lan (tăng 32,96%).

Cũng theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị NK mặt hàng thủy sản tháng 2 đạt 72 triệu USD, đưa giá trị NK 2 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường NK chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).

Xuất khẩu tôm sang Mỹ có nhiều triển vọng: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) đối với mặt hàng tôm của Việt Nam, theo đó thuế chống phá giá tôm Việt Nam xuống dưới 1%.

Đợt POR9 được xét trong khoảng thời gian 2/1/2013 - 31/1/2014 với, với mức thuế trung bình xuống dưới 1%, giảm hơn 5 điểm phần trăm so với lần POR8.

Theo kết quả này, 56 công ty thủy sản nằm trong đợt xem xét hành chính sơ bộ, trong đó, công ty chịu mức thuế bán phá giá cao nhất là Minh Phú với 1,5%, sau đó là Công ty Thuận Phước, Công ty đông lạnh Thủy sản 32%, và Thủy sản Mỹ Sơn là 1,06%, duy nhất công ty Sao Ta chịu thuế là 0%, còn lại những công ty khác chịu mức thuế là 0,93%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, so với lần xem xét POR 8 khi các doanh nghiệp chịu mức thuế bình quân là 6,37%, lần này mức thuế đã giảm đi nhiều. Đây chính là tin mừng và có tác động tốt đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lần xem xét sơ bộ và chậm nhất là đến tháng 9/2015 DOC mới đưa ra kết quả cuối cùng. Trong khoảng thời gian này, các công ty thủy sản Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế 6% của lần thứ 8 vì lần POR 9 chưa có kết quả chính thức.

Thủy Chung

Nguồn: vinanet

Nguồn:Vinanet