menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường vàng trong nước tháng 10/2011

14:09 01/11/2011
Giá vàng trong nước tăng 650 nghìn đồng/lượng trong tháng 10, tương đương 1,5%. Trong tháng, NHNN cho phép một số ngân hàng cùng SJC bán vàng bình ổn.

Giá vàng trong nước tăng 650 nghìn đồng/lượng trong tháng 10, tương đương 1,5%. Trong tháng, NHNN cho phép một số ngân hàng cùng SJC bán vàng bình ổn.

Chốt phiên ngày 31/10, vàng SJC giao dịch tại 44,55 - 44,85 triệu đồng, tăng 650 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên cuối tháng 9.

Như vậy, trong tháng 10, giá vàng trong nước tăng 1,5% sau khi mất tới 2,6 triệu đồng/lượng trong tháng 9, tương đương giảm 5,4%

Trong tháng, giá vàng SJC có lúc xuống 42,9 triệu đồng/lượng (ngày 20/10), thấp nhất từ 20/9, nhưng cũng có thời điểm leo lên 45,6 triệu đồng/lượng (ngày 28/10), cao nhất kể từ ngày 24/9.

Giá vàng trong nước tăng giảm phần lớn theo chiều của giá vàng thế giới. Tính đến 17h ngày 31/10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex, New York ở mức 1.718 USD/oz, tăng hơn 90 USD, tương đương 5,7% trong tháng 10.

Những thông tin đáng chú ý về thị trường vàng trong tháng 10

Ngày 5/10, sau khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng tới hơn 4 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đăng tải văn bản, trong đó khẳng định có biện pháp đủ mạnh để ổn định giá vàng trong nước phù hợp với giá vàng thế giới, chống đầu cơ, buôn lậu vàng qua biên giới.

Ngày 6/10, NHNN ban hành Thông tư số 32 sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.

Theo Thông tư này, một số ngân hàng thương mại (NHTM) được NHNN cho phép chuyển đổi 40% số vàng tồn quỹ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trong nước nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế.

Đồng thời, các NHTM này sẽ được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái.

Trong tuần đầu tiên bán vàng bình ổn, VnExpress dẫn ước tính của các ngân hàng và doanh nghiệp cho biết, 5 ngân hàng đã cùng với SJC bán ra 10 tấn vàng với giá bán là giá niêm yết của SJC. Ngày 19/10, báo Thanh niên cho biết, NHNN cho phép SJC cùng 5 ngân hàng bán vàng bình ổn đợt 2 với khối lượng 5 tấn.

Ngày 8/10, nhằm ngăn chặn hiện tượng đầu cơ vàng trên thị trường, NHNN ban hành Thông tư 33 quy định ngân hàng không được cho vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp cho vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của NHNN, đồng thời quy định hệ số rủi ro là 250% đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng.

Tuy nhiên, đến 17 giờ ngày 31/10, mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi vẫn ở mức trên 1 triệu đồng/lượng, trong khi theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch 400 nghìn đồng/lượng mới được coi là hợp lý.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao là do lỗi ở cách thức cho bán vàng bình ổn của NHNN.

Theo đó, giá bán vàng là theo giá của SJC, trong khi đó các ngân hàng và SJC chỉ là doanh nghiệp, nên với họ lợi nhuận sẽ được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc cho phép bán vàng bình ổn còn mang tính chập chờn, dàn trải.

Ngày 28/10, để khắc phục tình trạng bất cập của thị trường thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm 7 điểm chính.

Đáng chú ý, NHNN đề xuất thu hẹp đầu mối sản xuất vàng miếng khi quy định doanh nghiệp phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trở lên trong 3 năm liên tiếp mới được cấp phép sản xuất vàng miếng.

Hiện có 8 tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp kinh doanh vàng được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng, trong đó SJC chiếm trên 90% thị phần.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất tổ chức phải có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng mới được kinh doanh vàng. Trên cả nước đang có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Nguồn Tổng hợp/DVT.vn

Nguồn:Vinanet