menu search
Đóng menu
Đóng

THỊ TRƯỜNG GẠO THẾ GIỚI THÁNG 9/2008

12:36 22/10/2008
Mậu dịch gạo thế giới tháng 9/2008 không sôi động, song giá biến động khá nhiều. Tại Thái Lan, giá tăng trong 2 tuần đầu tháng, song sau đó tương đối ổn định nhờ chương trình can thiệp hỗ trợ giá thóc gạo nội địa của chính phủ.
Giá gạo Việt Nam giảm nhẹ do nhu cầu xuất khẩu thấp, mặc dù vụ thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long kết thúc. Trong khi đó tại Mỹ, giá gạo tăng mạnh vào giữa tháng 9, lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng 9 do hai cơn bão lớn tàn phá nhiều cánh đồng lúa, song lại giảm nhanh vào cuối tháng do nhu cầu yếu.
Tình chung trong quý tháng 7 – 9/2008, giá gạo thế giới giảm khá nhiều do nhu cầu xuất khẩu thấp, nguồn cung tăng lên và triển vọng kinh tế  Mỹ suy yếu làm giảm nhu cầu hàng hóa, trong đó có ngũ cốc.
Về phía các nước xuất khẩu, Thái Lan đã bán được khá nhiều gạo cho các khách hàng Trung Đông trong nửa đầu tháng 9. Từ đầu năm tới nay, Irắc đã nhập khẩu 428.870 tấn gạo, tăng 184% so với 150.602 tấn mua trong cả năm 2007. Tuy nhiên, Nigeria, một trong những khách hàng lớn của Thái, đang trì hoãn việc mua gạo để chờ xem chính phủ của họ có tiếp tục cho phép nhập khẩu gạo miễn thuế sau tháng 10 này hay không. Chính phủ Thái Lan đã kéo dài chương trình can thiệp giá thóc gạo nội địa thêm thời gian từ 15/10 đến hết tháng 2/09, với giá thu mua thóc 14,000 Baht (408 USD)tấn, tương đương 700 USD/tấn gạo, với mục tiêu thu mua 8,8 triệu tấn trong vụ chính, bắt đầu từ 16/10. Các chương trình can thiệp nối tiếp nhau của chính phủ Thái Lan gây lo ngại cho các nhà xuất khẩu nước này, bởi nông dân chỉ muốn bán cho chính phủ để hưởng giá cao, nguồn cung trên thị trường tự do khan hiếm và giá gạo xuất khẩu của Thái đắt hơn nhiều so với các xuất xứ khác. Mục tiêu của Thái Lan là bán 10 triệu tấn gạo trong năm 2008, chỉ thấp hơn so với mức kỷ lục 10,13 triệu tấn năm 2004 song tăng so với 9,5 triệu tấn năm 2007. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu năm nay sẽ chỉ đạt  8-8,5 triệu tấn.
Trên thị trường Việt Nam, nguồn cung thóc gạo khá dồi dào bởi nhu cầu xuất khẩu thấp. giá thóc giảm gần 5% trong tuần qua do nhu cầu xuất khẩu thấp và nguồn cung dồi dào từ các tỉnh trồng lúa lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo Việt Nam hiện rẻ hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan, với gạo 5% tấm của Việt Nam hiện chào giá 500 – 540 USD/tấn, FOB, so với giá 600- 700 USD/tấn đối với gạo cùng loại của Thái Lan. Các thương gia Việt Nam đang hy vọng giá thấp sẽ hấp dẫn khách hàng, nhất là từ châu Phi và Trung Đông. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay giảm 4,8% xuống 3,38 triệu tấn, song thu nhập lại tăng 96% lên 2,24 tỷ USD nhờ giá gạo thế giới cao. Việt nam dự kiến xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ đạt 4,5 – 4,6 triệu tấn, sẽ trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, cao hơn 1 bậc so với năm 2007.
Ấn Độ đã nới lỏng một phần những hạn chế xuất khẩu gạo, song mới chỉ giới hạn ở mức cho phép xuất khẩu những khối lượng lúa giống hoặc gạo chất lượng cao nhất định. Dự kiến phải tới cuối tháng 10 hoặc tháng 11 Ấn Độ mới mở rộng hơn nữa cánh cửa xuất khẩu gạo ra thế giới.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra chương trình thu mua lúa gạo với giá tối thiểu cho lúa chính vụ và lúa muộn. Theo kế hoạch, các cơ quan dự trữ ngũ cốc sẽ thu mua lúa chính vụ và lúa muộn ở 11 tỉnh sản xuất chính với giá lần lượt 1.580 NDT/tấn và 1.640 NDT/tấn nếu giá trên thị trường trong nước giảm xuống thấp hơn mức giá này. Chương trình thu mua sẽ kéo dài tới hết ngày 31/3/2009. Trung Quốc bắt đầu áp dụng giá thu mua tối thiểu từ năm 2004 để hỗ trợ người trồng lúa trong trường hợp giá lúa gạo giảm xuống quá thấp.
Về phía các nước nhập khẩu gạo, Philippine đã nhập khẩu kỷ lục 2,3 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, chủ yếu của Việt Nam, và dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong năm tới. Dự kiến Philippinie sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo trong 5 năm tới vì chi phí sản xuát cao, đặc biệt là giá phân bón, ảnh hưởng tới mục tiêu về sản lượng. Sản lượng gạo Philippine năm nay có thể đạt 16,94 triệu tấn, cao hơn so với 16,24 triệu tấn năm ngoái, song thấp hơn mục tiêu 17,3 triệu tấn mà chính phủ đặt ra.
Indonexia đang phấn đấu chuyển từ nước nhập khẩu gạo trở thành nước xuất khẩu gạo vào năm 2009. Tới giữa tháng 9/2008, dự trữ gạo quốc gia của Indonexia đã tăng tới kỷ lục cao, 2,6 triệu tấn, chỉ còn kém 400.000 tấn là đạt ngưỡng tối thiểu cần thiết để xuất khẩu mặt hàng này. Theo Chủ tịch Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonexia, Bulog, cơ quan này phấn đấu đạt mục tiêu dự trữ 2,8-3 triệu tấn gạo vào cuối năm nay, nhờ sản lượng tăng. Theo quy định của nước này, nếu dự trữ gạo quốc gia đạt 3 triệu tấn sẽ bắt đầu tiến hành xuất khẩu. Đây là mức kỷ lục cao về dự trữ gạo của Bulog. Ông Mustafa tin rằng Indonexia sẽ có thể bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 2009.
 

Nguồn:Vinanet