menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin thị trường lúa gạo thế giới ngày 17-4

21:59 16/04/2012

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa điều chỉnh giảm dự báo về cả sản lượng và tiêu thụ lúa gạo toàn cầu năm 2011-12, và điều chỉnh tăng dự báo về mậu dịch và dự trữ cuối vụ.
  
  

(VINANET) - USDA nâng dự báo về mậu dịch gạo toàn cầu, nhưng XK vẫn thấp hơn năm ngoái

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa điều chỉnh giảm dự báo về cả sản lượng và tiêu thụ lúa gạo toàn cầu năm 2011-12. Tuy nhiên, họ đã điều chỉnh tăng dự báo về mậu dịch và dự trữ cuối vụ.

Theo USDA, sản lượng gạo tàon cầu năm nay sẽ đạt 463,7 triệu tấn, giảm 1,7 triệu tấn so với năm ngoái, trong khi tiêu thụ giảm 4,1 triệu tấn xuống 458,8 triệu tấn năm 2011-12.

USDA giảm mức dự báo về sản lượng của Myanmar, Colombia, Ai Cập và Indonesia, nhưng cho biết sản lượng giảm ở những nước này sẽ được bù lại bởi sản lượng tăng ở Bangladesh, Thái Lan và Việt Nam. Họ cũng cho biết Myanmar, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan và Thái lan sẽ tiêu thụ ít hơn dự kiến, nhưng Trung Quốc, EU-27 và Iran sẽ tiêu thụ nhiều hơn dự kiến.

Về mậu dịch, USDA điều chỉnh tăng mức dự báo về xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2011-12 lên 33,9 triệu tấn, tăng khoảng 800.000 tấn so với dự đoán tháng trước, nhưng vẫn giảm gần 1 triệu tấn so với năm ngoái. USDA cho biết trong khi Trung Quốc, Ai cập, EU-27 và Indonesia sẽ tăng nhập khẩu, thì Ấn Độ, Việt Nam và Mỹ sẽ tăng xuất khẩu.

Theo USDA, tồn trữ toàn cầu cuối vụ sẽ đạt kỷ lục cao trong một thập kỷ là 103,3 triệu tấn, tăng gần 3 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, và gần 5 triệu tấn so với vụ 2010-11. Hầu hết mức tăng sẽ đến từ Myanmar, Indonesia, EU-27, Pakistan, Philippines, và Thái Lan.

Diện tích trồng lúa Brazil tiếp tục giảm

Cả diện tích và sản lượng lúa gạo ở Brazil năm nay sẽ đều giảm so với năm 2010-11 do thiếu nước, chi phí sản xuất cao và giá thấp, theo kết quả điều tra do hãng cung cấp Conab tiến hành.

Kết quả điều tra cho thấy trong khi tổng diện tích trồng trọt các loại cây tăng 4,8%âhy 2,4 triệu ha lên 52,29 triệu ha trong năm nay, thì mức tăng tập trung chủ yếu ở ngô và đậu tương (ngô tăng 20,1%, đậu tương tăng 34%), trong khi diện tích trồng lúa giảm dần đều những năm gần đây, giảm tổng cộng gần 33% kể từ năm 2004-05 xuống 2,6 triệu ha năm 2011-12.

Sản lượng gạo năm 2011-12 dự báo sẽ giảm 1,95 triệu tấn xuống khoảng 7,6 triệu tấn, do khô hạn.

Tháng trước, giá gạo ở Brazil đã giảm xuống dưới mức giá tối thiểu là khoảng 282 USD/tấn, buộc Conab phải mua gạo từ nông dân để ngăn giá giảm.

Bangladesh thông báo gói trợ cấp 4,3 triệu USD cho nông dân để mua phân bón và thuốc trừ sâu

Bộ trưởng Nông nghiệp Bangladesh thông báo quyết định dành gói trợ cấp 350 triệu taka (khoảng 4,3 triệu USD) để cung cấp phân bón và hạt giống miễn phí nhằm tăng sản lượng trong niên vụ tháng 5-tháng 8.

Chính phủ ước tính với chương trình này, sản lượng gạo vụ tới sẽ tăng thêm 120.000 tấn.

Vụ tháng 5-tháng 8 được trồng từ tháng 3 đến tháng 5, và thu hoạch vào tháng 7-tháng 8.

Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu tăng sản lượng gạo hàng năm lên khoảng 35 triệu tấn trong niên vụ này, tăng so với 33 triệu tấn vụ 2010-11.

Chính phủ dự kiến vụ chính (vụ mùa mưa) sẽ đạt khoảng 18,7 triệu tấn, còn vụ đông sẽ đạt khoảng 13,3 triệu tấn, còn lại đến từ vụ Tháng Tám.

Mỗi năm Bangladesh nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo để bù vào chỗ thiếu hụt. Trong tài khoá 2010-11, nhập khẩu lên tới 1,3 triệu tấn. Nhập khẩu trong tài khoá này dự kiến giảm xuống 350.000 tấn nhờ sản lượng tăng và dự trữ trên 1 triệu tấn, song nước này vẫn chịu áp lực lạm phát gía lương thực.

Gạo là lương thực chính của trên 135 triệu dân Bangladesh, và để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, chính phủ đang lên rất nhiều kế hoạch. Ngoài trợ cấp phân bón và hạt giống, Bangladesh còn tập trung vào nghiên cứu và đưa ra các giống lúa lai, và sử dụng các loại cây kháng mặn để tăng diện tích trồng lúa ở bờ biển.

Bangladesh nhập khẩu gạo chủ yếu từ nước láng giềng Ấn Độ. Tháng qua họ đã ký hợp đồng với Thái lan nhập khẩu 1 triệu tấn gạo đồ vào năm 2012-13.

Myanmar mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo năm 2012

Myanmar đã điều chỉnh tăng mục tiêu về xuất khẩu gạo năm 2012-13 thêm 20% lên khoảng 1 triệu tấn. Nước này đang khích lệ nông dân trồng những giống lúa chất lượng cao để tăng xuất khẩu.

Myanmar từng là nước xuất khẩu lớn vào những thập kỷ đầu thế kỷ 20, và lấy lại vị trí này vào những năm 1960, khi xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Nhưng sau đó xuất khẩu giảm sút do biến động chính trị. Những năm gần đây, xuất khẩu hàng năm vào khoảng 750.000 tấn, nằm trong số 10 nước xuất khẩu nhiều gạo nhất. Hiện Myanmar sản xuất khoảng 10,5 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó khoảng 9-10 triệu tấn tiêu thụ nội địa.

Để xuất khẩu 1 triệu tấn, nước này sẽ phải tăng cả năng suất và diện tích trồng.

Xuất khẩu gạo Campuchia sẽ tăng 100% năm 2012 do nhu cầu từ Trung Quốc

Các quan chức nông nghiệp Campuchia hy vọng xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ tăng 100% lên 400.000 tấn, nhờ nhu cầu mạnh từ Trung Quốc giúp bù đắp cho xuất khẩu trì trệ đầu quý I năm nay và giá gạo giảm trong khu vực.

Bộ trưởng Nông, Lâm và Ngư nghiệp cho biết được châu Âu ưu đãi về thuế sẽ góp phần đắc lực cho xuất khẩu gạo nước này. Ông cho biết trong khi châu Âu sẽ tiếp tục là thị trường gạo lớn nhất của Campuchia thì nhu cầu ngoài dự kiến từ phía Trung Quốc trong năm nay sẽ giúp khôi phục xuất khẩu sau những tháng đầu năm trì trệ.

Năm ngoái, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 173.000 tấn gạo, chủ yếu nhờ được châu Âu miễn thuế. Dự kiến Trung Quốc sẽ trở thành nước nhập khẩu lớn trên thế giới năm 2012 với trên 2 triệu tấn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia không nói rõ con số xuất khẩu trong quý I năm nay, nhưng biết rằng chỉ có một số rất ít đơn hàng, bởi giá ở những đối thủ cạnh tranh khác rất thấp. Tuy nhiên, giám đốc một công ty xuất khẩu tư nhân của Campuchia cho biết xuất khẩu trong quý I năm 2012 đạt khoảng 37.000 tấn, nhiều hơn mức 25.784 tấn cùng kỳ năm 2011.

Đầu tháng này, chuyến xuất khẩu trực tiếp thử nghiệm đầu tiên rời Campuchia tới Trung Quốc, nhưng đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Trung Quốc, không phải do vấn đề chất lượng mà bởi trục trặc về giấy tờ, theo nguồn tin từ Campuchia. Giám đốc công ty xuất khẩu cho biết: “Không có vấn đề gì về chất lượng gạo của Campuchia…Có điều gì đó không ổn giữa các cấp chính trị và trình độ kỹ thuật đối với chuyến gạo đó”, và thêm rằng “Gạo Campuchia sẽ tràn ngập thị trường Trung Quốc”.

Thiếu thống nhất về điều kiện nội địa khiến cartel xuất khẩu gạo Asean khó được thực hiện

Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái lan (TRAI) cho biết không khả thi để Hiệp hộị các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hợp tác xây dựng một cartel xuất khẩu gạo trong khu vực.

Năm thành viên Asean (Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar) đã bàn tới một đề xuất xây dựng một liên minh có thể giúp ổn định giá gạo trong khu vực. Đề xuất này được ủng hộ nhiệt tình nhất bởi Thái Lan - quốc gia tin rằng việc hợp tác với các nước khác trong khu vực sẽ giúp các quốc gia này duy trì giá gạo ổn định ngay cả khi có sự biến động về lượng cung.

Thái Lan, Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực để xuất khẩu năm nay đạt được con số như năm ngoái, khi giá trong quý I duy trì ở mức thấp bởi nguồn cung gia tăng từ Ấn Độ.

Tuần trước, các nước đã thảo luận một lần nữa về đề xuất, và các đại chiện cho biết sẽ tiến hành hợp tác sau khi tiến hành các cuộc đàm phán song phương giữa Thái Lan và các thành viên khác. Tuy nhiên, một một quan chức của TRAI cho biết các cuộc đàm phán như vậy chưa chắc sẽ biến thành hành dộng vì động cơ mang tính chính trị và thiếu thực tế.

Ông nói rằng các điều kiện ở mỗi địa phương trong năm thành viên rất khác nhau nên một chiến lược thống nhất cho các nước là khó thực hiện. Ông trích dẫn thực tế Việt Nam còn thiếu kho lưu trữ nên buộc phải bán gạo ngay cả khi giá thấp, trong khi Thái Lan có đủ cả kho trữ và vốn cho phép chờ đợi giá tăng rồi mưói bán. "Sự hợp tác là không khả thi”, ông này cho biết.

(T.H tổng hợp)