menu search
Đóng menu
Đóng

Thu hút vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Thanh Hoá

09:11 08/09/2008
Thanh Hóa là một tỉnh lớn, tiềm năng về đất đai, lao động trong sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, phong phú. Khi công nghiệp mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, nông nghiệp Thanh Hóa đã và sẽ còn đóng vai trò nền tảng trong thời gian rất dài. Do đó, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp chính là bước đi đúng nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế về đất đai, lao động của tỉnh.
Kinh tế nông nghiệp Thanh Hóa chiếm tỷ trọng 28,4% cơ cấu tổng giá trị các ngành kinh tế của tỉnh năm 2007. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm qua, nguồn vốn cũng như chính sách đầu tư vào các ngành kinh tế của tỉnh vẫn còn mất cân đối.
Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào các ngành như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại, vv... trong khi đó, nông nghiệp là một ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế thì việc thu hút vốn đầu tư lại rất thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2001 - 2007 của tỉnh đạt khoảng 40.572 tỷ đồng (bình quân 5.796 tỷ đồng/năm), nhưng trong đó vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp chỉ đạt khoảng 2.455 tỷ đồng (chiếm 6%). Nguồn vốn đầu tư ít ỏi này lại chủ yếu từ vốn ngân sách Nhà nước, huy động từ dân cư và một số thành phần kinh tế  khác; vốn tín dụng và đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng rất thấp (khoảng 4 - 5% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp).
Đến thời điểm này, nguồn vốn FDI tại Thanh Hóa chỉ có 1 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Như vậy, thu hút đầu tư cho nông nghiệp ở Thanh Hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như đóng góp của ngành nông nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu do đặc thù của sản xuất nông nghiệp là diễn ra hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Hàng năm, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro bất khả kháng về thiên tai, dịch bệnh, gây tổn thất lớn. Mặt khác, đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận không cao, thu hồi vốn đầu tư chậm. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Những lý do trên thường làm nản lòng các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chiến lược trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chiến lược thu hút FDI dài hạn. Các chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua cũng chưa thực sự đủ mạnh và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 bình quân là 5,5% như quy hoạch phát triển của tỉnh thì tổng vốn đầu tư giai đoạn này phải đạt 29.864 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tỉnh cần hoàn chỉnh quy hoạch để thu hút nguồn vốn và làm yên lòng các nhà đầu tư. Khẩn trương hoàn thành và trình duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển lâm nghiệp, quy hoạch hệ thống thủy lợi, đê điều đến năm 2020. Thực hiện công khai quy hoạch để các thành phần kinh tế, nhân dân biết và thực hiện theo quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án phát triển nông nghiệp. Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư đủ mạnh và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để thu hút vốn đầu tư thành công, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đáp ứng yêu cầu chính đáng của các nhà đầu tư chính là bước đi không thể thiếu. Do vậy cần tăng cường thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng và ban hành quy định về trình tự thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút dự án đầu tư; kiên quyết xử lý nghiêm khắc những trường hợp sách nhiễu, cửa quyền, tiêu cực, vô trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến hoạt động đầu tư.
Cuối cùng, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp cũng chính là sức hút không nhỏ đối với các nhà đầu tư. Do đó cần có kế hoạch và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia, trí thức công tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Phải có những chính sách quan tâm, hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nông dân - những người trực tiếp đóng vai trò chủ chốt và quyết định quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đào tạo cán bộ và lao động nông nghiệp có trình độ, kỹ thuật cao, đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư. Qua đó, nghiên cứu hình thành quỹ đào tạo nghề cho công tác đào tạo lao động nông nghiệp.
Thanh Hóa là một tỉnh lớn, tiềm năng về đất đai, lao động trong sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, phong phú. Khi công nghiệp mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, nông nghiệp Thanh Hóa đã và sẽ còn đóng vai trò nền tảng trong thời gian rất dài. Do đó, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp chính là bước đi đúng nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế về đất đai, lao động của tỉnh.
(TTXTTM Thanh Hoá)
 

Nguồn:Vinanet