menu search
Đóng menu
Đóng

Tiêu điểm thị trường hàng hóa ngày 6/5/2015

15:03 06/05/2015
Giá chanh không hạt tăng cao.Mía tím giá giảm mạnh. Xuất khẩu gạo qua biên giới Lào Cai được khôi phục...

Giá chanh không hạt tăng cao.Mía tím giá giảm mạnh. Xuất khẩu gạo qua biên giới Lào Cai được khôi phục...
Giá chanh không hạt tăng cao

Khoảng gần một tuần gần đây, giá chanh không hạt tại Châu Thành, Hậu Giang tăng mạnh, nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Hiện mức giá thu mua tại vườn dao động từ 30.000-33.000đ/kg, tăng từ 5.000-6.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

Theo các thương lái, hiện cần thu mua hơn 20 tấn chanh/tuần để cung cấp cho các thị trường lớn trong nước như TP.HCM, Hà Nội và XK sang Thái Lan và Campuchia, nhưng không tìm đủ nguồn hàng, buộc phải giảm lượng cung cho khách hàng. Bởi hiện vườn chanh đang vào mùa trái vụ, sản lượng quả giảm, trong khi đó nhu cầu thị trường tăng mạnh, nhất là vào mùa nắng nóng, dịp lễ.

Mía tím giá giảm mạnh

Thời điểm này những năm trước mía tím trên địa bàn huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã được thương lái mua hết. Thời gian đó, cây mía tím được mùa, được giá đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, vào thời điểm này mía tím bất ngờ rớt giá “không phanh” khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng và người trồng mía rơi vào cảnh để lại thì không được mà bán cũng không xong.

Hiện giá bán trung bình chỉ từ 7.000 – 8.000 đ/cây, một gia đình trồng mía tại Tân Lạc (Hòa Bình) cho biết.

Cây mía là một trong những cây trồng “chủ lực” của huyện Tân Lạc thời gian qua. Niên vụ này, toàn huyện trồng với tổng diện tích là 1.890 ha, trong đó có 1.200 ha cây mía tím, còn lại là cây mía trắng. Qua khảo sát từ các địa phương hiện nay giá mía tím đang xuống thấp, giảm chỉ còn 30% đến 50% so với mọi năm.

Tình trạng mía đến vụ thu hoạch không bán được hoặc bán giá thấp đang khiến nhiều gia đình điêu đứng. Bởi vì theo thống kê, nếu muốn trồng mía có lãi, mỗi cây phải được bán với giá từ 4.000 đến 5.000 đồng; nhưng với giá thương lái mua như hiện nay là 2.000 đồng/cây thì người nông dân chỉ có lỗ, may mắn thì hòa chứ chẳng dám mong có lãi.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc cho biết, nguyên nhân dẫn đến giá mía giảm có khả năng là do diện tích trồng trong huyện Tân Lạc và các huyện khác của tỉnh Hòa Bình tăng đột biến, trong khi nhu cầu sử dụng cây mía tím giảm. Ngoài ra, cũng do thời tiết năm nay có diễn biến phức tạp làm giảm chất lượng của mía.

Bạc Liêu: Tôm chết hàng loạt

Thời tiết nắng nóng bất thường trên diện rộng tại Bạc Liêu đã làm thiệt hại gần 3.000 ha nuôi tôm; trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% chiếm hơn 2.400 ha, chủ yếu ở mô hình nuôi công nghiệp.

Việc tôm chết trên diện rộng trong thời gian qua ở vùng Nam Quốc lộ 1 đã tạo tâm lý lo lắng cho người nuôi. Vì vậy, bà con chưa dám thả nuôi mới nên diện tích khắc phục hiện vẫn dừng ở con số khoảng 1.000 ha.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do con giống tôm bị nhiễm bệnh, người mua không kiểm tra mầm bệnh kỹ trước khi thả nuôi nên dẫn đến thiệt hại đáng tiếc.

Xuất khẩu gạo qua biên giới Lào Cai được khôi phục

Theo Sở Công thương tỉnh Lào Cai, khoảng 1 tuần trở lại đây, việc xuất khẩu gạo qua tuyến biên giới của tỉnh đã bắt đầu được khai thông.

Trung bình mỗi ngày các doanh nghiệp xuất được khoảng 500 – 600 tấn. Tình trạng xe tải vận chuyển gạo ùn tứ tại khu vực biên giới đã giảm bớt.

Đến thời điểm hiện tại, lượng gạo còn tồn tại các kho bãi giảm xuống còn khoảng 12.000 tấn và sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới. Bà Nguyễn Thị Nhẫn, Giám đốc Công ty TNHH Nhẫn Hồng Ngọc Việt cho biết, thời gian gần đây mặt hàng gạo xuất đi túc tắc mỗi ngày cũng được vài trăm tấn. Xuất khẩu gạo đã bớt ùn tắc hơn.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang cấp phép cho tổng cộng 8 doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua biên giới với Trung Quốc bằng hai đường: Cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát và khu vực thí điểm xuất khẩu gạo tại thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng.

Trước đó, trong tháng 4/2015, do các chủ hàng phía Trung Quốc không nhập gạo dẫn đến trên 30.000 tấn gạo bị ùn ứ không xuất đi được trong nhiều ngày, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu cá ngừ có thể tiếp tục giảm trong quý II

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Tiếp nối đà sụt giảm từ đầu năm đến nay, trong quý II, dự kiến giá trị xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 123 triệu USD.

Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 104,3 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do giá cá ngừ thế giới giảm mạnh xuống dưới 1.000 USD/tấn trong khi sản lượng khai thác tất cả cá ngừ toàn cầu tăng, đồng Yên và EUR mất giá trong khi USD tăng giá và nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu giảm.

Trong quý I, Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang 85 thị trường, tăng 10 thị trường so với cùng kỳ năm 2014. Top 8 thị trường lớn gồm: Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Israel, Mexico, Canada và Nga, chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của cá ngừ Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong quý I giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 38 triệu USD. Cá ngừ (thuộc HS 0304) và cá ngừ đóng hộp (thuộc HS 16) là 2 dạng xuất khẩu có giá trị lớn nhất sang thị trường Mỹ….

VASEP dự kiến, trong quý II, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU và Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm do tỷ giá đồng EUR và đồng Yên so với đồng USD tiếp tục mất giá. Các nhà nhập khẩu tại EU và Nhật Bản gặp nhiều khó khăn về sự biến động tỷ giá này.

Tính chung cả quý II, dự kiến giá trị xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 123 triệu USD.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn Nông nghiệp Việt Nam, Báo Nhân dân, Vietnamplus.vn, VOV, Báo Hải quan

Nguồn:Vinanet