menu search
Đóng menu
Đóng

Tôm xuất khẩu khó cạnh tranh với Ấn Độ

09:47 24/04/2015
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng nếu doanh nghiệp không hạ được giá bán xuống thì xuất khẩu tôm rất khó có thể cạnh tranh, nhất là đối với Ấn Độ - quốc gia đang trúng mùa tôm.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng nếu doanh nghiệp không hạ được giá bán xuống thì xuất khẩu tôm rất khó có thể cạnh tranh, nhất là đối với Ấn Độ - quốc gia đang trúng mùa tôm.

VASEP dẫn thống kê của Trung tâm thương mại thế giới cho biết giá tôm bình quân nhập khẩu vào Mỹ năm 2014 đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm qua với 13 đô la Mỹ/kg và khoảng cách về giá bán giữa ba nguồn cung lớn, gồm Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam là không đáng kể.

Tuy nhiên, theo VASEP, bước sang tháng 1-2015, giá trung bình tôm xuất khẩu vào Mỹ của Ấn Độ đã giảm xuống chỉ còn 11 đô la Mỹ/kg, từ mức 13 đô la Mỹ/kg của năm 2014. Trong khi đó, giá tôm Việt Nam bán vào thị trường này trong cùng thời gian như trên vẫn duy trì ở mức 13 đô la Mỹ/kg, tức không đổi so với mức giá bình quân của năm 2014.

Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú - đơn vị xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam hiện nay - cho biết Ấn Độ và một số nước có nguồn nguyên liệu dồi dào (do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp- EMS được kiểm soát tốt), giá nguyên liệu giảm (nguyên liệu chiếm 60-70% giá thành chế biến tôm xuất khẩu) nên giá bán cũng giảm theo. Trong khi đó, giá nguyên liệu trong nước vẫn cao nên đầu ra không cạnh tranh được.

Với những phân tích như trên, rõ ràng cho thấy khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu tôm của Việt Nam kém hơn rất nhiều so với Ấn Độ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, giá tôm nguyên liệu trong nước đã sụt giảm khá mạnh, cho nên hoàn toàn có khả năng kéo giá thành xuống, chứ không như một số thông tin đã nêu.

Cụ thể, thống kê của Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường (Agromonitor), cho thấy giá tôm thẻ chân trắng trong nửa đầu tháng 12-2014 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), loại 90 con/kg dao động ở mức 98.000-100.000 đồng/kg và tăng lên mức 103.000-105.000 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 12-2014.

Đối với tôm sú, vào thời điểm cuối tháng 12-2014, tại Cà Mau có giá 170.000 đồng/kg đối với loại 40 con/kg; 220.000 đồng/kg đối với loại 30 con/kg và 280.000 đồng/kg đối với loại 20 con/kg.

Trong khi đó, theo chuyên trang thủy sản tepbac.com, hiện nay tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg có giá chỉ còn 76.000-80.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg chỉ còn 250.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 170.000 đồng/kg và 40 con/kg chỉ 145.000 đồng/kg.

Như vậy, khi so sánh giá tôm nguyên liệu vào thời điểm cuối năm ngoái và hiện tại, cho thấy đã có sự sụt giảm khá mạnh, khoảng 20.000-30.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng và 25.000-50.000 đồng/kg đối với tôm sú (tùy loại).

Nếu giá nguyên liệu đã có sự sụt giảm mạnh, vậy tại sao giá xuất khẩu tôm lại không giảm?

Lý giải nguyên nhân này, một nguồn tin không muốn nêu tên, cho rằng do nguồn hàng được doanh nghiệp sử dụng để xuất khẩu là lượng tôm tồn kho của năm ngoái chuyển sang nên có giá thành cao. Trong khi đó, Ấn Độ vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng tăng, giá nguyên liệu lại sụt giảm nên chiếm ưu thế hơn.

Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy sản lượng tôm đã thu hoạch ở nhiều địa phương trọng điểm của ĐBSCL trong những tháng đầu năm 2015 vẫn còn rất ít do đang ở vụ nghịch, chẳng hạn Cà Mau chỉ mới thu hoạch được khoảng 29.900 tấn; Bạc Liêu trên 6.980 tấn; Bến Tre 1.500 tấn…

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, khuyến cáo trong bối cảnh thị trường nhập khẩu đang yếu và số lô hàng bị Mỹ trả về có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu để tạo niềm tin đối với các nhà nhập khẩu, đẩy mạnh bán ra thời gian tới.

Nguồn: nongnghiep.vn

Nguồn:Báo nông nghiệp Việt nam