menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2008 tại tỉnh Vĩnh Phúc

11:04 13/10/2008
Tình hình KT-XH 9 tháng năm 2008, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ổn định và tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp vụ mùa khả năng đạt kế hoạch năm. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng. Công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào địa bàn đạt kết quả khá. Các ngành dịch vụ phát triển ổn định. Thu ngân sách đạt cao, đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển....

Chín tháng đầu năm 2008, trong điều kiện cả nước có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến sản xuất và đời sống xã hội như thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi, giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng cao, xảy ra nhiều cuộc đình công, lãn công của công nhân… nhưng tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp vụ mùa khả năng đạt kế hoạch năm. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng. Công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào địa bàn đạt kết quả khá. Các ngành dịch vụ phát triển ổn định. Thu ngân sách đạt cao, đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Lạm phát, giá cả hàng hoá và dịch vụ được kiềm chế và giảm dần trong những tháng gần đây.

Trên cơ sở kết quả đạt được của 9 tháng đầu năm, dự báo khả năng SXKD quý IV/2008, ước tính năm 2008 tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tăng 19,91%; trong đó kinh tế Nhà nước tăng 10,52%, kinh tế ngoài Nhà nước tăng 10,95%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 32,07%; khu vực I (nông nghiệp) tăng 6,89%, khu vực II (công nghiệp) tăng 27,49%, khu vực III (dịch vụ) tăng 15,04%. Năm 2008 dự báo cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Nông nghiệp 17,11%, công nghiệp 59,75% và dịch vụ 23,15%. Tình hình cụ thể các ngành, lĩnh vực chủ yếu tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2008 như sau:

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:

Vụ mùa năm 2008, thời tiết tương đối thuận, tuy có mưa bão gây ngập úng và sâu bệnh song mức độ thiệt hại thấp. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 32,9 nghìn ha, giảm 2,84% so cùng kỳ, nguyên nhân giảm chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Năng suất lúa dự kiến đạt 48,44 tạ/ha, giảm 2,41% (bằng 99,96% KH), ngô đạt 40,87 tạ/ha, tăng 2,7%; rau các loại 154,27 tạ/ha, giảm 3,08%; đậu tương 16,6 tạ/ha, tăng 3,41%; lạc 15,68 tạ/ha, tăng 7,47% so vụ mùa 2008… Sản lượng lúa đạt 136,4 nghìn tấn, giảm 3,75% (bằng 98,76% KH vụ); ngô 3.122,1 tấn, giảm 16,67%; rau các loại 19,7 nghìn tấn, tăng 10,18%; đậu tượng 2.092,7 tấn, tăng 9,7%; lạc 887,6 tấn, tăng 23,95% so vụ mùa 2008… Kết quả sản xuất trồng trọt cả năm 2008 sơ bộ  như sau: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 100,9 nghìn ha, tăng 6,84% so năm 2008. Nguyên nhân tăng chủ yếu là diện tích cây vụ đông xuân 2008 giảm do mưa đá làm mất trắng trên 6 nghìn ha rau màu. Diện tích cây lương thực có hạt 76,5 nghìn ha, tăng 5,73%; trong đó cây lúa gần 38 ngìn ha đạt 103,353% KH và giảm 1,61%; ngô 18,5 nghìn ha đạt 129,36% KH và tăng 37,95% so năm trước. Năng suất lúa cả năm đạt 52,01tạ/ha bằng 104,93% so KH và tăng 13,69%; ngô 39,74 tạ/ha, tăng 13,99%; sắn 105,66 tạ/ha, tăng 3,5%; rau các loại 172,09 tạ/ha, tăng 2,88%; đậu tương 16,59 tạ/ha, tăng 14,25%; lạc 17,89 tạ/ha, tăng 9,88% so năm trước… Sản lượng cây lương thực có hạt đạt 375,1 nghìn tấn, tăng 18,57% so năm 2008; trong đó thóc 301,6 nghìn tấn đạt 108,43% KH và tăng 11,86%, ngô 73,5 nghìn tấn đạt 135,48% KH và tăng 57,25%. Sản lượng các loại cây trồng khác: sắn 23,9 nghìn ha tăng 3,11%; rau các loại 10,2 nghìn tấn, tăng 8,42%; đậu tương 10,3 nghìn tấn, tăng 75,2%; lạc 8,2 nghìn tấn, tăng 29,36% so năm trước.

Kết quả chăn nuôi

Năm 2008, dịch bệnh GSGC cơ bản được khống chế, ít tái phát nên sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giữ được ổn định, đàn gia súc giảm nhẹ, đàn gia cầm tăng khá. Song do giá thức ăn, con giống tăng cao nên người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Kết quả sản xuất chăn nuôi năm 2008: Đàn trâu 24,7 nghìn con, giảm 3,74%; đàn bò 142,8 nghìn con, giảm 4,31%; đàn lợn không tính lợn sữa 480 nghìn con, tăng 3,6%; đàn gia cầm 6,7 triệu con, tăng 0,03% so thời điểm 1-8-2008. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 71,5 nghìn tấn, tăng 5,13%, trong đó thịt lợn đạt trên 50 nghìn tấn, tăng 1,77%. Một số hộ gia đình thực hiện nuôi nhím, rắn, ếch lồng… đã đem lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2008, diện tích rừng tập trung dự kiến đạt 940ha đạt 122,9% KH năm và tăng 42% so năm 2008, trong đó rừng trồng dự án 661 đạt 780ha đạt 126,8% KH và tăng 55,7%. Phong trào trồng cây phân tán tiếp tục được duy trì, song do quỹ đất giảm nên dự kiến cả năm trồng được trên 131,3 nghìn cây, giảm 1,5% so năm trước. Công tác bảo vệ và chăm sóc rừng được thực hiện thường xuyên; diện tích rừng được chăm sóc 1.595,1ha đạt 84% KH và giảm 15%, diện tích rừng được chăm sóc 11,2 nghìn ha đạt 93,7% KH và giảm 3,2% so năm 2008. Công tác quản lý khai thác lâm sản được tăng cường, không xảy ra khai thác rừng trái phép trên địa bàn, cả năm dự kiến khai thác 25,7 nghìn m3 gỗ, tăng 6,6% và gần 49 nghìn ste củi, tăng 0,2% so năm trước.

Năm 2008, sản xuất thuỷ sản trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được ổn định và phát triển. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5,7 nghìn ha, tăng 0,1% so năm 2008; trong đó nuôi cá 5,6 nghìn ha chiếm 97,4%. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cả năm dự kiến đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 9,1%; sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 1,37 nghìn tấn, giảm 1,4%, trong đó cá 188 tấn, tăng 2,2%, tôm 150,4 tấn, giảm 13,6% so năm trước. Sản xuất giống thuỷ sản đạt kết quả khá, dự kiến cả năm diện tích ươm nuôi đạt 146,2ha, tăng 1,25%; sản xuất được 2.350,3 triệu con cá giống các loại, tăng 27,2% so năm 2008.

Về sản xuất công nghiệp, đầu tư xây dựng:

Dự kiến 9 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo giá CĐ 1994 (không tính công nghiệp do ANQP, điện lực quản lý và 1 số chi nhánh doanh nghiệp) đạt 25.080,5 tỷ đồng, tăng 33,32% so cùng kỳ. Trong đó kinh tế Nhà nước thực hiện 378,3 tỷ, giảm 11,51%; ngoài Nhà nước 2.796,2 tỷ, tăng 22,05% và khu vực FDI 21.906,1 tỷ, tăng 36,12%. Sản xuất công nhgiệp trên địa bàn tăng do có thêm nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất ổn định, một số dự án tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Nổi lên như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty cổ phần Prime Group… Sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng so cùng kỳ, nhất là sản phẩm của khu vực FDI: ôtô từ 4 đến 14 chỗ 26,6 nghìn chiếc, tăng 72,22%; ôtô từ 15 đến 30 chỗ gần 1,2 nghìn chiếc, tăng 81,18%; xe máy 1.040 nghìn chiếc, tăng 16,12%...

Năm 2008, ước tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo giá CĐ 1994 (không tính công nghiệp do ANQP, điện lực quản lý và 1 số chi nhánh doanh nghiệp) đạt 34.262,9 tỷ đồng, tăng 28,54% so năm 2008. Trong đó kinh tế Nhà nước thực hiện đạt 507 tỷ, giảm 14,72%; kinh tế ngoài Nhà nước 3.788,4 tỷ, tăng 22,22% và khu vực FDI 29.967,6 tỷ, tăng 30,51%.

Chín tháng đầu năm 2008, thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý dự kiến đạt 643,1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thuộc ngân sách Trung ương thực hiện đạt trên 85 tỷ, chiếm 13,22%; vốn ngân sách địa phương 547,8 tỷ đồng, chiếm 85,18% tổng số. Năm 2008, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý đạt 913,4 tỷ; trong đó vốn ngân sách địa phương chiếm 87,9%.

Chín tháng đầu năm, ước giá trị sản xuất ngành xây dựng địa phương quản lý đạt 1.796,3 tỷ đồng; trong đó các doanh nghiệp Nhà nước địa phương thực hiện 17,97 tỷ; doanh nghiệp tư nhân 1.358,4 tỷ; kinh tế cá thể 420 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2008, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 2.368,9 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp vào tỉnh: Chín tháng đầu năm toàn tỉnh đã thu hút được 103 dự án DDI với tổng vốn đăng ký trên 5,77 nghìn tỷ đồng, tăng 135% về dự án, 190% về vốn đăng ký; 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 275,2 triệu USD, tăng 81,8% về dự án, 54,9% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Luỹ kế đến hết tháng 9-2008 toàn tỉnh có 335 dự án còn hiệu lực, trong đó 240 dự án DDI vốn đăng ký trên 15,022 nghìn tỷ VN đồng, 95 dự án FDI vốn đăng ký 1.720,5 triệu USD.

Các ngành dịch vụ chủ yếu:

Chín tháng đầu năm 2008, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển. Sản lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 8,7 triệu tấn, bằng 618,7 triệu tấn km; so cùng kỳ tăng 23,97% về tấn và tăng 52,44% về tấn km. Vận tải hành khách dự kiến đạt 10,2 triệu lượt hành khách, bằng 987,3 triệu hành khách km, so cùng kỳ tăng 85,25% về hành khách và tăng 60,14% về hành khách km. Tổng doanh thu vận tải 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 464,3 tỷ đồng, tăng 24,55% so cùng kỳ.

Chín tháng đầu năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự kiến đạt 7.452,1 tỷ đồng, tăng 51,24% so cùng kỳ; trong đó kinh tế Nhà nước thực hiện 49,5 tỷ 79,77%, kinh tế cá thể 5.348,5 tỷ, tăng 62,18% và kinh tế tư nhân 2.028,5 tỷ, tăng 47,22%. Năm 2008, sơ bộ tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 10.061,1 tỷ đồng, tăng 56,8% so năm 2008. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên lãnh thổ dự kiến đạt 292,5 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may 138,8 triệu USD, chè 7,6 nghìn tấn, xe máy 26,5 triệu USD, phụ tùng ôtô trên 19 triệu USD… Tổng kim ngạch nhập khẩu trên lãnh thổ dự kiến đạt 1.033,1 triệu USD, tăng cao so cùng kỳ; trong đó riêng khu vực (FDI) có tổng trị giá hàng nhập đạt 988,7 triệu USD, chiếm 95,7%. Sơ bộ cả năm 2008, kim ngạch xuất khẩu trên lãnh thổ đạt 351,4 triệu USD, tăng 28,44% so năm 2008. Kim ngạch nhập khẩu cả năm 2008 đạt 1.294,1 triệu USD, tăng 35,99% so năm 2008, trong đó riêng khu vực (FDI) nhập 1.240,7 triệu USD, tăng 44,05%. Giá cả hàng hoá và dịch vụ vẫn có xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại trong những tháng gần đây. Tháng 9-2008, chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ tăng 0,41% so tháng trước, tăng 28,25% so cùng kỳ và tăng 21,88% so tháng 12 năm 2008.

Về tài chính, tín dụng, chín tháng đầu năm 2008, tổng thu ngân sách dự kiến đạt 8.439 tỷ đồng, tăng rất cao so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 2.533,3 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2008, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 10.444,7 tỷ, tăng 77,97% so năm 2008 và vượt 67% dự toán cả năm. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 6.609,5 tỷ, tăng 41,4% so năm 2008 và vượt 82,6% dự toán cả năm (dự toán cả năm tính cả huyện Mê Linh).

Đến hết ngày 31-8-2008, tổng vốn các ngân hàng trên địa bàn huy động được là 7.453,9 tỷ đồng, tăng 26,02% so đầu năm; tổng dư nợ 9.074,6 tỷ đồng, tăng 12,46% so đầu năm; trong đó dư nợ ngắn hạn 6.030,9 tỷ, tăng 14,16%; trung hạn và dài hạn 2.884,2 tỷ, tăng 10,84%.

(TTXT TM Vĩnh Phúc)

Nguồn:Vinanet