menu search
Đóng menu
Đóng

TP. Hồ Chí Minh: Một số loại thực phẩm tăng giá

09:17 22/07/2014
Hiện nay thị trường hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều biến động, đặc biệt là các ngành hàng thực phẩm bán buôn có xu hướng tăng giá mạnh.

Hiện nay thị trường hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều biến động, đặc biệt là các ngành hàng thực phẩm bán buôn có xu hướng tăng giá mạnh.

Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Tân Định, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi cho thấy, các ngành hàng thực phẩm đã dần hình thành mặt bằng giá mới như: nước mắm tăng 5.000 – 10.000 đồng/thùng 6 chai, trứng vịt tăng 3.000 – 5.000 đồng/vỉ (10 quả)… Đặc biệt các mặt hàng thực phẩm tươi sống đang tiếp tục có xu hướng tăng giá cao hơn. Trong đó giá bán lẻ phổ biến của một số mặt hàng gồm: cải thảo 18.000 – 20.000 đồng/kg, khoai mỡ 15.000 đồng/kg, mướp đắng 25.000 đồng/kg; nghêu 50.000 đồng/kg, sò lông 40.000 đồng/kg; tôm bạc 120.000 đồng/kg, cá bạc má 80.000 đồng/kg, cá ngừ 60.000 đồng/kg...

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh: Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa giá xăng dầu chiếm tỷ lệ lớn trong việc xây dựng cơ cấu giá cước vận chuyển. Tuy nhiên giá xăng dầu điều chỉnh trong đợt vừa qua tăng 1,7% ở biên độ thấp nên chưa đủ điều kiện để điều chỉnh giá cước vận tải tăng theo, do đó, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, điển hình như taxi vẫn chưa có thông báo điều chỉnh giá cước.

Lý giải nguyên nhân giá cước của một số đơn vị vận tải tăng, ông Thái Văn Chung cho rằng: Hiện nay Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã và đang siết chặt khâu kiểm tra tải trọng xe, vì vậy khi doanh nghiệp vận tải chở hàng tuân thủ đúng quy định, không chở quá tải trọng như thời điểm truớc đó.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh chia sẻ: Những tuyến vận chuyển hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây, miền Trung, đặc biệt là những tuyến không có đường sắt phải vận chuyển bằng phương tiện ô tô giá cước vận tải tăng gấp đôi so với cuối năm 2013. Vì vậy, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chọn phương thức chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng cường giải pháp bán hàng để bù lỗ, riêng số còn lại buộc phải tăng giá thành sản phẩm và bắt đầu bán giá mới trong thời gian gần đây.

Nguồn: TTXVN

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam