menu search
Đóng menu
Đóng

Trái cây có múi được giá

16:15 21/09/2009
Nếu như nhiều nhà vườn trồng măng cụt, sầu riêng buồn vì được mùa nhưng mất giá do sức ép của trái cây ngoại nhập thì các nhà vườn trồng cây có múi (bưởi, cam, chanh), nhãn, xoài… lại đang “vui như Tết” vì “độc chiếm một sân”.

Tuy nhiên dù có nhiều loại trái cây được đánh giá là đặc sản, thơm ngon, nhưng do thiếu thông tin thị trường, định hướng sản xuất, thu hoạch, tiếp thị… nên tiềm năng này còn bị lãng phí, người sản xuất chịu thua thiệt.

Hiện bưởi và nhãn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong tình trạng “cầu vượt quá cung”. Nguyên nhân do diện tích nhãn ở nhiều tỉnh giảm mạnh, cộng với vụ nhãn miền Bắc mất mùa nên nhiều doanh nghiệp về tận nhà vườn “săn” để xuất khẩu nhưng cũng không có. Giá nhãn tại Bạc Liêu, Sóc Trăng…16.000 - 17.000 đ/kg (nhãn xuồng cơm vàng) tăng vọt lên 27.000 - 28.000 đồng; nhãn da bò cũng tăng bình quân 3.000 đồng mỗi kg.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit),  cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đang có những tín hiệu lạc quan. Còn theo nhận định của các doanh nghiệp thì hiện nhóm trái cây có múi (bưởi, cam, chanh) được giá vì ít chịu sức ép của những sản phẩm trái cây nhập ngoại.

Công ty  dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang cho biết, sự khởi sắc của thị trường trái cây chỉ  tập trung vào một số nhóm sản phẩm (đặc biệt là bưởi và nhãn), còn rau củ quả đông lạnh đã qua chế biến vẫn chưa có chuyển động nhiều. Thị trường này nhìn chung còn thiếu định hướng trong sản xuất, sản phẩm thu hoạch chủ yếu theo mùa vụ, mùa thu hoạch lại rất ngắn nên bị động về giá. Mặt khác, do hệ thống đóng gói sau thu hoạch còn yếu cũng khiến cho trái cây bị hư hỏng nhiều sau thu hoạch và trong quá trình vận chuyển.

Theo Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Viet GAP (chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt), hạn chế của những loại trái cây xuất khẩu hiện nay là chưa có một tiêu chuẩn đồng bộ được các nhà nhập khẩu công nhận. Trong khi đó, các nhà vườn lại chưa ý thức được ích lợi của việc xây dựng thương hiệu nên mặc dù có đủ sức cạnh tranh nhưng những sản phẩm này vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng dù có thế mạnh là có nhiều trái cây đặc sản nổi tiếng thơm, ngon nhưng nhiều năm qua xuất khẩu trái cây Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do nông dân, các HTX còn thiếu thông tin về thị trường, nhất là thông tin về số lượng, chất lượng hàng hóa, giá cả và sở thích của khách hàng. Từ đó,  không dự báo được loại trái cây nào thị trường cần, số lượng bao nhiêu và giá cả thế nào. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều loại trái cây hết khủng hoảng thừa lại sang khủng hoảng thiếu, khiến người nông dân khi phải bán đổ bán tháo, khi được giá lại không có hàng để bán.

Để khắc phục tình trạng này, người sản xuất, các địa phương và doanh nghiệp cần liên kết xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa lớn, đẩy mạnh việc đăng ký “lý lịch” cho trái cây.

Theo dự báo của Hiệp hội rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam năm 2009 sẽ đạt 400 - 450 triệu USD. Riêng với trái bưởi, các doanh nghiệp hiện nay xuất khẩu trung bình khoảng 300 - 400 tấn mỗi tháng.

 

 

Nguồn:Vinanet