menu search
Đóng menu
Đóng

Trở lực xuất khẩu năm 2010 của ngành dệt may

13:59 04/01/2010
Năm 2009, ngành dệt may đã đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Tuy nhiên, để nhanh chóng đón đầu một đợt tăng trưởng mới, ngành vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Nổi lên là vấn đề thiếu hụt lao động.

Trong báo cáo về tình hình thị trường dệt may năm 2009, triển vọng thị trường và các giải pháp năm 2010, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngoài những nỗi lo về thị trường xuất khẩu, những rào cản thương mại do các nước nhập khẩu dựng lên nhằm bảo hộ hàng sản xuất trong nước, trở lực lớn nhất của ngành dệt may năm 2010 là lao động.

Hiện nay, một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất đang xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ, nhưng tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp dệt may diễn ra quanh năm. Vì vậy, hầu hết nhu cầu tuyển dụng lao động tại rất nhiều doanh nghiệp lớn của ngành kể cả trong Nam, ngoài Bắc.

Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại  Mỹ (Amcham) tại Tp.HCM bày tỏ, những năm qua, với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, giá rẻ, ham học hỏi và có ý chí vươn lên, cùng chính sách đầu tư tốt, tình hình chính trị ổn định đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu được những thành công nhất định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang ngày càng giảm lợi thế cạnh tranh, khi giá nhân công đang nhích lên và năng suất lao động lại đang giảm dần. Theo ông, năng suất lao động Việt Nam hiện chỉ ở 70% đến 80% so với Trung Quốc. Thêm vào đó, lực lượng lao động Việt Nam có ý thức chưa cao trong việc tuân thủ quy trình pháp lý… Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang để ý đến thị trường Indonesia nhằm thay thế cho Việt Nam. Mặc dù giá nhân công của hai nước gần như bằng nhau, nhưng Indonesia có lực lượng lao động ổn định, năng suất lao động cao và giá đất thấp hơn.

Trước thực trạng bất ổn về lao động, ngành dệt may đã đề ra một số giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2010. Theo đó, Vitas đang thực hiện thí điểm mô hình  đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với đại diện người lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà tại TPHCM, làm cơ sở nhân rộng ra các khu vực khác, nhằm từng bước ổn định vấn đề lao động cho ngành. Đồng thời, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chiến lược di dời cá cơ sở sản xuất dệt may về các thị tứ và vùng nông thôn, để giải bài toán thiếu hụt lao động và chi phí tăng nhanh.

 

Nguồn:Vinanet