menu search
Đóng menu
Đóng

TT rau, quả tuần tới 22/5: Giá vải thiều ở mức cao, dâu bòn bon và xoài giảm

15:32 22/05/2015

Khánh Hòa: Xoài mất mùa do nắng hạn. Vải đầu mùa: mỗi nơi một giá. Giá dâu bòn bon giảm xuống còn 2.000 – 2.500 đ/kg

Khánh Hòa: Xoài mất mùa do nắng hạn. Vải đầu mùa: giá ở mức cao. Giá dâu bòn bon giảm xuống còn 2.000 – 2.500 đ/kg

Vải đầu mùa: giá ở mức cao

Nửa đầu tháng 6 mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, song thời điểm này tại chợ, quầy hàng hoa quả trên các tuyến đường Hà Nội, vải được bày bán với nhiều mức khác nhau.

Tiểu thương tại chợ Sáng (phường Đại Mỗ, Nam từ Liêm) cho biết, trong số mặt hàng bán chạy thì vải được khá nhiều khách lựa chọn, với giá bán 50.000 đ/kg là rẻ nhất tại chợ.

Theo lý giải của tiểu thương, do có nhiều loại từ các vùng trồng khác nhau nên giá cũng khác nhau, giá vải dao động quanh mức 45.000 – 60.000 đ/kg.

Tại một số chợ khu vực Cầu Giấy như Nhà Xanh, Nghĩa Tân... mức giá bán được niêm yết là 70.000 đồng mỗi kg.

Tại một số ki ốt hoa quả bên ngoài chợ Cống Vị, Ngọc Hà, Thành Công..., vải được bán với giá 75.000-80.000 đồng một kg.

Theo một số nông dân trồng vải tại Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang), cuối tháng 5, giống vải u trứng của địa phương mới bắt đầu thu hoạch. Thông thường giá bán lẻ từ 30.000 đến 35.000 đồng một kg, với giống vải chua (thường gọi tu hú) do chất lượng quả kém hơn nên giá bán thậm chí chỉ 10.000-15.000 đồng một kg.

Vừa qua, ngày 21/5 lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc tại tỉnh biên giới Lạng Sơn, nhằm tìm đầu ra ổn định cho vải thiều trước khi vào chính vụ thu hoạch

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay, tổng sản lượng vải thiều của địa phương ước đạt 160 nghìn tấn quả tươi; xuất khẩu khoảng 64.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc, qua cửa khẩu Lạng Sơn. Vẫn như mọi năm, Bắc Giang chú trọng đến thị trường lớn, truyền thống là Trung Quốc. Tỉnh Bắc Giang năm nay cũng mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá vải thiều; đồng thời, thống nhất giữa các doanh nghiệp, hộ trồng vải về sản lượng, chất lượng, giá cả, tránh hiện tượng “được mùa rớt giá” như mọi năm.

Trồng cam thu lợi nhuận cao

Diện tích trồng cam toàn xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tăng mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm tiếp tục khai thác loại cây trồng tiềm năng này, các hộ nông dân nơi đây từng bước sản xuất cam theo hướng an toàn.

Qua thống kê từ UBND xã Tân Khánh Trung, hiện nay diện tích canh tác cây cam trên địa bàn lên đến khoảng 150ha. Trong đó, tập trung các loại cam sành, cam dây và cam xoàn. Hàng năm, sản lượng cung ứng cho thị trường trên 3.000 tấn trái. Phần lớn tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối và thị trường Campuchia.

Xét về yếu tố kinh tế, đây là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Bình quân cam dây có giá từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, cam soàn từ 28.000 - 40.000 đồng/kg, cam sành 10.000 đồng, với mỗi công đất trồng cam, nông dân có lãi từ 20 triệu - 40 triệu đồng.

Cần Thơ: giá dâu bòn bon giảm xuống còn 2.000 – 2.500 đ/kg

Hiện ở Cần Thơ đang vào mua thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp nên giá dâu bòn bon đã giảm xuống mức thấp và nhiều nhà vườn gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Cách đây 1 tuần, giá dâu bòn bon tại huyện Phong Điền (Tp Cần Thơ) nhà vườn bán cho thương lái và các vựa trái cây từ 7.000 – 8.000 đ/kg. Hiện nay, giá bán dâu tại vườn chỉ còn 2.000 đ/kg, nhưng cũng không mấy người mua. Nhiều vựa trái cây tại huyện Phong Điền thu mua dâu bòn bon tại vựa khoảng 2.500 đồng/kg nhưng số lượng thu mua tại mỗi vựa cũng rất hạn chế, chỉ khoảng 1-2 tấn/ngày.

Dâu bòn bon chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Campuchia. Nhưng năm nay, đầu ra sản phẩm này rất chậm do "đụng hàng" với các loại trái cây giá rẻ của nước bạn, nhất là xoài keo. Hơn nữa, dâu bòn bon ăn không ngọt bằng dâu xanh nên người tiêu dùng ít chuộng. Hiện dâu xanh của Phong Điền cũng đang bước vào mùa thu hoạch rộ, giá bán tại vườn và các vựa trái cây chỉ ở mức 5.000 - 6.000 đồng/kg. Mặt khác, những năm trước đây, thấy cây dâu bòn bon và dâu xanh dễ trồng và đầu ra sản phẩm thuận lợi, nhiều nhà vườn đã đổ xô trồng làm cung có dấu hiệu vượt cầu. Ngoài ra, các loại dâu bòn bon và dâu xanh chủ yếu tiêu thụ dạng thô chưa qua chế biến nên có thời gian bảo quản chưa được lâu.

Khánh Hòa: Xoài mất mùa do nắng hạn

Vụ xoài canh nông năm nay tại tỉnh Khánh Hòa giá bán rất thấp, thậm chí không có người mua. Một người trồng xoài có thâm niên cho biết, nguyên nhân do nắng hạn làm các vườn xoài đậu trái lơ thơ, nhỏ như quả trứng gà. Đã mất mùa, giá lại thấp hiện chỉ dao động từ 1.000 – 2.000 đ/kg, thậm chí vựa xoài chẳng thèm thu mua.

Phó Chủ tịch xã Cam Hải Tây cho biết, trong số gần 1.000 ha, thì khoảng 2/3 diện tích xoài của địa phương là giống xoài canh nông. Do nắng hạn nên vụ xoài năm nay nông dân lại mất mùa, năng suất chỉ đạt từ 1-1,5 tấn/ha (thấp nhiều so với mọi năm). Đây cũng là tình trạng chung của các vườn xoài canh nông ở các xã lân cận.

Ngược với xoài canh nông, xoài Úc năm nay dù cũng chịu tác động của hạn hán khiến năng suất giảm, chỉ còn 5-6 tấn/ha, song nhờ giá xoài thu mua ổn định, hút hàng, nên các vườn vẫn có thu nhập cao.

Hiện nay rất nhiều vựa trước kia thu mua xoài canh nông, nay đồng loạt chuyển sang thu mua xoài Úc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá xoài Úc hiện có giá từ 45-60 ngàn đồng/kg.

Ưu điểm giống xoài này có sức chịu hạn tốt, kháng sâu bệnh cao; trái to từ 0,5-1,5kg, hình dáng tròn như trái táo tây, màu xanh pha hồng đỏ, khi chín màu vàng tươi, hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt, thịt vàng, chắc, ngon và rất ít xơ. Trồng sau 3 năm bắt đầu cho trái và từ năm thứ 5 trở đi là cho thu hoạch ổn định với năng suất từ 8-10 tấn/ha. Giá thu mua chỉ cần từ 30.000 - 35.000 đồng/kg là đã lãi hàng trăm triệu đồng/ha.

Do xoài Úc có giá nên hiện nay nhiều nhà vườn ồ ạt chuyển sang trồng giống xoài này, bằng cách cấy ghép như xã Cam Hải Tây. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân tạm dừng chuyển đổi vì lo không kiểm soát nổi. Mặt khác, khi sản lượng xoài Úc tăng đột biến sẽ phá vỡ thị trường.

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/Tintucnongnghiep.com

Nguồn:Vinanet