menu search
Đóng menu
Đóng

Vàng quý 3 tăng mạnh mặc dù tháng 9 giảm thê thảm nhất 3 năm

21:07 30/09/2011

Giá vàng tháng 9 đã sụt giảm trên 10%, là tháng mất điểm tệ hại nhất kể từ tháng 10/2008, nhưng quý 3 vẫn là quý tăng giá mạnh nhất trong năm nay.
  
  

(VINANET) – Giá vàng tháng 9 đã sụt giảm trên 10%, là tháng mất điểm tệ hại nhất kể từ tháng 10/2008, nhưng quý 3 vẫn là quý tăng giá mạnh nhất trong năm nay.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/9 trên thị trường châu Á, giá vàng tăng trên 1% so với phiên trước đó, song giá vàng vẫn đang hướng tới tháng có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2008 - thời điểm vàng lao dốc 17% sau sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers.

Động thái đẩy giá vàng tăng trong quý được cho chủ yếu là bởi khủng hoảng nợ châu Âu đi vào bế tắc khiến giới đầu tư từ bỏ thị trường chứng khoán cũng như đồng euro để hướng vào vàng, nhằm bảo toàn vốn.

Tháng 8 giá vàng đã tăng rất nhanh, phản ánh tình trạng bất ổn ngày càng tăng về tình trạng nợ có chủ quyền của châu Âu và Mỹ, áp lực lạm phát trên thế giới và tình hình căng thẳng kéo dài ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Triển vọng kinh tế thế giới xấu đi trông thấy nếu xét theo hàng loạt các số liệu thống kê vĩ mô đáng thất vọng của Mỹ và châu Âu, giá cổ phiếu rớt mạnh và các trở ngại về chính sách ở Mỹ và khu vực đồng euro. Vào cuối tháng 8, giá vàng có giảm chút ít, nhưng vẫn ở mức cao, và dự đoán trong ngắn hạn, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi tình trạng không chắc chắn của nền kinh tế.

Sang tháng 9 giá vàng đã dao động với biên độ cực lớn, gần 400 USD, với kỷ lục cao là 1.920,30 USD/ounce (giao ngay) và 1929,79 (kỳ hạn). Phiên cuối tháng 30/9, vàng chốt ở giá 1.621,84 USD/ounce.

Trong phiên 30/9, giới đầu tư đón nhận thông tin khá tích cực từ Đức, theo đó, với 523 phiếu thuận và 85 phiếu chống, Hạ viện Đức đã thông qua quyết định mở rộng quỹ ESFS.

Động thái này đã góp phần vực dậy niềm tin của giới đầu tư về quyết tâm của các nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị khu vực trong việc giải quyết triệt để mối nguy vỡ nợ công, và có ý nghĩa thúc đẩy các nước khác đi theo động thái của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu có phần đóng góp cũng lớn nhất trong số các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) cho quỹ cứu trợ trên.

Vàng còn được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vàng vật chất vẫn đang khá mạnh tại châu Á, đặc biệt là tại Hong Kong và Trung Quốc khi các nhà kinh doanh vàng đẩy mạnh hoạt động thu gom ở mức giá rẻ để chuẩn bị đón ngày hội Tuần lễ Vàng diễn ra vào tuần tới. Mùa cưới đang đến gần tại Ấn Độ cũng khiến nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh. Nhu cầu cao đã khiến mức chênh lệch giá vàng châu Á so với vàng Mỹ lên tới kỷ lục cao 7 tháng là 3 USD/ounce.

Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy các ngân hàng trung ương cũng gia tăng dự trữ vàng trong tháng 8, theo đó Thái Lan mua 9,3 tấn, Nga mua 5,6 tấn, và Bolivia mua 7 tấn vàng.

Giá bạc cũng biến động mạnh trong tháng 9 theo xu hướng vàng, kết thúc tháng giảm 25%, còn kết thúc quý giảm 10%, xuống 31,05 USD/ounce.

Triển vọng giá vàng quý 4 sẽ tiếp tục dao động với biên độ lớn. Tháng 10, do lòng tin của các nhà đầu tư tăng lên và nhu cầu vàng giảm đi, thị trường sẽ tiếp tục mất đi mức tăng trưởng đã có. Hàng loạt các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh giảm dự đoán về tăng trưởng kinh tế thế giới, theo đó, khả năng các nước lớn (kể cả Australia) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ - tín dụng đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, cũng chính vì giảm lợi nhuận trên các thị trường chứng khoán nên sự hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư sẽ tăng trở lại.

Các chuyên gia National Australia Bank dự báo trong quý 4 giá vàng vẫn ở mức cao, trung bình 1.580 USD/ounce, và sẽ chỉ giảm từ giữa năm 2013.

Societe General thì cho rằng, xu hướng tăng giá trong dài hạn sẽ vẫn tiếp tục duy trì trên thị trường vàng, tất cả các tiền đề cần thiết cho điều này đang hiện hữu. Tuy nhiên, trong ngắn hạn có thể vàng sẽ giảm giá tương đối. Áp lực đối với thị trường chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục, và chiều hướng này không mất đi trong tương lai gần. Các quỹ đầu cơ lớn nhất buộc phải bán một phần vàng để bù đắp những thua lỗ trên thị trường chứng khoán. Giá vàng có thể rơi xuống mức 1.500-1.600 USD/ounce, nhưng các quỹ sẽ bắt đầu có lý do để mua vào. Mức giá 2.000 USD/ounce được Societe Generale dự đoán sẽ đạt vào nửa đầu năm 2012.

Michael Makglon, nhà phân tích kỳ cựu của Standard&Poor's tuyên bố, vàng sẽ không phải là nguyên liệu nữa, bây giờ vàng là tiền. Những yếu tố cơ bản khiến giá vàng tăng cao chính là do lãi suất quá thấp, rồi sau đó trên thực tế là bằng 0 của các ngân hàng trung ương các nước phát triển và những biến động lớn bất ổn trên các thị trường tài chính. Những quy luật này tồn tại đã 10 năm – chiều hướng là bạn của bạn, đừng cố chống lại nó. Chúng ta hãy để ý khi giá đồng giảm, hãy so sánh các chỉ số tổng hợp của các kim loại công nghiệp và kim loại quý. Tất cả đều chứng minh rõ ràng về sự suy giảm kinh tế và tăng mối quan tâm tới các tài sản nguyên liệu an toàn như vàng.

(T.H – theo Reuters và một số nguồn tin khác)