menu search
Đóng menu
Đóng

Yêu cầu về thâm nhập thị trường đối với áo khoác ngoài tại Pháp

15:29 11/09/2009
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu áo khoác vào Pháp cần phải tuân thủ hai loại quy định gồm cả quy định của EU và Pháp. Doanh nghiệp cần chú trọng cũng như làm tốt 3 tiêu chuẩn: chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội thì sẽ đạt được hiệu quả cao.

Ngoài ra, khi sử dụng nguyên phụ liệu dệt may để sản xuất áo khoác, doanh nghiệp nên tránh các chất dễ gây cháy như PPF hoặc nguyên liệu có tính chất tẩy trùng... vì một khi xuất khẩu áo khoác vào Pháp mà không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, hải quan của nước này sẽ tiêu hủy. Chi phí của việc tiêu hủy này là do phía doanh nghiệp nhập khẩu chi trả. Bên cạnh những qui định pháp lý, doanh nghiệp cần nắm rõ những qui định phi luật định mà đối tác thương mại của ở Pháp có thể yêu cầu.

  1. Các quy định pháp lý

Có rất nhiều qui định pháp lý đối với hàng dệt may nói chung (trong đó có áo khoác) tại thị trường EU nói chung và Pháp nói riêng. Dưới đây là một số quy định tham khảo: 

Chỉ thị số 2003/53/EC: tại chỉ thị này, EU đã đặt ra những quy định hạn chế đối với việc sử dụng những hóa chất dễ gây nguy hiểm, trong đó có nonyl phenols (NP) và nonyl phenol ethoxylates (NPEs) là những hóa chất có ảnh hưởng đến tuyến nội tiết nếu được sử dụng trong các sản phẩm dệt may. Chỉ thị này đã được áp dụng hài hòa trong EU, bao gồm Pháp.

 Chỉ thị số 2002/61/EC (sửa đổi từ Chỉ thị số 2004/21/EC) hạn chế việc sử dụng thuốc nhuộm Azo trong các sản phẩm dệt ở Khu vực Kinh tế Châu Âu (EURpean Economic Area - (EEA)). Pháp thực thi Chỉ thị này bằng việc đã ban hành văn bản pháp luật liên quan.

  Chỉ thị số 76/769/EEC (sửa đổi từ Chỉ thị số 83/264/EEC) hạn chế việc sử dụng các chất có khả năng gây hại đến con người và môi trường, trong đó cấm việc marketing và sử dụng những sản phẩm dệt tiếp xúc với da nếu những sản phẩm này chứa các chất làm chậm khả năng bắt cháy bao gồm:

-      Tri-(2,3,-dibromopropyl)-phosphate (TRIS)

-      Tris-(aziridinyl)-phosphineoxide (TEPA)

-      Polybromobiphenyles (PBB).

Ngoài ra, Chỉ thị số 76/769 /EEC hạn chế việc sử dụng chất PFOS (Perfluorooctane sulfonates) trong nguyên liệu vải để sản xuất các sản phẩm dệt may tiêu thụ ở EU. Pháp thực thi Chỉ thị này bằng việc đã ban hành Quyết định số 2007-1496ngày 18/10/2007 sửa đổi luật môi trường của Pháp. Điều này có nghĩa luật pháp của Pháp đã đặt ra những quy định giống như Chỉ thị nêu trên của EU. Theo quy định, PFOS không được tiêu thụ trên thị trường hoặc sử dụng trong sản phẩm với hàm lượng vượt quá 0,005%.

EU đã có quy định hài hòa trong toàn liên minh về tên gọi, thành phần sợi dệt và nhãn mác sản phẩm dệt nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng và ngăn chặn những sự khác biệt giữa các quy định liên quan ở cấp thành viên. Chỉ thị số 96/74/EC về tên sản phẩm dệt đưa ra những quy định dán nhãn đối với sản phẩm dệt. Theo chỉ thị này, các sản phẩm dệt dự định được nhập khẩu vào EU phải được dán nhãn. Trên nhãn phải thể hiện tên sản phẩm, mô tả sản phẩm, chi tiết về hàm lượng sợi dệt của sản phẩm. Pháp đã thực thi Chỉ thị này bằng cách ban hành Nghị định liên quan ban hành ngày 24/6/1998. 

2. Quy định phi luật định

Nhà nhập khẩu Pháp có thể đặt ra một số yêu cầu đối với nhà cung cấp áo khoác từ các nước đang phát triển liên quan đến các vấn đề về sức khoẻ nghề nghiệp, an toàn đối với môi trường và xã hội... Nhiều khách hàng Pháp đòi hỏi các sản phẩm áo khoác phải được sản xuất trong những điều kiện lao động có thể chấp nhận với mức tiền công hợp lý, trong đó cơ sở sản xuất áo khoác phải áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, phòng tránh tai nạn lao động trong quá trình sản xuất; giữ gìn vệ sinh khu vực sản xuất; áp dụng đúng quy trình quản lý lưu kho, v.v... 

3. Bao gói, ký mã hiệu và nhãn mác

Cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý dán nhãn mác hàng dệt may (bao gồm áo khoác) ở Pháp là Cofreet (Uỷ ban chăm sóc nhãn hiệu sợi của Pháp), thành viên của Ginetext, chủ sở hữu của nhiều nhãn hiệu quốc tế. 

Mặc dù không bắt buộc, một nhãn hiệu hàng may mặc (gồm áo khoác) phải chỉ rõ tỷ lệ thành phần sợi dệt may bằng tiếng Pháp. Bên cạnh đó, tuy không có qui định bắt buộc về việc đề cập nguồn gốc của nước xuất xứ sản phẩm nhưng nhà xuất khẩu áo khoác sang Pháp nên làm việc này để giúp người tiêu dùng Pháp hiểu rõ về nguồn gốc thực của sản phẩm. 

Hai nhãn mác thể hiện việc sản phẩm áo khoác thân thiện với môi trường ở Pháp là: Eco-label và Oeko-Tex. 

Thông tin thêm về bao gói hàng dệt may (gồm áo khoác) ở EU nói chung và Pháp nói riêng có thể tham khảo tại

www.intracen.org/ep/packaging/packit.htm 

 Trong năm 2008, Hoa Kỳ và EU đã có đề xuất trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự thảo thỏa thuận quy định về nhãn mác đối với hàng dệt may, giày dép và hàng du lịch. Theo đó, hàng dệt may xuất khẩu cần phải có nhãn mác nêu rõ xuất xứ hàng hóa, thành phần vải và hướng dẫn sử dụng. Với đề xuất này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị cho việc nhận đơn hàng và lên kế hoạch sản xuất của mình cho phù hợp.

4. Thuế suất và hạn ngạch

Pháp áp dụng mức thuế nhập khẩu trung bình đối với hàng dệt may (gồm áo khoác) xuất xứ từ các nước đang phát triển là 12%. Mức thuế suất ưu đãi 9,6% được áp dụng cho các mặt hàng sau:

Áo bành tô của nam, nữ

Áo choàng

Áo choàng không tay

Áo khoác không tay

Áo khoác ngoài có mũ chùm đầu (bao gồm áo khoác cho trượt tuyết),

Áo khoác gió và các sản phẩm tương tự, áo đan hoặc móc...

Thông tin thêm về thuế suất và hạn ngạch đối với hàng dệt may của Pháp có thể tham khảo tại http://export-help.cec.eu.int/

 Thuế VAT cho áo khoác tại Pháp là 19,6%.

(Cục Xúc tiến Thương mại)

Nguồn:Internet