menu search
Đóng menu
Đóng

Dự án bán gần hết nhà vẫn nợ tiền sử dụng đất

08:18 09/07/2015

Dự án Tháp doanh nhân, ngay đầu phố Thanh Bình, quận Hà Đông triển khai từ năm 2010 và cũng huy động vốn của khách hàng.

Trong 28 dự án nợ thuế vừa được Hà Nội công bố, một số trường hợp sắp bàn giao hoặc đã bán hết căn hộ, không chỉ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước mà còn mang lại không ít rủi ro cho khách mua nhà.
Cục Thuế TP Hà Nội cho biết danh sách nợ tiền sử dụng đất tính đến 1/7 đã lên tới 56 dự án với tổng số tiền trên 3.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số công bố lần trước (tính tới cuối quý II là 28 dự án với gần 2.000 tỷ đồng).

Theo khảo sát của VnExpress, đa số dự án trong danh sách chưa được triển khai, dù đã được chấp thuận đầu tư từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp đã được chủ đầu tư xây dựng và mở bán, thậm chí sắp bàn giao.

Khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông - 62 Nguyễn Huy Tưởng (Mỹ Sơn Tower) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư đang nợ hơn 76 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Đây là công trình gồm 2 đơn nguyên cao 30 tầng, đã xây dựng gần xong phần thô. Dự án cũng được mở bán từ cuối năm 2014 với mức giá khoảng 22-23,5 triệu đồng mỗi m2. Theo thông tin từ đơn vị phân phối, hiện các căn hộ tại đây đã bán hết.
Đến ngày 7/7, dự án Sapphire Place nằm trên phố Chính Kinh đang xây thô và tiến hành mở bán nhiều đợt nhưng vẫn nợ tiền sử dụng đất. Ảnh: Ngọc Tuyên

Dự án Diamond Flower Tower của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) cũng sắp bước vào giai đoạn bàn giao. Đây là tòa tháp văn phòng, căn hộ cao cấp nằm ngay trên mặt đường Lê Văn Lương với mức giá gốc trên 36 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội cho biết, hiện dự án vẫn nợ gần 116 tỷ đồng. Dự án Thành An Tower, Sapphire... tại quận Thanh Xuân vẫn nợ tiền sử dụng đất, và cũng đã được mở bán.

Dự án Tháp Doanh nhân - từng được doanh nghiệp quảng cáo cao 168m với 52 tầng được xây dựng ngay trung tâm quận Hà Đông. Sau 5 năm khởi công, dự án vẫn dừng ở phần móng. Thực tế, chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với khách hàng từ nhiều năm trước.  

Đại diện Chi Cục thuế Hà Đông cho biết, đầu tuần vừa qua, ngành thuế đã phải ra quyết định cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản doanh nghiệp do đơn vị này nợ tiền sử dụng đất. Theo ông, đây không phải lần đầu tiên dự án bị cưỡng chế theo cách này.

Một dự án có quy mô lớn tại quận Hà Đông cũng đang nợ tiền sử dụng đất hơn 1.544 tỷ đồng là Khu đô thị Phú Lương do Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Trung Việt là đại diện chủ đầu tư.

Cách đây khoảng 2 tháng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định giãn tiến độ nộp cho doanh nghiệp. Theo đó, số nợ nói trên doanh nghiệp sẽ được thanh toán 7 đợt và chậm nhất đến tháng 1/2017 đơn vị này phải trả toàn bộ số nợ trên. Đồng thời, thành phố yêu cầu hằng tháng, công ty Trung Việt phải xác định số tiền sử dụng đất phải nộp theo tiến độ thu tiền bán hàng.

Theo quyết định gia hạn thì ngày 30/4 vừa qua chính là hạn công ty phải nộp 193 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trung Việt cũng không thanh toán được số tiền trên nên bị cơ quan thuế nêu tên. Quan sát ngày 7/7 của VnExpress cho thấy, dự án đang rất ngổn ngang và vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ dại mọc nhiều.
Dự án Phú Lương hiện hầu như chưa triển khai được gì. Ảnh: Ngọc Tuyên
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thực tế chủ đầu tư dự án đã thực hiện việc huy động vốn của hàng trăm khách hàng. Gần đây, lãnh đạo một sàn bất động sản tại Trung Hòa cũng "quảng cáo" dự án này đang có thanh khoản rất tốt.

Đại diện chủ đầu tư thừa nhận công ty đã thực hiện việc góp vốn mua nhà liền kề của khách hàng từ năm 2013 với mức giá trên hợp đồng là 18 triệu đồng một m2, năm 2014-2015 tiếp tục huy động vốn với giá bán 21 triệu đồng m2. Tổng cộng chủ đầu tư mới chỉ huy động vốn 2 block liền kề 20,21 khoảng 40 lô với số tiền thu được là 50 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được sử dụng vào việc làm hạ tầng, đổ đất, san nền.

Ông Nguyễn Văn Ổn - Tổng giám đốc Công ty Trung Việt cho biết doanh nghiệp chưa thanh toán được đồng nào tiền sử dụng đất tại dự án này, chỉ đối trừ được một khoản hơn 100 tỷ tiền giải phóng mặt bằng. Số nợ còn lại công ty đang gửi văn bản xin Hà Nội tiếp tục được gia hạn. Ông cũng lý giải, những khó khăn của thị trường bất động sản chính là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ nói trên.  

“Mấy năm qua, do tình hình kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng nhưng công ty vẫn phải thuê nhà thầu vào triển khai dự án. Do không có tiền để thanh toán cho  nhà thầu nên chúng tôi phải cắt đất để trả nợ cho họ”, ông Ổn nói.

Ngày 7/7, VnExpress cũng liên hệ với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền sử dụng đất để tìm hiểu về những khó khăn của họ. Tuy nhiên, các đơn vị này đều từ chối đưa ra lời giải thích.

Theo Cục Thuế Hà Nội, cơ quan đã yêu cầu các Chi cục thuế tăng cường rà soát, phân tích nợ của từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, nắm chắc tình hình thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh và tài chính... để có biện pháp phù hợp. Qua đó, các Chi cục đã trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc, yêu cầu báo cáo và cam kết tiến độ nộp, cưỡng chế nếu cần thiết.

Trường hợp chủ đầu tư các dự án thực hiện bán nhà đã thu tiền nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra xác định hành vi vi phạm và phối hợp với cơ quan Công an TP Hà Nội để thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sự Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật BQH và Cộng sự cho biết, với những dự án mà chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, người mua nhà sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Ông Hưng cũng nhận định đây là một thực trạng xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua dẫn đến nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Để tránh tình trạng đó, khi ký hợp đồng góp vốn hoặc mua bán căn hộ cũng như đất nền tại các dự án này, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các chứng từ, giấy tờ chứng minh việc đã hoàn tất nghĩa vụ với nhà nước.
Theo Ngọc Tuyên
VnExpress

Nguồn:VnExpress