Đây là quan điểm của ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án TAND TP.HCM tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm nay (24.10) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS). Theo ĐB Ánh, luật Nhà ở rất bất cập trong câu chuyện sở hữu chủ xác lập từ khi giao tiền. “Sở hữu nhà cửa là phải đăng ký sở hữu, khi mua, bán phải đăng ký, phải nộp thuế trước bạ... nhưng luật Nhà ở chỉ nói là "tiền trao cháo múc" là hợp pháp”, ĐB Ánh nói.
ĐB Ánh cũng cho biết, sự bất cập này mặc dù đã được góp ý nhiều lần nhưng vẫn không được đưa vào dự thảo.
ĐB Ánh phân tích luật hiện hành về mua, bán nhà ở hết sức chặt chẽ và ràng buộc rất nhiều yếu tố, nhà bán cho người có mục đích để ở là khác mục đích kinh doanh.
“Khi tôi mua nhà để kinh doanh karaoke nhưng khu vực đó cấm không cho kinh doanh karaoke, người bán không nói cho tôi biết hạn chế của sở hữu nhà như thế. Tôi mua rồi thì không được quyền thay đổi, như vậy là không được", ông Ánh cho biết.
Góp ý về vấn đề này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng cách giải quyết của BLDS còn có những điểm hạn chế. Luật Nhà ở quy định cụ thể rất nhiều các loại hợp đồng về nhà ở, như Hợp đồng mua, bán nhà ở, Hợp đồng tặng, cho nhà ở, Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ, cho thuê... Tuy nhiên, trong BLDS chỉ quy định đối với Hợp đồng mua, bán nhà ở và Hợp đồng cho thuê nhà ở thì được thực hiện theo luật này và luật Nhà ở.
“Như vậy, đối với các loại hợp đồng khác cũng đã được luật Nhà ở quy định thì sẽ được thực hiện theo quy định nào? Có phải được thực hiện theo quy định của luật Nhà ở không, hay phải thực hiện theo quy định của BLDS?”, ĐB Cường nêu vấn đề.
Thu thập thông tin riêng tư phải căn cứ vào pháp luật
Đóng góp ý kiến về quy định liên quan tới việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin, liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình..., ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng nếu việc này không tuân thủ quy định của pháp luật mà chỉ căn cứ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... là chưa hợp lý. Theo ĐB Minh, để điều luật được chặt chẽ cần quy định việc thu thập, lưu trữ, sử dụng các thông tin trên phải "theo luật định".
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về quy định việc thu thập thông tin cần được "thành viên gia đình đồng ý" vì có thể dẫn đến chuyện xung đột mâu thuẫn trong gia đình.
“Trước hết phải được người đó đồng ý, còn khi nào người đó mất năng lực hành vi rồi thì lúc đó các thành viên trong gia đình mới đồng ý. Nếu không trong gia đình tự dưng con cháu có thể thuê công ty thám tử đi thu thập thông tin riêng tư của cha mẹ, ông bà hay là vợ chồng với nhau thì chúng tôi cho rằng như thế cũng là hạn chế quyền đời sống riêng tư của từng công dân”, ĐB Nghĩa phân tích.
ĐBQH không hài lòng vì nhận được tài liệu quá muộn
Phát biểu trước Quốc hội ngày 24.10, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ sự không đồng tình về việc các cơ quan có trách nhiệm thực hiện không nghiêm túc các quy định về việc gửi tài liệu, hồ sơ dự án luật đến các ĐBQH.
ĐB Hồng cho biết sáng 24.10 Quốc hội thảo luận BLDS (sửa đổi) nhưng trước đó đúng một ngày mới có tài liệu lên trên mạng và bản in chỉ đến tay ĐBQH ngay trước khi bước vào thảo luận.
“Một dự thảo luật với 692 điều có nội dung được sửa đổi toàn diện, có nhiều thay đổi về chính sách lớn, là một bộ luật có giá trị đặc biệt quan trọng trong hệ thống luật, có tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, mọi lĩnh vực của người dân mà các ĐBQH không có thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi quyết định bấm nút thông qua”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nói.
Theo Trường Sơn
Thanh Niên
Nguồn:Thanh Niên