menu search
Đóng menu
Đóng

Tám bước tạo sinh khí cho ngôi nhà đầu năm mới

07:22 02/02/2017

Khí được hiểu là địa khí có sức sống (hay vị trí đất ở có sức sống), là nơi có thiên khí thông thoáng. Đón sinh khí cho ngôi nhà là tìm kiếm hoặc lợi dụng địa khí để tạo ra nguồn năng lượng tốt cho ngôi nhà.

Sinh khí có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của con người. Một ngôi nhà có sinh khí tốt thì những người sống trong đó cũng cảm thấy bình an, ấm cúng và gắn bó hơn. Còn ngôi nhà thiếu sinh khí (hoặc ngôi nhà có nhiều sát khí) sẽ tạo ra cảm giác bất an, căng thẳng, người sống trong nhà hay đau yếu do dễ gặp phải xui xẻo.

Dưới đây là 8 bước giúp bạn cung cấp sinh khí cho ngôi nhà của mình vào dịp đầu năm mới 2017.

Bước 1: Lập danh sách những công việc cần làm

Đừng để tính ù lì, trì trệ ngăn cản các kế hoạch của bạn. Bạn hãy tạo sự hứng khởi bằng cách tưởng tượng rằng ngôi nhà của mình tràn đầy sinh khí, sạch sẽ, trong lành. Hãy thực hiện những công việc này vào cuối tuần hoặc cuối tháng để có nhiều thời gian làm tốt hơn.

Một ngôi nhà có nhiều sinh khí sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình bạn cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái, từ đó mọi việc cũng dễ dàng hanh thông, thuận lợi.

Bước 2: Tổ chức công việc, dự định thời gian cho công việc đó

Bạn hãy ghi lại những thứ cần phải thay đổi trong mỗi phòng của ngôi nhà và loại bỏ những thứ hư hỏng, cũ kỹ, hoặc lên danh sách những thứ cần phải sửa chữa. Hãy xem xét và liệt kê những căn phòng phải dọn dẹp theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, bạn phân công rõ công việc dọn dẹp cho từng thành viên trong nhà. Nếu không có người làm công việc này, bạn hãy dành ra một số ngày cho mỗi phòng.

Bước 3: Bắt đầu tiến hành dọn dẹp

Hãy bắt đầu tiến hành dọn dẹp, sắp xếp không gian với căn phòng ít quan trọng nhất trong ngôi nhà, căn phòng quan trọng nhất nên làm sau cùng. Bằng cách này, bạn chắc chắn hoàn thành được công việc theo kế hoạch.

Bước 4: Dành riêng một phòng để lưu trữ những thứ sẽ cho đi, sửa chữa hoặc đem bán.

Bước 5: Đựng tất cả những thứ bạn định vứt bỏ vào túi riêng.

Dọn dẹp những thứ bề bộn trong nhà cũng được coi là một liệu pháp chữa bệnh, càng làm càng cảm thấy không gian sạch sẽ, thoải mái, tâm lý càng sảng khoái. Sự phân vân không biết nên vứt cái nào, giữ lại cái nào có thể khiến bạn cảm thấy stress. Đừng để bản thân rơi vào cảnh này.

Nếu bạn vẫn còn phân vân thì hãy giữ lại, còn không thì hãy mạnh dạn vứt bỏ, bởi nếu không chúng có thể trở thành một mớ hỗn loạn vào lần dọn dẹp sau. Khi bạn đã quen với việc này, bạn sẽ thấy mình không còn bị lệ thuộc vào những vật sở hữu nữa và dần dần tập được tính tự chủ. Dọn dẹp những thứ bề bộn không phải là việc chỉ cần làm một lần là xong. Dần dần bạn sẽ nhận thấy mình làm việc này thường xuyên, đặc biệt là tổng dọn dẹp một hoặc hai lần trong năm.

Bước 6: Sơn mới ngôi nhà ba năm một lần

Khi tiến hành bước này, tốt nhất bạn nên nhờ thợ chuyên nghiệp, còn nếu không thì bạn hãy dành hẳn một ngày để thực hiện sơn nhà. Tiến hành sơn từng phòng một là tốt nhất. Nên chọn màu sơn tươi, thanh nhã, tuy nhiên nếu bạn còn do dự thì hãy chọn màu trắng nhiều khí dương và thích hợp nhất với tất cả các căn phòng.

Lưu ý: cạo bỏ lớp sơn cũ trước khi phủ lớp sơn mới, đồng thời hãy nghĩ đến việc năng lượng cũ cũng bị cạo đi và thay vào đó bằng năng lượng tươi mới.

Bước 7: Tăng thêm ánh sáng trong nhà

Đây được coi là một cách hiệu quả nhất để mang lại nguồn sinh khí cho ngôi nhà của bạn. Hãy lắp thêm nhiều đèn mới, chụp đèn mới, đèn trên cao, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi nguồn năng lượng trong nhà trở nên ấm áp hơn và sáng hơn. Ngoài ra, hãy mang năng lượng từ ánh nắng qua cửa sổ kính.

Hãy giặt màn và treo những vật trang trí bằng pha lê hoặc thủy tinh nhiều mặt ở cửa sổ để thu hút năng lượng ánh nắng. Để ngôi nhà của bạn tắm nắng trong suốt mùa hè là một điều rất tốt. Ánh nắng có khả năng cung cấp năng lượng dương cho mọi thứ trong nhà như tường, đồ đạc, chăn, gối, giường, thảm, màn.

Bước 8: Để gió thổi vào nhà

Để những cơn gió nhẹ thổi vào nhà tức là đón mời luồng khí mới và tốt vào nhà. Đây là một phương pháp trị liệu và khiến mọi thành viên trong gia đình có cảm giác tràn đầy sức sống.

Nguồn: Tuổi trẻ