Tiết lộ từ các quan chức chính phủ và ngành công nghiệp cho biết, Ấn Độ không xem xét việc tiếp tục xuất khẩu đường trong năm nay - trái ngược hẳn với suy đoán rằng nhà sản xuất chất tạo ngọt lớn thứ hai thế giới sẽ cho phép đợt xuất khẩu thứ hai ra nước ngoài.
Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới sau Brazil, đã xuất khẩu kỷ lục 11 triệu tấn trong niên vụ tính đến ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, kể từ niên vụ tiếp theo bắt đầu từ 1/10/2022, chính phủ Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy đường xuất khẩu 6,1 triệu tấn. Giá lương thực tăng cao vào đầu niên vụ cũng là một phần lý do khiến xuất khẩu bị hạn chế.
Các nhà chức trách nước này cho biết họ có thể xem xét đợt xuất khẩu đường thứ hai sau khi có nhận định rõ ràng hơn về sản xuất trong nước. Các nhà máy đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 5,6 triệu tấn và các nhà sản xuất, thương nhân cũng như các quan chức trong ngành đang mong đợi chính phủ cho phép xuất khẩu thêm 2-4 triệu tấn ra nước ngoài.
Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu đường sang Indonesia, Bangladesh, Malaysia, Sudan, Somalia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tuy nhiên, dự kiến về sản lượng đường thấp đã làm giảm triển vọng xuất khẩu bổ sung trong niên vụ 2022-2023 hiện tại.
“Năng suất mía trong thời gian qua thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Sản lượng không đủ để cho phép xuất khẩu thêm”, một quan chức Ấn Độ có kiến thức trực tiếp về vấn đề này cho biết. “Không thể đáp ứng nhu cầu 3-4 triệu tấn của ngành. Chúng tôi không thể cho phép xuất khẩu thêm 1 triệu tấn”, một quan chức giấu tên khác nói thêm.
Xuất khẩu đường giảm từ Ấn Độ có thể làm tăng giá toàn cầu và cho phép các đối thủ như Brazil và Thái Lan tăng lượng xuất khẩu của họ.
Các nhà giao dịch toàn cầu ban đầu kỳ vọng rằng Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu từ 8 đến 9 triệu tấn đường trong năm hiện tại kết thúc vào ngày 30/92023. Nhưng thời tiết bất lợi đã gây bất ngờ cho ngành công nghiệp này. Sản lượng đường của Ấn Độ ban đầu được dự đoán sẽ tăng lên mức kỷ lục 36,5 triệu tấn, vượt xa nhu cầu trong nước là 27,5 triệu tấn. Nhưng ước tính sản lượng hiện tại đã bị cắt giảm xuống còn 34,3 triệu tấn.
Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ Sanjeev Chopra nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang có những quan điểm khác nhau về sản xuất. Chúng tôi sẽ có thêm ý tưởng và ý kiến thống nhất trong những tháng tới”.
Một quan chức trong ngành tiết lộ, đã có đề xuất phân bổ hạn ngạch xuất khẩu bổ sung khoảng 400.000 tấn cho các nhà máy đường đang sản xuất ethanol trực tiếp từ nước mía. Nhưng ngay cả đề xuất đó cũng khó có thể được phê duyệt trước thời điểm cuối tháng 2 vì chính phủ muốn xem số lượng sản xuất thực tế trước khi đưa ra quyết định.
Nguồn:Kim Nguyễn/Thương gia Điện tử