Xuất khẩu kỷ lục trong vòng luẩn quẩn "mất mùa được giá"
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam có thể thu về 4,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê. Như vậy, xuất khẩu cà phê đang đứng trước cơ hội phá kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ngành cà phê Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp ngành có thể đặt kỳ vọng vào mục tiêu 6 tỷ USD của năm 2030.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể cán mức kỷ lục là nhờ giá nội địa và giá thế giới leo lên mức cao nhất trong 15 năm. Do nguồn cung khan hiếm, lượng cà phê dự trữ thấp, sản lượng lại giảm đáng kể và nhu cầu trên thế giới về Robusta tăng mạnh nên mới có được mức giá tốt này".
Dù kim ngạch đạt mức cao là kết quả đáng mừng đối với ngành cà phê, nhưng nhìn lại hoạt động xuất khẩu trong hai năm qua thì khả năng có thể duy trì giá trị xuất khẩu ở mức cao trong dài hạn là điều chưa chắc chắn. Bởi có thể thấy rằng yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 vượt 4 tỷ USD là nhờ vào giá tăng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.
Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 4 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu cà phê là nhờ lượng cà phê xuất mức cao thứ ba trong 10 năm, với 1,78 triệu tấn. Chính vì đẩy mạnh lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 nên trữ lượng xuất khẩu dành cho năm 2023 thấp, bên cạnh sản lượng giảm 10 - 15% trong niên vụ 2022/23.
Những diễn biến của thị trường trong hai năm qua đã khiến cho vòng luẩn quẩn “mất mùa được giá, được mùa mất giá” của ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng không có hồi kết.
"Khẩu vị" của bạn hàng lớn đã thay đổi
Xuất khẩu cà phê có thể thiết lập một kỷ lục mới trong năm nay. Nhưng liệu rằng trong tương lai có thêm nhiều cột mốc đáng chú ý hơn như vậy? Câu trả lời là muốn tăng được kim ngạch thì phải tăng được giá trị cho cà phê, phải định vị lại dòng sản phẩm và nắm bắt xu thế của thị trường. Trước hết là tại hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới chiếm đến 50% tổng nhập khẩu của toàn cầu là Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Đây cũng hai thị trường mục tiêu và lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khoảng 600.000 tấn cà phê sang các quốc gia thuộc EU và Mỹ, tương đương 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Vì chiếm đến nửa thị phần nên những thay đổi trong nhập khẩu cà phê từ hai thị trường này sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam mà còn toàn thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hiện nay “khẩu vị” nhập khẩu cà phê của hai thị trường lớn đang có sự chuyển dịch từ nhập khẩu cà phê Robusta dạng hạt sang cà phê đã qua chế biến.
Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào cà phê Arabica và giảm dần hoạt động nhập khẩu Robusta, từ mức 6,1 triệu bao loại 60kg (366.000 tấn) trong niên vụ 2011/12 xuống còn 3,6 triệu bao trong niên vụ 2020/21. Cùng với đó, tỷ trọng nhập khẩu cà phê qua chế biến tăng từ 3,1% trong niên vụ 2018/19 lên 6,4% trong ước tính niên vụ 2023/24. Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Cà phê Châu Âu (ECF), tại EU, tỷ lệ này cũng tăng từ 2,3% trong năm 2017 lên 5,5% vào năm 2021.
Nhưng dữ liệu của Hải quan Việt Nam lại cho thấy xuất khẩu Robusta dạng hạt của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay sang Mỹ đã ít đi rõ rệt. Từ hơn 130.200 tấn năm 2018 xuống khoảng 90.500 tấn năm 2023, tức là giảm 27%.
Do chưa nhanh nhạy với sự thay đổi "khẩu vị" của bạn hàng lớn Mỹ là giảm nhập Robusta, tăng tỷ trọng sản phẩm cà phê qua chế biến nên theo thống kê của USDA, 90% cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam niên vụ 2022/23 vẫn là cà phê thô dạng hạt, gần như không đổi so với 5 năm trước.
Đã tới lúc lượng không thể bù chất
Không chỉ là thách thức từ việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, những lợi thế về “lượng” của cà phê Việt Nam cũng đang đứng trước khó khăn để có thể đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.
Biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina diễn ra với tần suất nhanh và nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ cà phê.
Ảnh hưởng của thời tiết cũng có thể khiến sản lượng cà phê của nước ta giảm năm thứ hai liên tiếp. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, năm 2022, mưa bão thất thường, diễn ra đúng giai đoạn thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên khiến sản lượng giảm khoảng 10 - 15%. Năm nay, hiện tượng El Nino gây ra khô nóng hơn mức bình thường tại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam. Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng cà phê của Việt Nam có thể thấp hơn 7% so với năm trước.
Mới đây, đơn vị nghiên cứu BMI của Công ty phân tích tài chính Fitch Solutions cho biết không chỉ Việt Nam và Indonesia mà ngay cả cà phê Robusta của Brazil cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán.
Điều này càng đặt ra cho ngành cà phê Việt Nam tính cấp thiết phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu bằng cách nâng tỷ trọng cà phê đã qua chế biến, chế biến sâu.
Nắm được xu thế này, cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5499/QĐ-BNN-CB phê duyệt quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu, để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể, đến năm 2030, cà phê nhân chỉ còn chiếm 55 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, còn lại là cà phê đã qua chế biến.
"Để tận dụng tốt những hỗ trợ mang tính chiến lược từ phía Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và nông dân trồng cà phê cần liên kết thành các chuỗi sản xuất. Điều này giúp đảm bảo sự thông suốt trong nguyên liệu đầu vào và dễ dàng trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật, giúp quá trình chuyển đổi từ sản xuất thô sang các sản phẩm cà phê qua chế biến diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn”, ông Quang Anh nhận định.
Nguồn:Trịnh Thảo - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)