menu search
Đóng menu
Đóng

Cà phê Việt 'gặp khó' giữa cơn sốt giá toàn cầu

08:07 25/01/2025

Thị trường cà phê thế giới đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh của xuất khẩu cà phê Việt Nam và sự trỗi dậy của cà phê Brazil.
Trong quý 4/2024, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính được cho là do nông dân giữ hàng, chờ giá cao hơn, dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn kho nhiều nhưng giao dịch ít. Đồng thời, lượng cà phê vụ mới từ Việt Nam đổ ra thị trường đã gây áp lực lên giá cà phê Robusta trên sàn London, khiến giá giảm mạnh.
Bên cạnh đó, Brazil nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Việt Nam. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này đạt mức kỷ lục trong 5 tháng đầu niên vụ 2024-2025, tăng 32,42% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Brazil đang ngày càng khẳng định vị thế là nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới và có thể vượt qua Việt Nam trong tương lai gần.
Thu hoạch cà phê tại các vườn trồng xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Hoàng
Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho biết, xuất khẩu cà phê nhân cộng dồn trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025 đã tăng 32,42% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt tổng cộng 20,2 triệu bao. Đây là mức xuất khẩu cao nhất được ghi nhận trong 5 tháng đầu tiên của một niên vụ cà phê tại Brazil và vượt xa con số kỷ lục cũ là 18,6 triệu bao của niên vụ 2020-2021. Dữ liệu xuất khẩu chính thức của Cecafé cho 6 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại được kỳ vọng sẽ tiếp tục phản ánh mức xuất khẩu cao kỷ lục, vượt xa năm 2020-2021.
Trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại, Brazil đã xuất khẩu 15,8 triệu bao cà phê Arabica, giảm 2,42% so với kỷ lục của năm 2020-2021 nhưng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê Robusta Conilon đạt 4,42 triệu bao, tăng 84,17% so với vụ kỷ lục 2020-2021 và tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về giá cà phê tăng cao trong thời gian qua, theo các chuyên gia, một trong những lý do làm tăng giá cà phê toàn cầu chính là giá cước vận tải. Cuối năm 2023, xung đột qua Biển Đỏ, tuyến đường huyết mạch cung cấp cà phê từ châu Á sang Bắc Mỹ và châu Âu leo thang mạnh mẽ, buộc các hãng tàu phải thay đổi lộ trình khiến thời gian vận chuyển dài thêm 10-14 ngày và tăng chi phí lên khoảng 60%.
Điều này dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nơi tồn kho cà phê đang ở mức thấp kỷ lục. Cùng thời gian này, tình trạng tắc cảng nghiêm trọng tại Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, càng làm gia tăng căng thẳng.
Những gián đoạn trong cung ứng đã đẩy giá cà phê Robusta trong tháng 1/2024 tăng hơn 20%, lên mức cao nhất trong 29 năm. Đồng thời, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam cũng tăng 16% chỉ trong 1 tháng, đạt gần 80.000 đồng/kg, mức cao nhất tính đến cuối tháng 1/2024.
Những diễn biến trên đặt ra nhiều thách thức cho ngành cà phê Việt Nam. Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cần phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ, đặc biệt là Brazil. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tìm cách thích ứng với những biến động của thị trường toàn cầu.

Nguồn:Nguyễn Vy/Báo Công Thương

Link gốc