menu search
Đóng menu
Đóng

Chân dung ba ông lớn xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam

07:00 18/03/2024

Ba doanh nghiệp lớn nhất là Intimex, Vĩnh Hiệp, Simexco DakLak chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu cà phê nhân của cả nước.
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỉ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.
Tính riêng về xuất khẩu cà phê nhân sống, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,47 triệu tấn. Trong đó, 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022-2023 là: Tập đoàn Intimex, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam.

Nguồn: Vicofa (H.Mĩ tổng hợp)
Ba doanh nghiệp lớn nhất là Intimex, Vĩnh Hiệp, Simexco DakLak chiếm 25% tỷ trọng của cả nước.
Tập đoàn Intimex dẫn đầu với lượng xuất khẩu hơn 148.500 tấn, tương đương 318 triệu USD. Trên cơ sở cổ phần hóa Chi nhánh Công ty XNK Intimex tại TP HCM thành lập vào năm 1995 trực thuộc Công ty XNK Intimex (Bộ Công Thương), Công ty Cổ phần XNK Intimex tại TP HCM đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2006. Vốn điều lệ thời điểm đó là 14,4 tỷ đồng và hiện đã tăng lên thành 28,8 tỷ đồng. Năm 2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group).
Khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ, bao gồm 91 nhân sự, vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng, cơ sở vật chất còn hạn chế. Sau 15 năm cổ phần hóa, tập đoàn trở thành doanh nghiệp top đầu Việt Nam trong hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản (cà phê, hồ tiêu, gạo, hạt điều...); nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, sắt thép; kinh doanh siêu thị và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...
Trong đó, cà phê là một trong mặt hàng xuất khẩu chính của tập đoàn này với sản lượng xuất khẩu trung bình hàng đạt 450.000 tấn/năm (bao gồm cà phê nhân và hoà tan).
Intimex Group hiện đang sở hữu 13 nhà máy chế biến cà phê nhân ở những vùng nguyên liệu cà phê trọng điểm ở Việt Nam và 1 nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại khu công nghiệp VSIP II.
Đứng đầu doanh nghiệp là ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex. Chủ tịch HĐQT các công ty thành viên của Tập đoàn Intimex. Ông hiện đồng thời là phó chủ tịch Vicofa.
Xếp thứ hai là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với lượng xuất khẩu đạt 120.500 tấn cà phê nhân sống, trị giá 244,3 triệu USD. Công ty này được thành lập năm 1991 tại quận 6 TP HCM, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu, cà phê, tiêu, cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Thời gian đầu, Vĩnh Hiệp chủ yếu chế biến, gia công và cung cấp các mặt hàng nông sản như lạc, mè đen, tiêu, vàng, đậu trăng, ớt khô, gừng khô,...cho các công ty xuất sang các thị trường Nga và Algeria.
Đến năm 1999, công ty đặt văn phòng chính thức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đồng thời, Vĩnh Hiệp cũng mở rộng về quy mô sản xuất, phát triển hệ thống dây chuyền nhà máy và tập trung vào chế biến mặt cà phê tiêu, điều cho các đối tác xuất khẩu. Hai năm sau, công ty nâng công suất của nhà máy lên gấp 6 lần so với thời điểm mới thành lập.
Đến năm 2004, Vĩnh Hiệp bắt đầu xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài. Lúc này công suất của nhà máy đật 300 tấn/ngày cùng với kho vận có sức chứa 5.000 tấn. Giai đoạn sau đó, công ty liên tục mở rộng nhà máy và kho chứa. Bên cạnh đó, công ty mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân.
Đứng thứ ba trong top doanh nghiệp xuất cà phê nhân lớn nhất cả nước là Simexco Daklak, đạt hơn 102.500 tấn, trị giá 219,5 triệu USD. Được thành lập tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk từ năm 1993, Simexco Daklak, công ty chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân và hồ tiêu.
Ngoài ra, Simexco Daklak còn hoạt động ở một số lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn, du lịch, các dịch vụ xuất nhập khẩu. Doanh thu đạt từ 200 đến 250 triệu USD mỗi năm. Hiện công ty có 3 nhà máy với tổng công suất 900 tấn/ngày, xuất khẩu tới 125 quốc gia. Đồng thời công ty đang liên kết với 40.000 nông dân trong chuỗi khép kín sàn xuất - tiêu dùng.
Mới đây, công ty mở kho cà phê đầu tiên tại miền bắc nhằm mở rộng hoạt động tiêu thụ trong nước. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, hiện doanh số tiêu thụ ở thị trường nội địa chiếm khoảng 10 - 15% tỷ trọng doanh thu.

Nguồn:H.Mĩ/Doanh nghiệp & Kinh doanh

Link gốc