menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ cấu lại ngành lúa gạo dựa trên thế mạnh địa phương

07:08 14/09/2023

Cần Thơ hiện có 78.570ha diện tích đất sản xuất lúa, với sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,3 triệu tấn đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Định hướng quy hoạch của thành phố Cần Thơ đến năm 2023, vùng sản xuất lúa hữu cơ khoảng 6.000ha được hình thành tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Thành phố xác định cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững là hướng đi cần thiết.
 
Trên cơ sở xác định thế mạnh của địa phương là sản xuất lúa chất lượng cao, huyện Cờ Đỏ đã triển khai nhiều mô hình sản xuất cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu với diện tích sản xuất lúa trên 32.500ha/năm và được gần 20 công ty, doanh nghiệp liên kết đầu tư bao tiêu. Sản lượng lúa của huyện bình quân hàng năm đạt 380.000 tấn và trên 95% là lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Song song với chú trọng đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo, chuyển từ tập trung phát triển sản lượng sang chú trọng chất lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ - Lê Chí Phương cho biết, huyện cũng quản lý chặt chẽ diện tích đất chuyên trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo việc gắn kết phát triển xuất lúa chất lượng cao tập trung trên địa bàn, huyện Cờ Đỏ đã ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, giao thông kết nối các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với đường tỉnh lộ và quốc lộ, kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị lúa (phục vụ vận chuyển lúa, chế biến sau thu hoạch, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy, các kho dự trữ, chế biến, bảo quản lúa).
Để tái cơ cấu ngành lúa gạo thành công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ - Trần Thái Nghiêm cho biết, thành phố Cần Thơ định hướng chuyển đổi vùng sản xuất lúa không thuận lợi sang cây trồng, vật nuôi khác để tăng giá trị thu nhập. Cụ thể, các vùng sản xuất lúa nhỏ lẻ tại huyện Phong Điền được khuyến khích chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa kiểng kết hợp du lịch sinh thái.
Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng quan tâm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, các khâu chủ yếu trong quá trình sản xuất lúa như: làm đất, tưới nước, thu hoạch… đều đã được cơ giới hóa 100%.
Thành phố cũng thúc đẩy nông dân liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để phát triển cánh đồng lớn và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đảm bảo chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cần Thơ có hơn 30 tổ hợp tác và hợp tác xã và sản xuất lúa gạo, diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn hơn 33.000ha/vụ và có gần 10.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương.
Hiện nay, yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cần minh bạch về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân và thực hiện quy trình sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Vì vậy, Cần Thơ cũng thúc đẩy phát triển giống chất lượng cao, giống thơm đặc sản với chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng theo mã số vùng trồng và ghi nhật ký sản xuất để tăng giá trị xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, thành phố Cần Thơ đang tập trung xây dựng Đề án tổ khuyến nông cộng đồng theo hướng gắn khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trọng tâm là xây dựng hợp đồng điện tử giải quyết sự lỏng lẻo trong liên kết thu mua lúa gạo giữa doanh nghiệp, thương lái và nông dân, giải quyết vấn đề bẻ kèo, bỏ cọc vẫn thường diễn ra ở các mùa vụ sản xuất.
Nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo, thành phố Cần Thơ đã đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) với diện tích 50.000 ha, trên địa bàn 3 huyện: Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.
Ông Trần Thái Nghiêm khẳng định: ngành nông nghiệp đang đồng bộ giải pháp cơ giới hóa, tích hợp vào các gói kỹ thuật gắn với vùng sản xuất lúa chất lượng cao.
Bên cạnh cơ cấu lại ngành lúa gạo vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trần Thái Nghiêm còn cho rằng, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo đạt chất lượng và giá trị cao.

Nguồn:Thu Hiền (TTXVN)

Link gốc