menu search
Đóng menu
Đóng

Dịch ASF đang bùng phát trở lại trên thế giới, Nga sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn

09:00 06/12/2021

Thị trường thịt thế giới sẽ vẫn chịu tác động bởi những bất ổn lớn vào năm 2022, do dịch tả lợn Châu Phi (ASF) sẽ vẫn tiếp tục bùng phát ở một số quốc gia Châu Á và Đông Âu, đặc biệt là ở Trung Quốc. 
Thông tin về dịch tả ASF đang trở nên phức tạp trong vài ngày qua ở Nga và Việt Nam; cũng có nhiều trường hợp ở Đức, Ba Lan và Romania, tuy nhiên, các nước này không phải là thị trường nhập khẩu thịt lợn.
Nga và Việt Nam là những nước tiêu thụ nhiều thịt lợn và có thể nhập khẩu mạnh trong vài tháng tới, vì vậy Brazil có thể đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng cần chú ý xem xét thời điểm và khả năng nhập khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới, có thể nguồn cung trong nước tăng trong khi nhu cầu giảm. Bất chấp giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc gần đây có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2020, điều này làm giảm lượng nhập khẩu. Điều đáng chú ý là tháng 10/2021 lượng thịt lợn của Brazil xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 37.353 tấn - tháng thấp thứ hai trong năm.
Giá thịt lợn tại thị trường Nga đang tăng vọt trong năm nay do ảnh hưởng của dịch tả ASF. Theo Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi lợn Nga, từ đầu năm đến nay, dịch tả ASF xảy ra ở 35 khu vực của Nga, bao gồm cả lợn rừng và lợn nuôi. Vào tháng 9/2021 một đợt bùng phát dịch tả ASF ở vùng Belgorod - vùng chăn nuôi lớn. Với tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ, các chuyên gia điều chỉnh dự báo sản lượng thịt lợn của Nga năm 2021 chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Dịch tả ASF tại Nga đang làm thiệt hại lớn hơn so với mức độ mà Trung Quốc đã bị thiệt hại năm 2018/2019, do đó làm mất cân bằng thị trường thịt lợn của Nga.
Tình trạng thiếu nguồn cung này đã buộc Nga phải mở cửa nhập khẩu trở lại đối với 12 công ty cung cấp thịt của Brazil (9 công ty thịt lợn và 3 công ty thịt bò). Năm 2022, Nga áp dụng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế 200.000 tấn thịt bò và 100.000 tấn thịt lợn. Trước năm 2020, hạn ngạch được miễn thuế là 430.000 tấn thịt lợn/năm. Tùy thuộc vào tình trạng dịch tả ASF và sản xuất trong nước, thời hạn nhập khẩu thịt của Nga sẽ không kéo dài và chỉ giới hạn đến năm 2022. Nga dự kiến sẽ tăng sản lượng vào năm 2022 và tăng nhập khẩu, để giảm giá thịt trong nước. Điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu dịch tả ASF được khống chế, nếu không thì nhập khẩu có thể tiếp tục tăng vào năm 2023.
Brazil hiện sẽ có 13 công ty được cấp phép để xuất khẩu thịt lợn sang Nga, nhưng vẫn rất khó xác định được khối lượng xuất khẩu, mặc dù thịt lợn và thịt bò Brazil có điểm thuận lợi là giá cả hấp dẫn và chất lượng cao. Trước khi có rào cản liên quan đến chất cấm, chất tạo nạc ractopamine vào năm 2017, Nga là thị trường xuất khẩu thịt lợn chủ yếu của Brazil. Trong 10 tháng năm 2021, Brazil đã xuất khẩu 3.827 tấn thịt lợn sang thị trường Nga; trong đó, riêng tháng 10/2021 xuất khẩu tới 2.181 tấn.
Tại Việt Nam, dịch tả ASF đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, hiện dịch bệnh đã lây lan đến 57 trong số 63 tỉnh thành, thiệt hại 230.000 con lợn, gấp ba lần so với năm 2020. Tình hình này gây bất ổn cho việc tái đàn, sau khi thiệt hại đã quá lớn, khoảng 20% tổng đàn vào năm 2019. Trong tháng 10/2021, Brazil đã xuất khẩu 8.393 tấn thịt lợn sang Việt Nam, tăng so với mức 4.316 nghìn tấn trong tháng 9/2021.
Tại Trung Quốc, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết, dịch tả ASF lan rộng; do lo ngại về dịch bệnh, các nhà sản xuất nhỏ đã tăng cường giết mổ, bao gồm cả những con giống năng suất thấp. Chi phí sản xuất cao và thua lỗ cũng đẩy nhanh hoạt động giết mổ ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguồn cung để giữ giá ở mức cho phép có lãi và không ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi trong tương lai. Vì vậy, việc thông báo trước dịch tả ASF sẽ phản tác dụng và có thể gây ra một làn sóng bán tháo mới, tạo áp lực lên giá cả. Tình hình thực tế của dịch tả ASF và tác động của nó ở Trung Quốc vẫn khó dự báo chính xác, do đó cần phải chú ý đến diễn biến giá thịt lợn ở Trung Quốc, lượng lợn trong nước và lượng xuất khẩu của các quốc gia sang Trung Quốc.

Nguồn:Vinanet/VITIC/ukragroconsult.com