menu search
Đóng menu
Đóng

Dịch tả heo châu Phi: Bước ngoặt lớn để ngành chăn nuôi heo Việt Nam 'lột xác'?

12:27 20/03/2019

Vinanet - Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gần như 100% trường hợp bệnh dịch tả heo châu Phi phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Liệu sau đợt dịch này, ngành chăn nuôi heo Việt Nam sẽ thực sự "lột xác"?
Áp lực đến từ người tiêu dùng
Tại buổi Họp Bàn giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đề xuất đối với trường hợp công bố xã có dịch tả heo châu Phi, cho phép mổ heo từ những đàn heo trong cùng xã có dịch, nếu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi,tiêu thụ thịt heo trong địa bàn xã có dịch bệnh.
Trường hợp công bố tỉnh có dịch hoặc có từ 2 huyện trở lên trong tỉnh có dịch bệnh, cho phép giết mổ heo từ những đàn heo trong huyện có dịch, nếu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, tiêu thụ thịt heo trong địa bàn tỉnh.
Việc giết mổ heo phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; bảo đảm các điều kiện và thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc cơ sở giết mổ sau mỗi ca giết mổ.
Mặc dù cơ quan chức năng đã đề xuất những chính sách nhằm hỗ người dân giết mổ, tiêu thụ heo ở những địa bàn phát hiện dịch tả heo châu Phi nhưng thực tế khó khăn lại tạo ra từ những người tiêu dùng.
Ngay cả khi các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền quyết liệt rằng dịch tả heo châu Phi không lây sang người nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại và tạm ngưng sử dụng thịt heo.
Điển hình mới đây, một trường mầm non đã đăng tải thông báo tạm thay thế các món ăn chế biến từ thịt heo sang các sản phẩm được thay thế khác như thịt gà, thịt bò, tôm, cá…trong khẩu phần ăn của các em học sinh.
Đáng chú ý, thông báo trên được đính kèm cả biên bản cam kết về chất lượng thịt heo của đơn vị chuyên cung cấp thịt heo cho trường mầm non này. Điều này cho thấy ngay cả khi thịt heo rõ xuất xứ và đảm bảo chất lượng nhưng tâm lí lo sợ vẫn chưa tan biến.
Kể từ khi phát hiện dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi liên tục lao dốc, đặc biệt là khu vực phía Bắc, nơi tập trung nhiều ổ dịch nhất.
Cụ thể kể từ khi phát hiện trường hợp dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên hồi giữa tháng 2 và lan rộng tới 17 tỉnh/thành khác, giá heo hơi khu vực miền Bắc giảm khoảng 23 - 31% tùy khu vực xuống mức trung bình khoảng 35.000 đồng/kg, tương đương với giá thành sản xuất cùa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thậm chí, có khu vực giá heo giảm xuống còn 32.000 đồng/kg, người dân phải chịu lỗ.
Giá heo thấp là vậy nhưng tốc độ tiêu thụ heo rất chậm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết mặc dù giá heo giảm mạnh nhưng nhiều người dân vẫn không dám ăn và thậm chí có trường hợp "tẩy chay" thịt heo trong giai đoạn này.
Tương tự, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đề cập tới khó khăn người tiêu dùng sợ không dám ăn thịt heo dẫn đến một số hộ bán tháo, càng khiến nguy cơ lây lan tăng mạnh hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh cần định hướng và thúc đẩy truyền thông đến với người dân rằng dịch tả heo châu Phi không lây sang người và thời điểm này vẫn tiêu thụ thịt heo bình thường, không quay lưng với thịt heo.
Bộ trưởng cũng khuyến nghị bà con cần giữ bình tĩnh trong thời điểm này: "Chúng ta không được hoang mang, bán đổ bán tháo thịt heo dẫn đến tình trạng thiếu thịt heo sau này".
Bước ngoặt mới cho ngành chăn nuôi heo?
Dịch tả heo châu Phi bùng nổ và nhiều người đặt dấu hỏi lớn về khả năng phòng chống dịch bệnh ở các nông trại nhỏ lẻ.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gần như 100% trường hợp bệnh dịch tả heo châu Phi phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Tất cả trang trại quy mô lớn đều làm rất tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học, do đó không xuất hiện dịch tả heo châu Phi.
Đối với những gia đình đã bị bệnh, chúng ta tổ chức tiêu trùng, khử độc, không tái đàn lúc này. Đến khi nào cơ quan chức năng thông báo an toàn thì mới tái đàn trở lại để tránh nguy cơ dịch tả heo châu Phi quay trở lại".
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ mong muốn sau những đợt dịch như hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ có bước "lột xác" thực sự mạnh mẽ.
Sau đợt dịch này, ngành chăn nuôi sẽ có những cải tổ rất rộng rãi. Đầu tiên đó là luật chăn nuôi hiện nay đã có. Bên cạnh đó, chăn nuôi bài bản hơn, năng suất hơn kéo theo giá thành sản xuất cũng được kéo xuống theo. Nếu giá thành chăn nuôi trên toàn quốc kéo xuống mức khoảng 30.000 đồng/kg, sức cạnh tranh với thịt heo nhập khẩu ở thị trường nội địa sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Công chia sẻ: "Thực ra, Việt Nam có tới mấy triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng các nông hộ trước giờ nuôi theo kiểu "bỏ ống", tức là tận dụng thời gian nhà rỗi để chăn nuôi heo, khi nào heo lớn thì bán chứ không nghĩ tới tăng năng suất bằng kĩ thuật bài bản".
Ông Công lấy kiến nghị: "Tôi lấy ví dụ thay vì nuôi 3,4 con heo nái, nay người dân chỉ cần nuôi 2 con nhưng tập trung vào năng suất, hạ giá thành thì lời lãi từ 2 con heo nái có khi bằng nuôi cả 4 con theo phương pháp cũ".
Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho hay, cả nước Nhật chỉ có 1 triệu con heo nái và họ cũng phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng từ 1 triệu con heo nái họ lại sản xuất được 28 triệu con heo thịt một năm. Còn ở Việt Nam có tới 3,5 triệu con nái nhưng Việt Nam chỉ sản xuất dc 30 triệu con heo thịt mỗi năm. Như vậy năng suất của Nhật gấp 3,5 lần Việt Nam.
"Việt Nam chỉ cần giảm 1 triệu nái nhưng thay đổi về con giống, thay đổi tập quán, kĩ thuật, sẽ nâng năng suất và giảm giá thành rất nhiều. Cứ thử tính 1 triệu con nái, mỗi con ăn 2 kg thức ăn/ngày. Nếu giảm 1 triệu con nái tức là chúng ta đã tiết kiệm được 2 triệu kí thức ăn/ngày", ông Công cho biết.
Nguồn: Vietnambiz