Một số người kỳ vọng giá sẽ giảm vào năm sau, nhưng biến đổi khí hậu và các yếu tố khác có thể khiến giá tăng cao hơn trong dài hạn, theo Nikkei Asia.
Giá cà phê đã tăng vọt trong những tháng gần đây, trong đó, giá cà phê robusta giao sau đạt kỷ lục trong tháng 7. Giá cà phê robusta tiếp tục được giao dịch ở mức trên 4.000 USD/tấn, trong khi giá cà phê arabica giao sáu tại Sàn New York đang ở mức trên 2 USD/pound trong tháng này.
Trước đây, "Chúng tôi nghĩ rằng 2.000 USD là đỉnh" đối với robusta, ông Kosuke Nakamura, giám đốc nhập khẩu tại UCC Ueshima Coffee của Nhật Bản cho biết. “Thời điểm cách đây 1- 2 năm, đây là mức giá cao không tưởng.”
Giá cà phê giao sau vẫn duy trì ở mức cao (Nguồn: Refinitiv, Nikkei Asia)
Giá cao phản ánh một loạt các yếu tố. Sản lượng cà phê tại Việt Nam - quốc gia sản xuất lớn thứ hai thế giới - đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi El Nino vào năm ngoái.
Ông Carlos Mera, giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank, cho biết sản lượng của Việt Nam "không phải là sự thất vọng lớn", bởi mức giảm lớn hơn so với kỳ vọng chỉ 5%. Nhưng vụ thu hoạch thấp ở Brazil trong những năm trước, dẫn đến lượng hàng tồn kho thấp.
Sự chậm trễ trong vận chuyển đã tạo thêm một yếu tố bất ổn khác. Các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, thay vì đi qua kênh đào Suez do căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ.
Đối với người mua ở Châu Âu, quy định về phá rừng (EUDR), cũng đang là một trở ngại lớn. Các công ty nhập khẩu đang đẩy mạnh việc mua hàng, tăng lượng tồn kho trước khi quy định này có hiệu lực vào cuối năm nay.
Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm cho giá cà phê tăng cao. "Chúng tôi dự kiến giá sẽ vẫn biến động trong năm 2024", ông Mera cho biết, trước khi giảm xuống vào năm 2025 do vụ mùa ở Brazil dự kiến khả quan.
Ông Charles Hart, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại BMI, cho biết, “Giá cà phê đang nhạy cảm với tin tức hơn bình thường" vì nguồn cung đang bị thắt chặt. Ông nhận định hiện tượng thời tiết La Nina mang lại nhiều mưa hơn, trùng với thời điểm thu hoạch ở Việt Nam vào cuối năm nay đóng vai trò là “dấu hiệu tích cực cho thị trường”.
Ông Taisuke Horie, một nhà giao dịch cà phê tại công ty Nhật Bản Marubeni cho biết nhu cầu tập trung vào một số loại hạt cà phê giá rẻ chứ không hướng đến những loại đắt tiền. Một số nhà nhập khẩu lớn đã chuyển sang cà phê robusta, thường rẻ hơn arabica, kể từ năm 2021, khi nguồn cung của Brazil bị ảnh hưởng nặng nề bởi sương giá. Mặc dù Brazil có vụ thu hoạch arabica bội thu trong năm nay, nhưng người mua vẫn chưa hoàn toàn trở lại với arabica, đặc biệt là đối với hạt cà phê chế biến ướt chất lượng cao.
Điều này dẫn đến giá robusta cao hơn arabica của Brazil trong một số thời điểm.
Mặc dù giá cả cuối cùng có thể giảm từ mức cao hiện tại, nhưng các yếu tố cấu trúc có thể khiến giá cà phê vẫn đắt hơn trước đây.
Các hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn có thể làm tăng sự thay đổi theo mùa trong sản xuất cà phê thế giới và do đó, làm tăng biến động giá.
Tác động này đã được cảm nhận rõ rệt ở Tây Nguyên, nơi quả cà phê có đủ kích cỡ khác nhau trong mùa vụ năm nay.
Bà Uyên Lê, một chuyên gia kỹ thuật tại Bosgaurus Coffee Roasters, cho rằng sự thay đổi về kích thước là do lượng mưa không đều. Năm nay lượng mưa ít hơn, ít thường xuyên hơn, khiến cây cà phê Việt Nam chỉ cho ra hạt lớn ở một số nơi và hạt nhỏ ở những nơi khác.
Việc lượng mưa khó đoán định chỉ là một trong những cơn đau đầu của người nông dân, những người phải quyết định khi nào thu hoạch và cách phân loại các loại hạt khác nhau. Theo bà, khi nhiệt độ toàn cầu tăng, năng suất giảm và côn trùng đi kèm với thời tiết nóng hơn buộc người phải phun thuốc trừ sâu thường xuyên hơn.
"Nó sẽ khiến giá quả cà phê tăng vọt", bà nói trong một cuộc phỏng vấn. "Đó là điều tôi lo sợ".
Theo Christian Bunn, một nhà khoa học tại Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế, sản lượng cà phê robusta chịu ảnh hưởng lớn bởi độ ẩm và lượng mưa, trong khi sản lượng cà phê arabica phụ thuộc nhiều hơn vào sự thay đổi nhiệt độ.
Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến "chất lượng giảm, giá cả biến động nhiều hơn và tăng trưởng chậm về số lượng", ông Bunn cho biết. Mặc dù việc lai tạo là quan trọng để sản xuất cà phê có khả năng chịu đựng căng thẳng, nhưng phải mất nhiều năm và "có nguy cơ chúng ta đang thua trong cuộc đua chống lại biến đổi khí hậu", ông cho biết.
Điều kiện thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến mùa màng mà còn ảnh hưởng đến người nông dân. Đảm bảo chất lượng là công việc đòi hỏi nhiều lao động, từ trồng cây che bóng mát đến hái những quả cà phê ngon nhất.
Ông Christian Bunn cho biết với việc giá cả biến động và thu nhập bất bênh khiến người dân ít sát sao đối với công việc chăm sóc cà phê hơn; thay vào đó là dành sức lao động vào các công việc khác.
Ngoài ra, một số nông dân đang chuyển sang trồng cà phê đặc sản cao cấp.
Bà Lê, một cố vấn cho người nông dân cho biết, nhiều người muốn tham gia vào thị trường đặc sản. "Họ hỏi tôi nhiều câu hỏi: làm thế nào để tham gia, làm thế nào để nếm thử, họ có thể đến đâu để nghiên cứu về nó."
Những hoạt động đó nhằm nâng cao chuỗi giá trị và chuyển sang canh tác thân thiện với môi trường. Điều này khiến bà lạc quan hơn về thị trường cà phê trong dài hạn.
"Khí hậu vẫn thay đổi", bà nói, "nhưng con người cũng đang thay đổi".
Ông Bunn cho biết ở những nơi khác tại Châu Á, Indonesia có khả năng vẫn giữ được độ ẩm và tương đối thích hợp cho việc sản xuất cà phê trong dài hạn.
"Vấn đề thời tiết chỉ xảy ra ở Brazil và Việt Nam; Indonesia thì không có vấn đề gì cả. Hiện tại, những người nông dân trồng cà phê robusta của chúng tôi thực sự được hưởng lợi nhuận, vì đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay đối với cà phê robusta", ông Irfan Anwar, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia, nói với Nikkei Asia.
Một nhà sản xuất cà phê tại tỉnh Lampung của Indonesia, cho rằng nhu cầu vẫn tăng trong tương lai, giúp duy trì giá cà phê ở mức cao. Mặc dù giá tăng vọt, "nhu cầu robusta vẫn mạnh, và các nhà rang xay địa phương luôn có mặt trên thị trường bất kể giá cả thế nào", ông nói.
Ông Anwar cho biết các nhà sản xuất Indonesia gần đây đã chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Đông và Châu Á - đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan - nhờ vào dân số ngày càng tăng.
Một số người mua lo ngại về tác động của các quy định bảo vệ rừng như EUDR. Quy định này hoặc các yêu cầu tương tự trong tương lai "sẽ khiến việc mở rộng các vùng canh tác mới trở nên khó khăn về mặt xã hội", mặc dù sản lượng vẫn có thể tăng thông qua việc tăng hiệu quả như ở Brazil.
Nếu EUDR "được áp dụng nghiêm ngặt, tôi nghĩ sẽ không có nhiều quốc gia sản xuất cà phê có thể tuân thủ ngay lập tức", ông Horie cho biết. Việc chứng minh một nông trại không liên quan đến nạn phá rừng sẽ rất khó khăn nếu không có dữ liệu, ngay cả khi thực tế, nông trại đó không làm gì gây hại cho rừng.
Người mua thường giao dịch với nhiều người trồng cà phê và việc chứng minh sự tuân thủ quy định đối với tất cả họ sẽ không dễ dàng, Horie cho biết. Điều này có nghĩa là các rào cản quy định nghiêm ngặt có thể hạn chế nguồn cà phê đối với một số người mua.
Với quy định của EU, "các nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí tuân thủ... vì vậy, đây không chỉ là vấn đề của EU", ông Nakamura của UCC cho biết. Khả năng truy xuất nguồn gốc là xu hướng toàn cầu và trên thực tế, nhóm UCC đã công bố cam kết đảm bảo "không phá rừng" vào năm 2030.
Ông Horie cho biết một tác động của giá cà phê nhân cao đối với sản phẩm cuối cùng có thể là cà phê hòa tan được làm từ ít hạt hơn thông qua các phương pháp chiết xuất hiệu quả hơn. Một tác động khác có thể là cà phê ngày càng trở thành một đồ uống xa xỉ, "khi những người không thể chịu đựng được mức giá ngày một đắt đỏ”.
Nguồn:H.Mĩ/Doanh nghiệp & Kinh doanh