menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp thủy sản nên cân nhắc thời gian XK sang Mỹ để tránh bị áp mức thuế không mong muốn

16:02 10/04/2025

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các doanh nghiệp nên cân nhắc thời gian xuất khẩu hàng sang Mỹ để tránh bị áp mức thuế không mong muốn.
Theo thống kê sơ bộ của Vasep, tại thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo số liệu áp thuế cụ thể, khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển sang Mỹ; 31.500 tấn hàng dự kiến xuất trong tháng 4-5 và thêm 38.500 tấn đã ký hợp đồng cho năm 2025 đang đối diện nguy cơ bị đánh thuế cao bất ngờ.
Nếu Mỹ áp thuế theo ngày cập cảng (sau 9/4), toàn bộ lượng hàng đang vận chuyển có thể chịu mức thuế nhập khẩu 46% thay vì 0-7% như hiện tại.
Vasep nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh cao và thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là DDP (giao hàng tận kho) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ. Do vậy, mức thuế mới khiến cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này, đặc biệt hiện tại nhiều lô hàng đang trên đường tới Mỹ có thể bị áp mức thuế cao, 46%.
“Một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chỉ chịu thuế 25.000 USD (5%) nhưng nếu bị áp thuế 46% sẽ phát sinh chi phí thuế tới 230.000 USD – tăng gấp 9 lần” - Vasep dẫn chứng.
Không chỉ thiệt hại về chi phí, mức thuế 46% cũng đẩy các doanh nghiệp thủy sản vào thế yếu trong cạnh tranh. Theo Vasep với mức thuế 46%, cao hơn nhiều so với mức thuế áp cho các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh, thủy sản Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường quan trọng nhất này, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ vì các nước xuất khẩu thủy sản khác đều có mức thuế thấp hơn nhiều so với Việt Nam (Ấn Độ 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%...).
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt gần 2 tỷ USD/năm, chiếm 20% tổng xuất khẩu toàn ngành. Mỹ là thị trường lớn nhất cho mặt hàng tôm, cá ngừ và lớn thứ hai ở mặt hàng cá tra. Khoảng 70% sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng, gắn với sinh kế hàng trăm nghìn hộ nông dân, còn lại là hải sản khai thác.
“Đây là những con số rất lớn đối với ngành thủy sản, không chỉ là tài sản của bà con nông - ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam mà điều quan trọng hơn là sinh kế và những đầu tư, kế hoạch sản xuất đã chuẩn bị để cung ứng cho thị trường Mỹ bị đe dọa” - Đại diện Vasep cho biết.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn sang Mỹ, đặc biệt là tôm và cá tra. Nếu thuế xuất khẩu tăng, giá thành thủy sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn cho việc duy trì hợp đồng với các đối tác Mỹ.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang lo lắng trước thông tin Mỹ sẽ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp đang nghe ngóng thêm tình hình. Hiện tại giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên 150% thì không thể cạnh tranh nổi.
Trước tình thế khẩn cấp này, Vasep đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ sớm nhất. Trong đó, có một số nội dung quan trọng như: Xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu mới với Chính phủ Mỹ và đề nghị Chính phủ Mỹ thông báo cho cơ quan Hải quan Mỹ áp dụng mốc thời gian "load onto vessels" là ngày xuất khẩu được xác định trên vận đơn B/L; đàm phán điều chỉnh giảm mức thuế xuống mức phù hợp nhất… Theo đó, việc đàm phán với Chính phủ Mỹ không áp mức 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng. Chính phủ Việt Nam xem xét chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa là thủy sản được nhập khẩu từ Mỹ. Trong đó, đặc biệt chú ý tới các sản phẩm chủ lực như tôm, cá ngừ… vì thực tế nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ Mỹ là không đáng kể và thậm chí gần như không có (như cá ngừ). Việc này để có cơ sở đàm phán và đề nghị phía Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu đối ứng là 0% tương tự phía Việt Nam áp dụng cho Mỹ.
Bên cạnh đó, Vasep cũng khuyến nghị doanh nghiệp hội viên, cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Không nên xuất hàng từ ngày 5/4/2025 để tránh bị áp thuế bổ sung 10%. Không xuất hàng từ ngày 9/4/2025 để tránh mức thuế đối ứng 46%. Các doanh nghiệp nên chờ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch xuất khẩu tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 vào thị trường Mỹ đạt trên 300 triệu USD, còn lại là thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Đối với các ngành hàng như cá tra và tôm đang là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực vào thị trường Mỹ, chúng ta cần đánh giá kỹ.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng vào sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm gửi Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên; đồng thời đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Tổ phó, các thành viên là lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.

Nguồn:Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số