Các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng liên tục của sản xuất thịt lợn và sự bão hòa thị trường sẽ dẫn đến cạnh tranh gia tăng giữa các nhà sản xuất. Theo tính toán của Rosstat, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Nga lên tới 5,76 triệu tấn, tăng 275,5 nghìn tấn so với năm 2021. Tiêu thụ nội địa tăng 242,2 nghìn tấn thịt xẻ và đạt 4,36 triệu tấn. Tuy nhiên, tiêu thụ các loại thịt đỏ giảm: thịt bò giảm 54,7 nghìn tấn so với năm 2021 và thịt cừu giảm 5,7 nghìn tấn.
Giá thịt lợn loại 1 và loại 2 tại Quận Trung tâm vào cuối năm 2022 là 117,5 rúp/kg, giảm 5,8% so với năm 2021. Trước đó, NSS đã cảnh báo về khả năng giảm giá ít nhất 10%. Mức giảm giá thực tế thấp hơn so với dự báo do tiêu dùng trong nước tăng đã hạn chế đà giảm. Tiêu thụ cũng tăng bởi sự hỗ trợ của chính phủ cho người nghèo và giảm chênh lệch giá giữa thịt lợn và gia cầm.
NSS hy vọng rằng do giá thịt lợn giảm và tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường, mức tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng 1-2% mỗi năm cho đến ít nhất là năm 2025 và sẽ đạt 32 kg/người/năm so với 30 kg hiện nay.
Sản lượng thịt lợn tăng dẫn đến bão hòa tại thị trường nội địa, nên Nga sẽ tiếp tục chuyển từ mô hình thay thế nhập khẩu sản phẩm lợn sang chiến lược xuất khẩu. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất thịt tại thị trường Nga sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới sang thị trường Đông Nam Á.
NSS nhận định: Năm 2020-2022, Nga đã lọt vào Top 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới. Mục tiêu lọt vào Top 5 thị trường xuất khẩu thịt lợn toàn cầu là thách thức chính của ngành chăn nuôi lợn Nga trong 10 năm tới.
Đồng thời, nối tiếp kết quả năm ngoái, Nga đã tăng nhập khẩu thịt lợn thêm 53% lên 17,98 nghìn tấn. Xuất khẩu thịt lợn (bao gồm lợn hơi, mỡ lợn, nội tạng và sản phẩm khác) giảm 10% xuống 173 nghìn tấn, chủ yếu do việc giảm xuất khẩu sang Việt Nam và Hồng Kông do chi phí vận chuyển tăng và giá thịt lợn tại Nga thấp hơn ở Đông Nam Á. Đồng thời, xuất khẩu thịt lợn từ Nga sang Kazakhstan và Belarus tăng.
Xuất khẩu sẽ là xu hướng chính của ngành thịt lợn Nga trong vài năm tới, có nghĩa là các nhà sản xuất sẽ phải nghiên cứu thị trường chủ đạo, đào tạo nhân sự và đầu tư vào năng lực cấp đông và bảo quản.
Việc hợp tác của các nhà sản xuất thịt lợn là cần thiết để mở rộng quy mô chăn nuôi lớn và cần loại dần những nhà sản xuất nhỏ. Nếu đến cuối năm 2022, tỷ trọng của 20 nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu chiếm 76% trong tổng sản lượng thịt lợn cả nước, thì đến năm 2025 sẽ đạt 83%.
Nguồn:Vinanet/VITIC/meatcommerce.com