Việt Nam và Philippin đều có những điểm tương đồng để cùng khai thác và phát triển như Hai nền kinh tế đều có độ mở cao; hai nước cùng trong khu vực Đông Nam Á; có quy mô dân số, trình độ phát triển không khác biệt; và có nhiều gắn kết về lịch sử, văn hóa và con người; cùng có cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương; đều là thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Về hợp tác thương mại, Philippin hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 trên thế giới và lớn thứ sáu trong ASEAN của Việt Nam; trong khi đó Việt Nam là nhà cung ứng hàng hóa lớn thứ 9 của Philippin trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN. Hợp tác về Gạo là điểm sáng trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia; tại thị trường Philipines, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Ngoài ra, gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippin (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, Philippin hiện đang có 98 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 609 triệu USD. Tăng cường thu hút sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp hai nước vào thị trường của nhau là một trong những mục tiêu mà hai bên hướng đến.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Philippin đạt 7,80 tỷ USD, giảm nhẹ 0,13% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,15 tỷ USD, tăng nhẹ 0,97% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,65 tỷ USD, giảm 2,19%.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Philippin trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Thuận lợi về khoảng cách địa lý và sự tương đồng về văn hóa tiêu dùng giúp Philippin trở thành thị trường có nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Philippin là quốc gia không có những yêu cầu quá khắt khe về chất lượng hàng hóa dịch vụ, vì vậy hàng Việt xuất khẩu vào thị trường này sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với một số thị trường khó tính khác như EU hay Hoa Kỳ. Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Philippin gồm nông sản, thủy hải sản, bánh kẹo, hàng dệt may, máy móc, thiết bị ... Trong đó, mặt hàng nông sản, đặc biệt gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Philippin.
Năm 2013 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Philippin thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 1,69 tỷ USD, trong khi đó năm 2023 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 5,15 tỷ USD, tăng 0,97% so với năm 2022 và tăng rất mạnh 204,11% so với 10 năm trước đó; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10,76%. Mặc dù năm 2023 có nhiều khó khăn do tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu nhiều bất ổn, song xuất khẩu hàng hóa sang Philippin vẫn duy trì đà tăng đều đặn.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Philippin trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo số liệu từ Trading Economics, nền kinh tế Philippin tăng trưởng 6,3% theo quý trong trong quý II/2024, vượt qua dự báo của thị trường là 6,2%. Chính phủ nước này đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6-7% trong năm 2024. Philippin đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng nhờ tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này tăng 5,6%, vượt qua mức tăng trưởng trung bình 5,5% được ghi nhận trong một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế.
Trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Philippin đạt 537,97 triệu USD, giảm 14,19% so với tháng trước đó nhưng tăng mạnh 57,45% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng đáng kể so với 9 tháng đầu năm 2023 là 20,68%, đạt 4,62 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Gạo (chiếm tỷ trọng 42,85%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 6,31%) và Clanhke và xi măng (chiếm tỷ trọng 5,04%).
Tỷ trọng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Philippin trong 9 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: %)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Philippin. Hợp tác về gạo giữa hai nước trong những năm qua đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Philippin. Philippin tuy là một quốc gia sản xuất nông nghiệp song sản lượng trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân, vì vậy hàng năm nước này vẫn phải nhập khẩu từ các thị trường khác. Các năm trước, do Philippin nhập khẩu gạo theo phương thức đàm phán liên chính phủ (GTG) nên gạo Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan; song kể từ năm 2019, khi nước này ban hành và thực thi luật cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và hạn chế nhập khẩu gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nhà cung ứng quan trọng cho Philippin, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippin.
Mặc dù là một đối tác tiềm năng, song các doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng hiện nay trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Philippin tỉ trọng mặt hàng nông sản lớn trong khi các ngành hàng khác sản phẩm còn rất lẻ tẻ, chưa đa dạng, chưa có nhiều mặt hàng nông sản tươi sống (như hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippin dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường mở rộng cơ cấu mặt hàng, gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Philippin.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Philippin trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 9/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Philippin đạt 199,15 triệu USD, giảm 3,44% so với tháng trước đó và giảm 25,74% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm nhẹ là 0,2% so với 9 tháng đầu năm 2023, đạt 1,86 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 62,91%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 11,09%) và Kim loại thường khác (chiếm tỷ trọng 6,06%).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Philippin đạt 6,48 tỷ USD, tăng 13,83% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại đạt 2,75 tỷ USD, tăng đáng kể 40,56%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Philippin trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tháng 01/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng thống Philippin Ferdinand Romualdez Marcos Jr. thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
Để tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các ngành và các địa phương; khẳng định việc gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo hai nước góp phần củng cố, tăng cường lòng tin chính trị và thúc đẩy toàn diện hợp tác song phương.
Hai bên nhất trí sớm triển khai đầy đủ các cơ chế hợp tác song phương; rà soát toàn diện Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019-2024, xây dựng Chương trình hành động giai đoạn mới, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mới, tiềm năng như chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…
Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025; tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, nhất là các lĩnh vực hai bên cùng có nhu cầu và thế mạnh như công nghệ chế biến, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ ô tô, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
Về thương mại gạo, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng với Philippin, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn gắn liền với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực; đề nghị hai bên triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo được ký kết nhân dịp này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippin tại Hà Nội từ ngày 29-30/01/2024, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Philippin sẽ ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Đây là một văn kiện quan trọng, đưa ra những định hướng lớn và một số hoạt động phối hợp giữa hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo trong giai đoạn 05 năm tới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn phía Bạn đã luôn tin tưởng, lựa chọn gạo Việt Nam làm thực phẩm chính cho khẩu phần hàng ngày và để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam luôn xác định Philippin là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng hàng đầu của mình. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, hai Bộ trưởng thống nhất ngay sau khi Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo được ký kết và có hiệu lực, hai Bên sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối tích cực trao đổi, xây dựng kế hoạch phối hợp để triển khai Bản ghi nhớ. Bên cạnh thương mại gạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Philippin tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam để triển khai các thủ tục SPS, sớm mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của nhau.
Hoạt động xúc tiến thương mại:
Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thâm nhập thị trường Philippin, một trong những phương thức hiệu quả đối với các doanh nghiệp trong nước là tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế. Thương vụ Việt Nam tại Philippin đã thông tin về một số hoạt động hội chợ triển lãm tiêu biểu đến các doanh nghiệp trong nước. Thương vụ Việt Nam tại Philippin luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm và có nhu cầu đối với các sự kiện này.
Triển lãm tiêu dùng điện tử WOCEE (World of Consumer Electronics Expo) và Triển lãm về an ninh an toàn WOSAS (World of Safety and Security Expo) diễn ra từ ngày 7 – 10/8/2024 tại Trung tâm Hội nghị SMX, Manila, Philippin.
Triển lãm về thực phẩm và đồ uống Cefbex (Cebu Foods and Beverages Exo) diễn ra từ ngày 12 – 15/9/2024 tại tỉnh Cebu, Philippin.
Triển lãm về máy móc Phimach (Philippin Machinery Exhibition) diễn ra từ ngày 16 – 19/10/2024 tại Trung tâm hội nghị SMX Manila, Philippin.
Ngày hội tiêu dùng, ẩm thực và đồ uống World Bazaar Festival diễn ra từ ngày 06 – 23/12/2024 tại Trung tâm Thương mại quốc tế Manila, Philippin.
Nguồn:VITIC tổng hợp