Giá cà phê tăng... “khó hãm”
Niên vụ 2023 - 2024, diện tích trồng cà phê cả nước là 700.000ha. Tất nhiên, đây cũng chỉ là con số mang tính tương đối. Ở một số báo cáo khác, diện tích cà phê cả nước chỉ đâu chừng trên 600.000ha.
Khoan bàn đến câu chuyện diện tích, mà hãy nói đến giá cà phê năm 2024 này. Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2024, người trồng cà phê đã đón nhận tin vui khi mà ở thời điểm này, cà phê nhân xô thu mua tại các vườn ở Tây Nguyên đã đạt khoảng trên 60.000 đồng/kg. Cứ như vậy, giá cà phê tăng dần để đến đầu tháng 12/2024, giá cà phê nhân xô thu mua ở Tây Nguyên đạt mốc kỷ lục là 131.000 đồng/kg.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê nội địa tại Việt Nam tăng trong thời điểm vụ thu hái cà phê đang diễn ra, đó là do nhu cầu lớn trong khi nguồn cung thì lại hạn chế. Điều này dễ hiểu bởi khác với những năm trước, năm nay người trồng cà phê ở Tây Nguyên không gặp nhiều áp lực về tài chính, bởi không ít nhà vườn đã có thu nhập ổn định từ các loại cây trồng khác như sầu riêng, hồ tiêu... Do đó, họ không vội thu hoạch khi cà phê chưa thật sự chín, cũng như không vội bán cà phê nhân mà “găm hàng”, chờ giá lên cao hơn.
Còn đối với thị trường thế giới, giá cà phê ngay ngày đầu tháng 12/2024 đồng loạt tăng trên cả 2 sàn giao dịch: Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2024 tăng 666 USD/tấn. Trên sàn ICE Futures US, cà phê Robusta giao tháng 12/2024 tăng 25,10 cent/lb so với tuần trước đó là 312,85 cent/lb.
Quay trở lại vùng trọng điểm cà phê của Việt Nam là các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2024 là năm bội thu của người trồng cà phê nơi đây. Tại Đăk Lăk, niên vụ cà phê 2023 - 2024 chứng kiến giá cà phê hạt tăng đột biến và đạt kỷ lục, có thời điểm đạt 135.000 đồng/kg. “Đây là giá cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 82% so với niên vụ trước và gần gấp 3 lần so với các năm trước đây”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk thông tin.
Còn ở Gia Lai cũng như các tỉnh có cà phê khác ở khu vực Tây Nguyên, giá cà phê cũng loanh quanh ở con số nêu trên.
Sản lượng giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng
Năm 2024, mặc dù sản lượng cà phê xuất khẩu có giảm, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh lên tới trên 33%. Lý do duy nhất, đó là nhờ giá cà phê tăng cao. Theo đó, xuất khẩu cà phê niên vụ qua đã đóng góp 5,43 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay, vượt xa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực khác.
Niềm vui được mùa cà phê. Ảnh: ĐL.
Dẫn đầu mặt hàng xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2024, có thể nhắc đến Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai). Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong niên vụ 2023 - 2024 đã có sự thay đổi lớn về thứ hạng của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Nếu như những năm trước, Vĩnh Hiệp chỉ đứng thứ hai sau Công ty CP Tập đoàn Intimex (TP Hồ Chí Minh) thì năm 2024, Vĩnh Hiệp đã vươn lên chiếm ngôi đầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hiệp tăng nhanh từ 244 triệu USD niên vụ 2022 - 2023 lên 520 triệu USD niên vụ 2023 - 2024. Trong khi đó, Tập đoàn Intimex lại có mức tăng trưởng thấp hơn, từ 318 triệu USD lên 407 triệu USD so cùng niên vụ.
Bên cạnh hai “ông lớn” nêu trên, còn có không ít các doanh nghiệp khác có giá trị xuất khẩu cà phê năm 2024 đạt trên 200 triệu USD như Công ty CP Intimex Mỹ Phước, Công ty Nestlé Việt Nam, Công ty Louis Dreyfus Company Việt Nam... Trong khi đó, “ông lớn” Trung Nguyên đã “rớt hạng”, xuống đứng thứ 16 trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Quay lại với “người dẫn đầu” là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc cho biết: “Trong năm 2024, công ty đã phối hợp với địa phương nhằm giải quyết những thách thức về phát triển ngành hàng cà phê, tuân thủ quy định tránh phá rừng của châu Âu (EUDR), giảm phát thải nhà kính, sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, các đối tác nước ngoài luôn khẳng định thương hiệu cà phê nhân xanh của Gia Lai có chất lượng tốt. Hiện sản phẩm cà phê của công ty đã được xuất khẩu đến 57 quốc gia trên thế giới”.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, ông Phạm Văn Binh cho biết, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này đạt 820 triệu USD, vượt 9,3% kế hoạch, tăng 20,6% so với năm 2023. Vĩnh Hiệp hiện đứng đầu về xuất khẩu cà phê của Việt Nam, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước, chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu cà phê của Gia Lai và chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong năm 2024.
“Gia Lai có 30 doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, nhiều năm liền được Bộ Công thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Với đà tăng trưởng của nhành hàng cà phê như hiện nay, con số 1 tỷ USD là hoàn toàn có thể nghĩ đến trong tương lai không xa”, ông Binh chia sẻ.
Hướng đến những vườn cây bền vững
Tỉnh Gia Lai hiện có trên 105.000ha cà phê. Đây là loại cây trồng chủ lực và mang về nguồn lợi đáng kể cho người dân tỉnh này. Với diện tích nói trên, có 94.270ha đang cho kinh doanh, năng suất bình quân đạt 33,1 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 312.100 tấn. Hiện Gia Lai có khoảng 46.000ha cà phê được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Rainforest, Organic...
Còn ở Đăk Lăk, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích 212.000ha, sản lượng khoảng 354.000 tấn, chiếm khoảng 30% diện tích cả nước và trên 33% diện tích toàn vùng Tây Nguyên.
Gia Lai và Đăk Lăk là hai tỉnh có diện tích cà phê lớn. Cây cà phê đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây, đồng thời đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển những vườn cà phê nơi đây đang được chính quyền hai tỉnh này luôn cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Giá cà phê lên cao sẽ kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản, bởi người dân cứ nghĩ rằng, không cần làm cà phê chất lượng cao thì vẫn có giá tốt”.
Xanh mướt những vườn cà phê tái canh. Ảnh: Đăng Lâm.
Để ngành hàng cà phê của Đăk Lăk phát triển bền vững trong thời gian tới, quan điểm của tỉnh là ổn định diện tích hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng.
“Đăk Lăk sẽ tập trung quản lý tốt ngành hàng cà phê, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ‘Thành phố cà phê của thế giới’. Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án cà phê bền vững giai đoạn mới, có những chính sách phù hợp để hỗ trợ thích đáng cho chuỗi ngành hàng từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại bền vững”, ông Nguyễn Hoài Dương.
Còn ở Gia Lai, tuy diện tích và sản lượng cà phê không bằng “người hàng xóm” Đăk Lăk, nhưng theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, thì “cà phê Gia Lai thơm ngon nổi tiếng vì phát triển trên những cao nguyên đất đỏ bazan nên rất giàu dinh dưỡng, khí hậu phù hợp và được trồng bằng giống tốt, áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt cà phê Gia Lai thu hoạch chính vụ vào mùa khô nên chất lượng được đánh giá là tốt nhất Việt Nam”.
Theo đó, cũng như Đăk Lăk, tỉnh Gia Lai đang xây dựng những kế hoạch mang tính bền vững như khống chế diện tích cà phê hiện có, đồng thời triển khai lựa chọn giống phù hợp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, canh tác theo tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm tăng tính minh bạch cho sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy định chống phá rừng của EU, tăng cường quảng bá thương hiệu và tìm kiếm thị trường mới...
Để ngành hàng cà phê phát triển bền vững trong thời gian tới, rất cần sự phối hợp giám sát an toàn thực phẩm, mã số từ sản xuất đến đóng gói để truy xuất nguồn gốc. Áp dựng các chế tài mạnh đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn được thế giới công nhận...
Nguồn:Trần Đăng Lâm/Báo Nông nghiệp Việt Nam