menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu cọ Malaysia hôm nay 11/11 hồi phục 2,5% nhờ xuất khẩu tháng 11 tăng mạnh

17:02 11/11/2022

Giá dầu cọ Malaysia hôm nay 11/11 tăng vọt nhờ số liệu xuất khẩu đầu tháng 11 tăng mạnh, nhưng tính chung cả tuần giá vẫn đang trên đà sụt giảm và Indonesia có kế hoạch tăng giá tham chiếu thuế xuất khẩu.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 106 ringgit, tương đương 2,54% lên 4.284 ringgit (923,87 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này chốt ở 4.213 ringgit (908,17 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 1,9%.
Tại nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu Indonesia, quan chức Bộ Thương mại Farid Amir cho biết, Jakarta có kế hoạch đặt giá dầu cọ thô tham chiếu cao hơn ở mức 826,58 USD/tấn cho các chuyến hàng từ 16-30/11.
Sathia Varqa, đồng sáng lập của Palm Oil Analytics có trụ sở tại Singapore, cho biết phí và thuế cao hơn của Indonesia có thể làm giảm chiết khấu giá của Indonesia và điều này sẽ giúp giá dầu cọ của Malaysia tăng lên.
Các nhà khảo sát hàng hoá cho biết, xuất khẩu của Malaysia trong nửa đầu tháng 11/2022 đã tăng 12,7-33% so với cùng giai đoạn tháng 10, do xuất khẩu đến Ấn Độ và Trung Quốc tăng tốc.
Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 10/2022 tăng 3,74% so với tháng trước đó lên 2,4 triệu tấn - mức cao nhất 3 năm - do sản lượng được cải thiện. Tuy nhiên, con số này thấp hơn một chút so với Reuters khảo sát, với mức tồn kho ở 2,53 triệu tấn. Sản lượng dầu cọ thô tăng tháng thứ năm trong tháng 10/2022, trong bối cảnh mùa vụ cao điểm, với mức tăng 2,44% lên 1,81 triệu tấn. Xuất khẩu tăng 5,66% lên 1,5 triệu tấn còn nhập khẩu giảm 49,85%.
Anilkumar Bagani, trưởng nhóm nghiên cứu của Sunvin Group có trụ sở tại Mumbai, cho biết, mặc dù dự trữ cao hơn theo tháng và theo năm, nhưng báo cáo này hơi lạc quan so với mức giảm giá bất thường của dầu cọ so với các loại dầu thực vật cạnh tranh và tốc độ xuất khẩu mạnh mẽ trong tháng 11 cho đến nay.
Mưa lớn và nguy cơ lũ lụt cao do ảnh hưởng của La Nina đang đe dọa đến thu hoạch của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới Indonesia và Malaysia, có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong tháng 11 và tháng 12 tới.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 1% trong khi giá dầu cọ tăng 2%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,3%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters