Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 106 ringgit, tương đương 2,97% lên mức 3.674 ringgit/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 3.654 ringgit (821,59 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá hợp đồng này giảm tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm 11,8%.
Giá dầu tăng trong bối cảnh không chắc chắn về tính tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong việc tăng lãi suất cơ bản để chống lại lạm phát cao nhất trong vòng hơn 40 năm, khiến cọ trở thành lựa chọn hấp dẫn cho nguyên liệu sản xuất dầu diesel sinh học. Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7.
Indonesia có kế hoạch đưa ra các quy định mới về thuế xuất khẩu dầu cọ và các ưu đãi nhằm thúc đẩy xuất khẩu – nỗ lực mới nhất sau khi lệnh cấm xuất khẩu chấm dứt hồi tháng 5/2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn ở dưới mức bình thường do giấy phép xuất khẩu hiện được gắn với việc bán hàng nội địa bắt buộc để đảm bảo nguồn cung dầu ăn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Suahasil Nazara cho Reuters biết chính phủ vẫn đang cân nhắc việc áp dụng mức thuế mới và các ưu đãi, vốn sẽ được áp dụng tạm thời để giải quyết cuộc khủng hoảng do hàng tồn kho tăng cao.
Nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới này đã phải vật lộn để giải quyết lượng hàng tồn kho sau khi lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 3 tuần kết thúc vào ngày 23/5 nhằm kiểm soát giá dầu ăn trong nước. Lượng tồn kho cao đã buộc một số nhà máy phải đóng cửa và một số nhà máy khác hạn chế thu mua trái cọ, gây áp lực lên giá, khiến người trồng đòi dỡ bỏ rào cản xuất khẩu để nâng giá.
Các nhà chức trách Indonesia cũng sẽ tăng hàm lượng nhiên liệu làm từ dầu cọ trong dầu diesel sinh học của nước này từ 30% lên 35% bắt đầu từ ngày 20/7 để cố gắng sử dụng hết lượng dầu dư thừa.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 2,7%, giá dầu cọ giảm 0,7%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 1,6%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters