menu search
Đóng menu
Đóng

Giá gạo tuần này giảm ở Ấn Độ, ổn định ở Việt Nam và Thái Lan

18:20 19/03/2017

Vinanet - Giá gạo Việt Nam và Thái Lan duy trì ổn định trong tuần này, trong khi giảm nhẹ tại Ấn Độ.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá giảm 3 USD/tấn xuống 372-377 USD/tấn do nhu cầu yếu mặc dù rupee tăng.
"Gạo Thái Lan trở nên cạnh tranh nhiều so với gạo Ấn Độ. Khách hàng châu Phi và những khách hàng khác đang chuyển hướng sang mua gạo Thái Lan và Việt Nam”, ông M. Adishankar, giám đốc điều hành của Sri Lalitha, công ty xuất khẩu gạo hàng đầu của bang Andhra Pradesh (miền nam Ấn Độ) cho biết.
Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ không thể hạ giá bởi đồng rupee tăng giá lên mức cao nhất gần 17 tháng, làm giảm lợi nhuận của họ.
“Do chính phủ cũng mua vào nên giá lúa không giảm. Vậy nên các nhà xuất khẩu không thể hạ giá gạo”, một thương gia ở Mumbai cho biết.
Các tổ chức chính phủ mua lúa của nông dân để đưa vào hệ thống phân phối công cộng.
Sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2016/17 chắc chắn sẽ tăng 4,3% lên kỷ lục cao 108,86 triệu tấn. Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này xuất khẩu gạo phi-basmati chủ yếu sang các nước châu Phi, và gạo basmati sang Trung Đông.
Tại Thái Lan và Việt Nam, giá gạo vững trong bối cảnh giao dịch trầm lắng.
Loại 5% tấm của Thái Lan giá vững ở 350 – 355 USD/tấn, FOB Bangkok, tương tự như mức giá cách đây một tuần.
Các thương gia cho biết thị trường khá yên tĩnh trước khi vào vụ thu hoạch phụ, dự kiến vào tháng 4, vì khách hàng không vội vã mua vào. Họ dự đoán thị trường sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian ngắn nữa, sau đó sẽ giảm giá vào tháng tới.
Chính phủ sẽ tổ chức bán đấu giá gạo chất lượng thấp (dùng trong công nghiệp) vào ngày 23/3, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, loại 5% tấm xuất khẩu giá vững ở 355 – 360 USD/tấn, trong bối cảnh giá lúa trong nước vững ở mức cao.
“Đây là vụ chính nên nhu cầu trong nước cũng cao. Do đó, mặc dù nguồn cung tăng nhưng giá trong nước không giảm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết. Ông này cho rằng các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ muốn mua gạo Thái Lan hơn khi giá gạo Việt Nam ngang bằng với gạo Thái, thậm chí cao hơn chút ít.
Những thông tin liên quan
Trung Quốc: Không bán được gạo dự trữ
Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia cho biết nước này đã chào bán 507.242 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia trong ngày 14/3, nhưng không bán được chút nào.
El Nino yếu sẽ ảnh hưởng chút ít tới nông sản châu Á trong năm nay
Cơ quan khí tượng Mỹ MDA Weather Services cho biết El Nino yếu có thể sẽ quay trở lại châu Á trong năm nay, sẽ ảnh hưởng nhẹ tới sản lượng nông sản, nhất là các loại lúa mì, dầu cọ, gạo và hạt có dầu. Báo cáo của MDA viết: “Mưa sẽ dưới mức bình thường ở Australia, Đông Nam Á và Ấn Độ”.
Sri Lanka: Hạn hán làm giảm sản lượng gạo
Hạn hán trầm trọng nhất trong vòng 5 năm đã đẩy 900.000 người dân Sri Lanka rơi vào tình trạng “thiếu lương thực khẩn cấp”, Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme (WFP) cho biết.
Sản lượng lúa của nước này có thể xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm, tổ chức từ thiện Save the Children cho biết. Vụ thu hoạch vừa kết thúc, với sản lượng thấp hơn 63% so với mức thông thường (sản lượng năm ngoái đạt 3 triệu tấn). WFP cho biết quốc đảo này cần 2,3 triệu tấn gạo hàng năm, nhưng tổng sản lượng gạo năm 2017 dự kiến chỉ đạt khoảng 1,44 triệu tấn.
Bộ trrưởng Quản lý Thảm hoạ, Anura Priyadarshana Yapa, cho biết Chính phủ đã tiến hành các thủ tục để tăng nhập khẩu tránh để dân thiếu đói, như miễn thuế nhập khẩu cho tới vụ thu hoạch mới. Dự báo hạn hán sẽ còn tiếp diễn tới tháng 4.
Indonesia: Sản lượng của Trung Sulawesi cao kỷ lục, dư thừa 280.000 tấn
Khu vực Trung Sulawesi của Indonesia đã dư thừa 280.000 tấn gạo trong năm 2016, tăng so với mức dư thừa của năm trước. Đó là thành công của chương trình tăng cường sản xuất lúa, ngô và đậu tương, lãnh đạo cơ quan phụ trách cây trồng của địa phương này, Trie Iriany Lamakampali, cho biết.
Tỉnh đã đảm bảo đủ hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu để thực hiện chương trình tăng sản lượng lúa, ngô và đậu tương. Sản lượng lúa vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 10-11 kết thúc vào tháng 4-5/2017 ước đạt 500.000 tấn. Tỉnh đặt mục tiêu sản xuất 1,3 triệu tấn lúa trong mùa khô 2017.
Malawi: Sản xuất gạo chưa đáp ứng được nhu cầu quốc tế
 Malawi có những thị trường tiêu thụ gạo tiềm năng ở châu Phi, châu Á và châu Âu, nhưng nông dân nước này không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà nhập khẩu, Viện Hợp tác và Quyền công dân châu Phi (Africa Institute of Corporate and Citizenship (Aicc) cho biết.
Viện trưởng Aicc, Felix Lombe, cho biết người trồng lúa ở Malawi có cơ hôi xuất khẩu gạo sang Zambia, Nam Phi và các nước châu Âu bởi khách hàng ở những thị trường này quan tâm tới mặt hàng này.
Số liệu của Aicc cho thấy tiêu thụ gạo hàng năm ở Zambia ước khoảng 60.000 đến 65.000 tấn, nhưng nước này chỉ sản xuất được 40.000-45.000 tấn, tức là thiếu hụt khoảng 15.000 tấn và phải nhập khẩu để bù đắp.
Ông Lombe cho biết thêm: “Zimbabwe không sản xuất lúa và phải đáp ứng nhu cầu hoàn toàn bằng gạo nhập khẩu. Năm 2015 nước này nhập khẩu trên 300.000 tấn trong khi nhu cầu của cả châu Phi ở mức 1 triệu tấn mỗi năm”.
Theo ông, nông dân ở Malawi trồng được ít lúa, do vậy không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường quốc tế.
Số liệu của Aicc cho biết Malawi trồng 65.000 ha lúa trong khi tiềm năng lên tới trên 200.000 tấn mà chưa khai thác hết. Năng suất trung bình ở đây là khoảng 4.000 – 5.0000 kg mỗi ha (các giống lúa phổ biến là kilombelo, faya, pusa 33 và TCG10). Như vậy nếu trồng hết khả năng 200.000 ha thì có thể cho sản lượng 20 triệu tấn, đủ cung cấp cho Nam Phi, Zambia, Zimbabwe và các nước khác.
Tuy nhiên, việc tăng diện tích trồng lúa rất khó khăn do thiếu hệ thống thuỷ lợi và chi phí sản xuất như phân bón cao.
Trong số các nhà cung cấp gạo cho thị trường Zimbabwe thì Thái Lan đứng đầu với 34% thị trường trong năm 2015.
Myanmar: Xuất khẩu gạo tăng trong tài khoá này
Bộ Thương mại Myanmar mới đây cho biết, nước này đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo tính từ đầu tài khoá 2016/17 tới ngày 3/3, tăng 70.000 tấn so với tài khoá trước.
Thư ký thường trực U Toe Aung Myint cho biết: “Năm ngoái chúng tôi bị mất mùa bởi thiên tai, nhưng tình hình ở tài khoá này khả quan hơn nhiều”.
Myanmar xuất khẩu gạo chủ yếu sang các nước láng giềng Trung Quốc và Thái Lan qua đường biên giới. Xuất khẩu gạo trước đây chủ yếu qua đường biển, nhưng bắt đầu từ năm 2011 xuất khẩu qua đường biên giới đã trở nên phổ biến.
“Trước đây 80% xuất khẩu gạo của chúng tôi bằng đường biển, nhưng sau khi được phép thương mại qua biên giới, xuất khảu qua đường biển giảm đi. Tuy nhiên, gần đây hoạt động xuất khẩu bằng đường biển lại tăng lên”, ông U Toe Aung Myint cgho biết.
Bộ Thương mại cho biết năm 2015/16 có 21% gạo xuất khẩu bằng đường biển, còn 79% qua đường biên giới. Khối lượng xuất khẩu cao nhất là trong tài khoá 2014/15, với 1,8 triệu tấn.
Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn:Vinanet