menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lợn hơi ngày 1/2/2019 tiếp tục biến động nhẹ tại một vài nơi

12:47 01/02/2019

Vinanet - Giá lợn hơi hôm nay thay đổi nhẹ khoảng 1.000 đ/kg chủ yếu tại các tỉnh, thành thuộc hai miền Bắc - Nam.

Tại miền Bắc giá biến động trái chiều

Giá lợn hơi tại tăng trở lại 49.000 đ/kg ngay sau khi giảm 1.000 đồng trong ngày hôm trước xuống 48.000 đ/kg. Tại Nam Định, giá lợn tăng tới 2.000 đ/kg lên 50.000 đồng. Trong khi đó, tại Phú Thọ và Bắc Giang giá giảm 1.000 đ/kg xuống 48.000 đồng. Các địa phương còn lại giá không đổi so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 47.000 - 50.000 đ/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi bình quân toàn khu vực đạt hơn 48.000 đ/kg, giá lợn giống 1,4 triệu đồng/con loại 7 - 10 kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định

Sau vài ngày phục hồi, giá lợn hơi tại khu vực không thay đổi so với ngày hôm qua, duy trì trong khoảng 44.000 - 50.000 đ/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Thuận dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đ/kg; các địa phương còn lại, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận lợn hơi được giao dịch trong khoảng 44.000 - 46.000 đ/kg. Giá lợn giống tại khu vực đang giao dịch ở mức 1,35 triệu đồng/con.

Tại miền Nam giá tăng nhẹ

Tại Bình Dương, Cần Thơ và Sóc Trăng giá lợn hơi đồng loạt tăng 1.000 đ/kg, Bình Dương và Sóc Trăng lên 49.000 đồng, Cần Thơ 51.000 đ/kg; trong khi đó, giá lợn tại Hậu Giang giảm 1.000 đồng xuống 51.000 đ/kg. Các địa phương gồm Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Bạc Liêu ... giá vẫn ở mức tốt, đạt 50.000 - 52.000 đ/kg.

Tại thủ phủ nuôi lợn Đồng Nai, giá lợn hơi dao động trong khoảng 49.500 - 52.000 đ/kg.

Tính chung toàn miền, giá lợn hơi trung bình tại khu vực đạt 50.000 đ/kg.

Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 31/1/2019 rất lớn, đạt 7.300 con, khiến tình hình buôn bán của thương lái không tốt.

Một số thông tin về thị trường thịt thế giới

Ba Lan muốn xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam

Trong chuyến thăm Việt Nam đại diện Cục Thú y Ba Lan bày tỏ mong muốn xuất khẩu thịt lợn, thịt gà, gia cầm và thịt bò sang Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mọi hoạt động xuất khẩu nông sản giữa hai nước, cụ thể là thịt bò, thịt lợn, gia cầm sẽ thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả châu Á và châu Âu. Ở Ba Lan, ASF xuất hiện từ năm 2014 và vẫn đang còn nhưng tồn tại chủ yếu ở khu vực biên giới miền Đông của Ba Lan.

Ba Lan có những giải pháp để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong nước ở cả động vật sống và sản phẩm chế biến, đảm bảo sản phẩm thịt lợn sản xuất ra là an toàn. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2017, Ba Lan được coi là không còn dịch bệnh về cúm gà. Từ tháng 6/2017, theo đánh giá của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Ba Lan là nước có rất ít có khả năng có dịch bệnh bò điên.

Phía Ba Lan sẽ sớm gửi tài liệu theo hướng dẫn của phía Việt Nam yêu cầu về quy trình cấp chứng nhận xuất khẩu thịt bò Ba Lan sang Việt Nam và mong muốn phía Việt Nam xem xét. Ba Lan sẵn sàng đón đoàn công tác của phía Việt Nam sang tham quan và kiểm tra về quy trình sản xuất, chế biến thịt bò tại Ba Lan.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phùng Đức Tiến cho hay mọi hoạt động xuất khẩu nông sản giữa hai nước, cụ thể là thịt bò, thịt heo, gia cầm sẽ thực hiện theo đúng quy định của OIE.

Đối với mong muốn của phía Ba Lan về việc xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, Thứ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, cụ thể là Cục Thú y phối hợp chặt chẽ với phía Ba Lan trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan cũng như sẽ cử đoàn công tác sang tham quan thực tế nước bạn để có thể tiến tới việc phê chuẩn nhập khẩu thịt bò từ Ba Lan.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói thêm Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Ba Lan trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, chế biến đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.

Phía Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung của những thỏa thuận đã ký kết giữa hai Bộ Nông nghiệp để kim ngạch thương mại nông sản hai chiều tăng lên đúng với tiềm năng của hai bên.

Malaysia tiếp tục cấm nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia tồn tại dịch tả lợn châu Phi

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia Sim Tze Tzin cho biết lệnh cấm cũng gồm thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn được mang theo như hành lí xách tay của hành khách đi qua các tuyến đường biển và đường hàng không để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Malaysia.

Ông cho biết cho đến nay, 10 quốc gia đã được báo cáo bùng phát dịch ASF, trong đó có Trung Quốc, Mông Cổ, Bỉ, Hungary, Latvia Moldova, Ba Lan, Romania, Ukraine và Chad ở Châu Phi. Theo ông Sim Tze Tzin, lệnh cấm tạm thời được triển khai từ ngày 7/9/2018 sau khi dịch ASF được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái.

Ông nói thêm lệnh cấm phù hợp với hành động của các nước xuất khẩu để kiểm soát dịch.

Các sản phẩm có nguy cơ lây lan virus ASF là heo sống, thịt lợn tươi, thịt lợn đông lạnh, thịt lợn chế biến (thịt lợn hun khói, xúc xích) chưa được xử lý ở nhiệt độ cao.

Chăn nuôi chịu lực lớn từ CPTPP

Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên đối với sản phẩm thịt lợn, thịt gà, sức cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn rất yếu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguễn Xuân Cường nhận định: “Năm nay, CPTPP chính thức có hiệu lực và cũng là thời điểm nông nghiệp Việt Nam đối diện với rủi ro tổn thương rất lớn. Điển hình là ngành chăn nuôi khi các nước thành viên CPTPP như Chile, Canada, Australia, New Zealand được đánh giá là tiên tiến, hàng đầu thế giới”.

Bộ trưởng nhấn mạnh nếu không nâng cao bảo vệ thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng tình hình sẽ rất gay go chứ không hề thuận lợi như năm 2018.

Năng suất ngành chăn nuôi chưa cao, trong khi tỉ trọng chi phí nguyên liệu đầu vào lớn, chiếm tới 60 - 65% tổng chi phí. Trong đó, có tới 80 - 90% nguyên liệu Việt Nam đều phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguồn giống chưa cho năng suất cao và Việt Nam chưa có hệ thống quản lí trang trại tối ưu mang lại hiệu suất cao cho trang trại.

Điều may mắn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam khi CPTPP đi vào hiệu lực là hiệp định này không có sự góp mặt của Mỹ, một trong những cường quốc trong ngành chăn nuôi nên sức ép cạnh tranh giảm đi đáng kể.

Nguồn: VITIC/Vietnambiz

 

Nguồn:Vinanet